Mới đây, thông tin Giám đốc 8X Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) đang gây xôn xao vì chỉ trong vòng nửa tháng gần đây, ông đăng ký thành lập 5 công ty với tổng vốn điều lệ lên đến hơn 500.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 22 tỷ USD).
Trong đó, riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) có vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng. Con số này cao gấp đôi tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên sàn chứng khoán, vượt xa một số tập đoàn lớn.
Liên quan đến vấn đề này, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có những phân tích cụ thể.
Ông Cường cho biết, theo quy định tại điều 112,113 Luật Doanh nghiệp 2020 thì vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán.
Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty.
"Khi thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này.
Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.
Trong trường hợp các cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì được xử lý theo nhiều cách khác nhau", ông Cường thông tin.
Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác; Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán.
Không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác; Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 điều này, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
Theo vị luật sư, căn cứ vào quy định của luật doanh nghiệp thì khi đăng ký vốn điều lệ, các cổ đông phải góp vốn đủ và đúng thời hạn theo quy định. Trong trường hợp không góp đủ thì cổ đông đó sẽ không có quyền sở hữu số cổ phần chưa thanh toán và Hội đồng quản trị được quyền bán cổ phần chưa thanh toán đó.
"Hiện nay, có thể thấy pháp luật không cấm việc doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu, tuy nhiên Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo.
Trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó .
Trong trường hợp các cổ đông vi phạm về việc góp vốn thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký theo quy định tại khoản 3 điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm", vị luật sư phân tích.
"Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, việc góp vốn của doanh nghiệp để tránh trường hợp doanh nghiệp “ảo”, doanh nghiệp “ma” tồn tại ảnh hưởng đến đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp uy tín, trung thực", ông Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.