Bài 2: Đằng sau sự chậm trễ của UBND xã Hiên Vân là gì?
Vụ Giám đốc người Mỹ bị bịt kín lối đi vào nhà: Đằng sau sự chậm trễ của UBND xã Hiên Vân là gì?
Hoàng Chiên
Thứ sáu, ngày 11/12/2020 08:19 AM (GMT+7)
Vẫn biết những căng thẳng giữa hộ ông Bùi Quang Huy và gia đình bà Hà Thục Vân là có thật. Có thể bà Vân uất ức vì bị chặn lối đi quá vô lý sau 7 năm sử dụng, bà có ẩy đổ một vài viên gạch trong quá trình ai đó "thi công" xây bức tường bịt lối vào nhà của bà.
Bà Vân là một nhà làm phim có uy tín ở Việt Nam và nước ngoài; là con một diễn viên/ đạo diễn danh tiếng. Sau cú "ẩy" tường, bà Vân bị đau tay và phải băng bó cả tháng.
Ông Huy đã có đơn tố cáo hành vi hủy hoại tài sản lên Công an huyện Tiên Du. Công an huyện này đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Phải nói là hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại.
Bà Vân từ lâu đã tố cáo ông Huy và một số người khác đã vi phạm cam kết xây dựng một không gian văn hóa và tràn ngập màu xanh để tôn vinh xứ Kinh Bắc, thông qua việc xây dựng một xưởng gốm đốt bằng ga gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động trẻ em (theo đơn tố cáo và chúng tôi cũng đã vào xưởng gốm đó để tìm hiểu nhiều lần). Bản thân Chủ tịch UBND xã Hiên Vân thừa nhận, xưởng gốm trên chưa được cấp giấy phép.
Vì ông Huy vi phạm cam kết nên bà Vân cũng không dành đất xây khu đỗ xe chung cho cả "xóm" như cam kết (bằng miệng) với nhau từ trước.
Tuy nhiên, các quy định đạo đức và luật pháp thì vẫn buộc phải tuân thủ trong câu chuyện này. Ấy là nhà ông Michael Di Gregorio và bà Hà Thục Vân xây đã lâu, sống đã lâu, có sổ đỏ và chưa từng vi phạm điều gì. Họ có quyền có một con đường để đi vào.
Sau nhiều lần chính thức làm việc với Công an xã, Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính xã Hiên Vân, chúng tôi nhận thấy các dấu hiệu "chậm trễ" và không thật sự có trách nhiệm trong giải quyết vụ việc. Các lời hứa với nhóm phóng viên sau đó cũng bị phớt lờ.
Ông Michael Di Gregorio là một tiến sĩ có đóng góp đặc biệt cho bảo tồn, giao lưu, phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam trong nhiều năm qua.
Việc "cho (ông) một con đường vào nhà để sống như một người bình thường" (như "đơn kêu cứu") là cần thiết, là trách nhiệm và danh dự của chúng ta trước một người nước ngoài đang sinh sống hợp pháp và được vinh danh ở Việt Nam.
Vậy mà, cặp vợ chồng này càng xuống nước thì các dấu hiệu lấn tới lại càng trầm trọng.
Cụ thể, bỏ qua con đường đã đóng góp tiền và đi suốt 7 năm qua, họ đi vòng sang ngõ khác, bỏ tiền san ủi đồi hoang đất dốc để vào nhà bằng cửa sau, cửa ngách, cửa hoen ghỉ bẩn thỉu, không dắt vừa cái xe máy.
Tuy nhiên, chưa đi được buổi nào đã có người đến đòi nộp 40 triệu đồng, rồi tăng lên đòi 200 triệu đồng (theo đơn tố cáo của bà Vân) để đóng góp sửa con ngõ bê tông bé xíu trước khi dẫn đến khu đồi hoang vừa san ủi. Tức là đóng góp cho đoạn đường mà họ tự khai là họ đã tốn kém vô cùng để sửa sang cho lối đi vào nhà họ thôi.
