Vụ khách sạn ở TP. Phan Thiết nhận thanh toán tiền phòng bằng tiền ảo: Để trải nghiệm... cho biết
Vụ khách sạn ở TP. Phan Thiết nhận thanh toán tiền phòng bằng tiền ảo: Để trải nghiệm... cho biết
Bùi Phụ
Thứ ba, ngày 07/03/2023 09:37 AM (GMT+7)
Sáng 7/3, trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, các cơ quan chức năng đã buộc một khách sạn nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP. Phan Thiết chấm dứt niêm yết và nhận thanh toán tiền phòng bằng Pi(tiền ảo).
Theo ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận, Thanh tra Sở và Phòng PA 05 (Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Công an tỉnh Bình Thuận đã đến kiểm tra khách sạn Minh Tâm liên quan đến việc khách sạn này nhận thanh toán bằng tiền Pi (tiền ảo).
Theo ông Bùi Thế Nhân thông tin PV Báo Dân Việt chuyển đến trước đó cho sở để đi kiểm tra khách sạn Minh Tâm là đúng sự thật.
Thời điểm đoàn đến kiểm tra, chủ khách sạn đã thừa nhận, có niêm yết cho du khách biết và thực hiện việc thanh toán tiền phòng bằng Pi được 5 ngày (bắt đầu ngày 24/2/2023). Nhưng đến ngày 1/3, lực lượng chức năng liên quan đã đến yêu cầu, buộc chủ khách sạn phải tháo dỡ ngay niêm yết giá không đúng quy định pháp luật này. Ngay sau đó, chủ khách sạn Minh Tâm đã thực hiện nghiêm và không còn niêm yết bảng giá phòng bằng tiền Pi.
"Qua kiểm tra, Phòng PA 05 và Sở VHTT và Du lịch tỉnh Bình Thuận thấy chủ khách sạn mới vi phạm lần đầu, tiếp thu nghiêm chỉnh, tháo gỡ ngay niêm yết và hứa về sau sẽ không tái phạm... nên chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt...", ông Bùi Thế Nhân cho biết.
Trước đó trên mạng xã hội có thông tin lan truyền về một khách sạn Minh Tâm nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP. Phan Thiết (Bình Thuận) niêm yết giá phòng bằng Pi. Một nhóm khách đã ghi lại sự việc và đưa lên mạng xã hội khi thanh toán tiền phòng tại khách sạn này bằng Pi( tiền ảo).
Từ hình ảnh của nhóm khách này cho biết, từ ngày 25/2, khách hàng có thể thanh toán bằng mã QR được cung cấp bởi khách sạn.
Theo hóa đơn, giá phòng tại khách sạn dao động từ 350.000 đến 550.000 đồng và được quy đổi thành 0,15 hoặc 0,24 Pi. Khách sạn cũng quy đổi giá giường phụ 150.000 đồng thành 0,1 Pi.
Đặc biệt là chú thích ghi rõ: "Quy đổi 1 Pi = 2,3 triệu đồng" và chỉ nhận thanh toán bằng Pi từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Nhiều người cho rằng, việc khách sạn niêm yết Pi là vi phạm pháp luật.
Để làm rõ thông tin này, sáng 3/3, PV đã liên hệ vào số điện thoại của khách sạn Minh Tâm và được một giọng nữ xác nhận: Trước đây khách sạn có nhận thanh toán bằng Pi nhưng hiện tại đã ngừng. Theo lời của của vị này, trước đây khách sạn sử dụng thanh toán bằng Pi là để trải nghiệm cho biết. Nhưng hiện nay thì ngừng, không sử dụng nữa…
Tiền niêm yết là Việt Nam đồng
Theo Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định về cách thức niêm yết giá:
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…
Pháp luật cũng quy định: Đồng tiền niêm yết giá là Việt Nam đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định riêng.
Như vậy căn cứ vào các quy định trên thì công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú là khách sạn phải niêm yết công khai giá phòng, giá dịch vụ theo các hình thức thích hợp, rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng. Khách sạn không được niêm yết tiền ảo!
Căn cứ khoản 13 Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như sau:
Người tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, khách sạn, du lịch được niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ bằng Việt Nam đồng và ngoại tệ tương đương…
Như vậy, khách sạn chỉ được niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam và ngoại tệ tương đương trên trang tin điện tử, ấn phẩm chuyên ngành (không bao gồm thực đơn và bảng giá dịch vụ).
Tiền Pi và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp. Việc phát hành cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam là bất hợp pháp…
Pi là gì, xuất phát từ đâu?
Pi Network là dự án về tiền điện tử ra đời từ năm 2019 ở Mỹ.
Dự án được quảng cáo có thể "đào" miễn phí trên điện thoại bằng ứng dụng Pi Network. Sau khi cài ứng dụng, tài khoản Pi của người dùng sẽ tự động tăng với điều kiện phải mở ứng dụng để "điểm danh" sau mỗi 24 giờ. Càng mời được nhiều người tham gia, tốc độ "đào" sẽ càng nhanh.
Pi đã từng gây sốt tại Việt Nam và thu hút nhiều người tham gia do suy nghĩ không mất tiền mà chỉ cần hằng ngày mở ứng dụng. Thế nhưng, để xác minh danh tính, người dùng phải cung cấp hình ảnh chứng minh nhân dân và cung cấp một số thông tin cá nhân khác. Đây là một dạng của loại tiền ảo hay tiền điện tử.
Việc phát hành cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam là bất hợp pháp…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.