Tiến sĩ người Mỹ có 28 năm sống tại Việt Nam bức xúc vì bị bịt mọi lối đi vào nhà
Giám đốc người Mỹ 28 năm sống tại Việt Nam làm đơn kêu cứu vì bị bịt mọi lối đi vào nhà
Chiên Hoàng
Thứ năm, ngày 10/12/2020 06:42 AM (GMT+7)
Vừa qua, Báo điện tử Dân Việt nhận được "Đơn kiến nghị khẩn cấp" của vợ chồng Tiến sỹ Michael Di Gregorio (quốc tịch Mỹ) và vợ là bà Hà Thục Vân (đang sống tại Hà Nội), cả hai cùng tìm gặp chúng tôi nhiều lần với nỗi bức xúc vì bị bịt lối đi vào nhà.
Họ đang bị bít hết cả hai lối vào nhà, chính quyền cơ sở nhiều lần tỏ ra bất lực trước các hành vi vô cùng khó hiểu kể trên. Người ta hứa về một con đường xuyên qua quả đồi hoang cặp vợ chồng Việt – Mỹ có thể tự bỏ tiền ra mà mở kiểu "tránh voi chả xấu mặt nào". Song, sau nhiều tháng ròng, tất cả vẫn chỉ là lời hứa trong tuyệt vọng.
Theo đơn thư, họ cùng một số gia đình trí thức gồm bác sĩ, họa sĩ, doanh nhân mua một khu đồi có địa thế đẹp ở xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Các bên cam kết xây dựng thành không gian văn hóa với các điểm sinh hoạt chung nhiều cây xanh, đồng thời ông Michael có thể trưng bày, lưu giữ các giá trị văn hóa quý báu vùng Kinh Bắc.
Họ đã từng êm thấm sống quây quần ở "xóm nghệ sỹ" đó gần chục năm qua, "bảo tàng tại gia" của vợ chồng Michael – Thục Vân trở thành địa chỉ vàng cho văn hóa châu thổ sông Hồng, báo chí viết và chụp ảnh vẫn tràn ngập trên internet hiện nay.
Ông Michael Di Gregorio, quốc tịch Mỹ, nguyên là Giám đốc Quỹ Ford, đang là Trưởng đại diện một cái Quỹ lớn khác - một tổ chức phát triển quốc tế phi lợi nhuận lớn của Mỹ tại Việt Nam. Qua 28 năm gắn bó với Việt Nam và làm luận án tiến sĩ về môi trường, làng nghề, văn hóa vùng Kinh Bắc, Tiến sỹ Di Gregorio nói tiếng Việt rất sõi.
Tìm gặp chúng tôi, ông tâm sự: "Tôi có rất nhiều cơ hội làm nhà, xây khu "tôn vinh văn hóa" ở các địa điểm rất đẹp, rất đắt đỏ ở thành phố, ở ven các khu bảo tồn thiên nhiên danh tiếng. Song tôi vẫn quyết định gắn bó với vùng Kinh Bắc, vì tôi yêu vùng đất này".
Khi xây dựng khu vực kể trên, ông Di Gregorio, bà Vân và các cá nhân khác đã trao đổi kĩ qua sơ đồ, qua các bản thiết kế cả bằng tiếng Anh, qua kế hoạch đóng góp tiền (hiện nay email về việc này ông Di Gregorio và bà Vân vẫn giữ nguyên). Cuối cùng thì con đường to, đẹp để ô tô của các hộ gia đình đi vào đã khang trang khoảng chục năm nay.
Thế nhưng, "ngày 19/12/2019, ông Bùi Quang Huy (hàng xóm - PV) cho xây bức tường đá xi măng cao hơn 1m chặn toàn bộ lối đi vào bất động sản (nhà cửa, công trình) của gia đình tôi tại thôn Kiều, xã Vân Hiên, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh" - đơn thư viết.
Từ bấy, vợ chồng Michael – Thục Vân phải tự đào đất mở đường khác để vào nhà bằng cửa ngách. Song, đất vừa thuê máy xúc đào xong, chưa kịp san, một ngôi mộ khổng lồ vôi vữa mới toe được "xây sửa" chiếm mất 2/3 lối vào. Một lần nữa, lối vào nhà theo cửa ngách tạm bợ và đất đỏ lầy thụt cũng bị bít nốt.
Đơn xin được "đảm bảo đời sống của một con người bình thường"
Thực tế, cả làng cả xã, cả lãnh đạo địa phương và video còn lưu giữ, đều cho thấy: gia đình ông Michael Di Gregorio và các hộ phía trong đã ít nhất 7 năm nay đi bằng lối đi chung rộng rãi (ô tô ra vào thoải mái) kia.
Hàng xóm của gia đình bà Vân cũng có cái lý của họ, đất có sổ đỏ của nhà ông Bùi Quang Huy, thì ông có quyền xây trên đất "chính chủ". Các thỏa thuận đóng góp mở lối đi chung qua email và qua trao đổi miệng là "cam kết" dân sự, có thể bị phá vỡ.
Lúc đầu ông xây dưới 1m, bà Vân và nhân viên vẫn có thể nhảy qua đó để vào chăm sóc vật nuôi và cơ ngơi của mình phía trong (nhưng xe cơ giới, xe đạp, xe máy, ô tô tuyệt đối không thể vào). Thời gian sau, "nhà phía trước" lại xây tiếp bờ tường cao vài mét, không ai có thể vượt qua được.
Từ ngày 27/12/2019 vợ chồng bà Vân có đơn kiến nghị lên UBND xã Hiên Vân. Sau 20 ngày chờ đợi, bà Vân vẫn chưa nhận được hồi âm.
Họ bèn viết đơn kiến nghị, tố cáo lên cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Du, vì họ thấy quyền lợi chính đáng và tối thiểu của mình bị xâm hại quá nghiêm trọng. "Mãi cho đến ngày 7/1/2020, chúng tôi mới nhận được "giấy mời" của UBND xã Hiên Vân về để họp (về vụ việc)", đơn viết.
Vậy là đã khoảng 10 tháng trôi qua, kể từ khi gia đình ông Michael Di Gregorio và bà Hà Thục Vân bị chặn mất lối đi bằng một bức tường đá cao vút, đến nay sự việc vẫn bị cơ quan chức năng để cho trôi đi mà không có một biện pháp giải quyết nào hữu hiệu.
Theo quy định, đất nhà bà Vân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì kiểu gì cũng phải có một lối đi vào để họ sinh sống tối thiểu.
Trong đơn, ông Michael Di Gregorio viết: "Là một người nước ngoài làm việc chân chính và luôn đưa lợi ích của dân tộc Việt Nam lên hàng đầu, tôi không cạnh tranh buôn bán hoặc gây rối làm tổn hại cho xã hội (…), gia đình chúng tôi đề nghị "Ủy ban Nhân dân xã Hiên Vân, Phòng tài nguyên - Môi trường huyện Tiên Du làm rõ đâu là đường chính thức để gia đình chúng tôi có đường đi đảm bảo đời sống của một con người bình thường".
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, khoản 1, Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, chủ sở hữu nhà đất được bao quanh bởi các ngôi nhà của chủ sở hữu khác mà không có hoặc không có lối đi nào thì có quyền yêu cầu các chủ sở hữu ngôi nhà đó xây dựng một lối đi trên đất của họ. Lối đi này được gọi là lối đi chung hoặc còn được gọi một tên khác là lối đi qua.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.