Còn từ cổng nhà họ, phải vượt qua cả trăm mét đường mà bà Thục Vân và chồng đã thuê người san ủi bằng máy xúc nữa mới đến được khu vực cửa sau nhà mình. Ông bà đang tính "ừ cho xong" để có lối vào nhà; thì lập tức lại xuất hiện một ngôi mộ mới xây, gạch vữa còn chưa khô, nhưng trên bia ghi là cụ về trời đã cả trăm năm (!).
Ngôi mộ đáng kính to đến mức chiếm 2/3 diện tích lối đi vừa mới mở, còn chưa san gạt đất đỏ ra. Bà Vân và cộng sự tiếp tục đến tận nhà người "có mộ" để thương thảo, song các ý kiến thì… rất căng. Đưa ra chính quyền xã thì xã bảo: đừng đi lối đó. Đại ý là chấp nhận tất cả những "tai họa" trên. Tự ông bà nên mở lối vượt qua quả đồi lớn mà ra. Lại một phương án nữa được vạch ra.
Ông Michael Di Gregorio, bà Vân và phóng viên Dân Việt (lúc đó đã nhận đơn và tiến hành điều tra), ngày 21/9/2020 lại tiếp tục hi vọng vào lời hứa của ông Hùng, Chủ tịch UBND và ông Hiệp, cán bộ địa chính xã Hiên Vân.
Chúng tôi làm việc trực tiếp với hai ông này, các ông cũng mở bản đồ cho xem và hứa chắc nịch: sẽ tổ chức để ông bà Michael Di Gregorio và Hà Thục Vân gặp hai hộ có đất ở phía sau quả đồi hoang mà chưa có "đường vào" khác, để cả ba góp tiền mở đường mới. Bỏ qua hai con đường: bị xây tường đá cao vút và bị đòi tiền khủng kèm theo một ngôi mộ mới xây án ngữ.
Ông Michael Di Gregorio và bà Hà Thục Vân nhẫn nhịn chịu đựng và đã chờ đợi đến khi chúng tôi viết những dòng này là 1,5 tháng trôi qua, lời hứa vẫn bỏ đó. Dẫu chúng tôi liên tục giục, gọi điện thoại, nhắn tin. Thật sự không biết điều gì đang xảy ra. Kính đề nghị UBND huyện Tiên Du, UBND tỉnh Bắc Ninh sớm chỉ đạo làm rõ các khuất tất đầy tai tiếng này.
Tiến sĩ Michael DiGregorio là nhà nghiên cứu trong Mạng lưới các thành phố Châu Á thích ứng với biến đổi khí hậu của Quỹ Rockefeller. Từ năm 2002-2009, ông phụ trách chương trình giáo dục, truyền thông, nghệ thuật và văn hóa của Quỹ Ford tại Việt Nam.
Ông nhận bằng Tiến sĩ về Quy hoạch Đô thị tại Đại học California, Los Angeles vào năm 2001 với luận án về quá trình công nghiệp hóa các làng nghề ở Đồng bằng sông Hồng nhìn từ góc độ văn hóa. Luận văn thạc sĩ của ông về Quy hoạch Đô thị và Khu vực tại Đại học Hawaii được xuất bản vào năm 1994 với tựa đề "Sản phẩm Đô thị: Tái chế trong vai trò một ngành công nghiệp nông thôn ở Miền Bắc Việt Nam". Ông cũng có bằng Thạc sĩ Kinh tế Phát triển của Đại học Ohio và bằng Cử nhân Thần học.
Tại Việt Nam, ông đã vinh dự nhận: Bằng khen của Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2009; Kỉ niệm chương của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, năm 2017; Bằng khen của Hội Văn nghệ Dân gian VN, năm 2009; Quỹ Ford mà ông là Giám đốc được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, năm 2010; Giải Ý tưởng Vì tình yêu Hà Nội, do Báo Thể thao Văn hóa, TTXVN trao tặng năm 2011; Hiệu trưởng ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TPHCM tặng bằng ghi nhận "Vì sự phát triển ngành Nhân học"…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.