Vụ đông xuân 2020 - 2021 ở miền Bắc: Giảm xả nước, cấy xong trước 3/3

Khương Lực Thứ tư, ngày 24/02/2021 15:37 PM (GMT+7)
Trực tiếp đi kiểm tra việc lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa trên địa bàn Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã quyết định rút ngắn thời gian xả nước đợt 3 xuống còn 4 ngày (kế hoạch 6 ngày); đồng thời việc gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021 sẽ hoàn thành trước ngày 3/3.
Bình luận 0

"Nhu cầu lấy nước đổ ải cho diện tích ở Hà Nội chỉ cần 10 triệu m3, nhưng chúng tôi đang phải chỉ đạo xả 1 tỷ m3 nước" - ông Hiệp cho hay.

"Lấy phụ làm chính" để chủ động nguồn nước

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trong thời gian lấy nước đợt 3, các hồ thủy điện xả nước chủ yếu là để phục vụ việc lấy nước chống hạn cho địa bàn TP.Hà Nội. Tính đến cuối ngày 22/2, TP.Hà Nội đã lấy đủ nước cho khoảng 93% diện tích. 

Trong số 7% diện tích còn lại, tương đương 5.500ha, có 4.400ha chủ động cấy muộn và khoảng 1.100ha khó khăn về nguồn nước.

Việc khó khăn về nguồn nước đổ ải, phục vụ gieo cấy trên địa bàn TP.Hà Nội đã phát sinh và kéo dài trong nhiều năm nay. Nguyên nhân một phần do TP.Hà Nội đưa ra kế hoạch khung thời vụ chậm hơn so với các tỉnh khác khoảng 1 tuần, mặt khác là tình trạng hạ thấp mực nước sông Hồng, khiến nhiều các công trình lấy nước không thể vận hành được.

Vụ đông xuân 2020 - 2021 ở miền Bắc: Giảm xả nước, cấy xong  trước 3/3 - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đứng máy cấy, động viên nông dân xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất sản xuất đầu năm. Ảnh: Thành An

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), tính đến 15 giờ ngày 22/2, diện tích có nước khu vực đồng bằng sông Hồng là 511.363/522.490 ha (đạt 97,9%), tăng 15,5% so với kết thúc đợt 2. Cơ bản các địa phương đã hoàn thành kế hoạch lấy nước, các địa phương có tỷ lệ diện tích đủ nước thấp hơn là Hải Dương (93,6%), TP.Hà Nội (92,6%).

Theo nghiên cứu của Bộ NNPTNT, bình quân mỗi năm đáy sông Hồng giảm từ 10-20cm và trong 10 năm qua đáy sông Hồng đã giảm xuống hơn 1m. "Đáy sông Hồng tụt xuống, đến năm 2023 chúng tôi tính toán các thủy điện xả hết công suất thì mực nước Hà Nội khó mà duy trì được để lấy nước như hiện nay" - ông Hiệp khẳng định.

Hiện nay, việc lấy nước để phục vụ gieo cấy vụ xuân trên địa bàn TP.Hà Nội phụ thuộc rất lớn vào khoảng 200 trạm bơm, trong đó có 4 trạm bơm dã chiến có công suất lớn là: Phù Sa với quy mô 32 máy, công suất 1.100m3/giờ; Bá Giang với quy mô 30 máy, công suất 1.000m3/giờ; Thanh Điềm với quy mô 20 máy, công suất 1.100m3/ giờ; Ấp Bắc với quy mô 25 máy, công suất 1.100m3/giờ.

Trong năm 2019 - 2020, TP.Hà Nội đã tiếp tục đầu tư trạm bơm dã chiến Quang Lãng (huyện Phú Xuyên), gồm 5 tổ máy...

Trong những năm qua, khi các hồ thủy điện không xả nước, các trạm bơm dã chiến đã phát huy vai trò quan trọng trong công tác bơm nước phục vụ đổ ải và tưới dưỡng cho lúa vụ xuân của các địa phương trên địa.

Để đảm bảo lấy đủ nước phục vụ gieo cấy vụ xuân 2021 tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị 200 trạm bơm, nhất là 4 trạm bơm dã chiến lớn tập trung vận hành hết công suất 24/24 giờ, cố gắng trong 4 ngày lấy xong nước đợt 3 để tiết kiệm nước cho các hồ thủy điện.

Đồng thời, có giải pháp tính toán, phân phối nước từ các nguồn khác nhau. Như việc lấy nước từ hồ Đồng Mô cho khoảng 200-300ha khó khăn về nguồn nước ở huyện Quốc Oai, thay vì lấy nước từ sông Hồng.

Về lâu dài, cùng với định hướng chuyển đổi 19.000ha đất lúa trong giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị TP.Hà Nội nghiên cứu tất cả các trạm bơm dã chiến để tính toán "lấy phụ làm chính", đảm bảo nước phục vụ gieo cấy trên địa bàn.

Vụ đông xuân 2020 - 2021 ở miền Bắc: Giảm xả nước, cấy xong  trước 3/3 - Ảnh 3.

Tranh thủ có nước, người dân một số địa phương tại Hà Nội đã ra đồng cấy lúa.

Hiện nay, Trạm bơm Thanh Điềm đã được TP.Hà Nội đầu tư cải tạo, nâng cấp, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2021, với mực nước bể hút min thiết kế là +0,00m. Bộ NNPTNT đã phê duyệt đề cương, kinh phí nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Trạm bơm Phù Sa và dự kiến sẽ khởi công trong năm 2021.

Vì thế, ông Hiệp đề nghị TP.Hà Nội triển khai xây dựng các trạm bơm còn lại, làm sao cố gắng đến năm 2023 xóa các trạm bơm dã chiến. Lúc đó, chúng ta sẽ không quá phụ thuộc vào nguồn nước thủy điện. Hà Nội cũng cần tiếp tục có giải pháp giảm ô nhiễm nguồn nước, nhất là trên hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy.

Hoàn thành gieo cấy trước 3/3

Cùng với việc rút ngắn thời gian lấy nước đợt 3, TP.Hà Nội cũng quyết định đẩy sớm khung thời gian kết thúc cấy vụ đông xuân 2020-2021 lên trước ngày 3/3, thay vì kế hoạch là ngày 5/3.

"Chúng tôi sẽ tập trung và chỉ đạo ngay Sở NNPTNT Hà Nội có văn bản chỉ đạo tới các đơn vị tập trung quyết liệt đón được nguồn nước trong đợt 3 để bà con nông dân cấy vụ xuân, hoàn thành chậm nhất vào ngày 3/3" - ông Nguyễn Như Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẳng định.

Thông tin về tình hình gieo cấy vụ đông xuân 2020-2021, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đến thời điểm này có thể đánh giá khá thuận lợi. "Năm nay chúng ta được ải, được nước và thời tiết khá thuận lợi cho việc gieo cấy lúa đảm bảo kế hoạch đề ra" - ông Cường nói.

Theo ông Cường, đến cuối ngày 22/2, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã cơ bản hoàn thành sản xuất vụ đông xuân 2020-2021. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng gieo cấy đạt xấp xỉ 70%, các tỉnh Trung du miền núi trên 57%. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem