Khác với chiến tranh thông thường, chiến tranh hạt nhân có mức độ và phạm vi phá hủy lớn hơn nhiều và gây những hậu quả lâu dài trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ sau cuộc chiến.
Một cuộc chiến tranh hạt nhân trên quy mô lớn có thể dẫn đến sự hủy diệt tất cả các dạng sống trên Trái Đất. Và có thể "tiễn" hành tinh xanh của chúng ta trở về thời nguyên thủy, sơ khai.
Vũ khí hạt nhân: Sức mạnh hay sự hủy diệt?
Tính cho tới nay, chỉ có hai quả bom hạt nhân đã được sử dụng trong chiến tranh tại Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) trong Thế chiến II. Cả hai quả bom này đã cho thế giới thấy sức công phá và hủy diệt khủng khiếp của chúng.
Nhưng, không vì vậy mà các kho dự trữ hạt nhân giảm xuống, nhất là sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, số lượng đầu đạn hạt nhân tăng lên một cách chóng mặt.
Business Insider đã có bài mô tả tiềm năng vũ khí hạt nhân của các nước.
Theo đó, tính đến năm 2014, trên thế giới có 10 quốc gia hạt nhân, trong đó mạnh nhất là hai cường quốc Nga và Mỹ với khoảng 8.500 và 7.500 đầu đạn hạt nhân.
Tiếp đến là 3 cường quốc Anh, Pháp và Trung quốc tương đương nhau với số đầu đạn 225, 300 và 250.
Và cuối cùng là 3 tân quốc gia hạt nhân là Ấn Độ, Pakistan, Iran, Israel. Dù "chậm chân" hơn khoảng 20 - 30 năm, nhưng nay đã có trong kho khoảng trên dưới 100 đơn vị.
Ngoài ra, Triều Tiên sở hữu con số nhỏ nhoi ước tính không quá 10 quả bom, mà chủ yếu là loại bom Plutonium thô sơ.
Với tiềm năng khác nhau giữa các quốc gia hạt nhân như vậy, một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu xảy ra cũng có thể ở mức độ ác liệt rất khác nhau.
Xét cho cùng, tai họa của một cuộc chiến tranh xảy ra, dù ở quy mô lớn nhỏ nào, cũng gây hậu quả rất lớn, nhiều mặt và lâu dài đến loài người trên toàn cầu.
Chiến tranh hạt nhân khiến Trái Đất "méo mó" thế nào?
Các nhà nghiên cứu đã đặt bài toán với giả thiết về hậu quả từ một cuộc chiến tranh hạt nhân ở hai mức độ khác nhau. Họ nhấn mạnh, đây chỉ là giả thuyết và hoàn toàn không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.
Ở cấp độ nhỏ
Xảy ra trong một khu vực trong phạm vi hẹp của quốc gia, trong đó mỗi phía cho nổ 50 quả bom nhỏ (tổng 100 quả) loại 15 koloton, tương đương quả bom ở Hiroshima năm 1945.
Tai họa đầu tiên sẽ là giết chết hàng loạt con người trong địa phận nổ bom. Cái chết này chủ yếu do những lý do cơ học như: Gia tăng áp suất, gió mạnh từ 250 đến 400km/giờ làm đổ sập nhà cửa và trụ điện...
Chưa kể, nhiệt độ tăng lên hàng nghìn độ gây ra những đám cháy khắp vùng.
Còn tiếp theo sau đó, những người sống sót sẽ tiếp tục bị chiếu bởi những tia bức xạ do các mảnh vỡ của bom vung ra khắp nơi, dẫn đến cái chết sớm hoặc bị bệnh tật kéo dài và chết chậm.
Đó là đối với con người. Còn đối với Trái Đất và sinh vật sống thì sao?
Một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ sẽ làm nhiệt độ trái đất giảm 2 đến 3 độ. Lượng mưa hàng năm cũng giảm 9%.
Với 100 đầu đạn hạt nhân cùng nổ sẽ nén 5 triệu tấn carbon đen vào khí quyển. Nó sẽ hấp thụ nhiệt lượng từ Mặt Trời, ngăn chúng tiếp cận bề mặt Trái Đất.
Sau một thời gian, carbon đen sẽ rơi xuống theo mưa, nhưng các nhà khoa học không thể xác định chính xác thời gian chúng biến mất khỏi bầu khí quyển.
Sau một năm, nhiệt độ trung bình trên toàn Trái Đất sẽ giảm 1,1 độ C. Sau 5 năm, nhiệt độ Trái Đất sẽ giảm 3 độ C.
Nhưng 20 năm sau, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng lên và chúng ta chỉ lạnh hơn 1 độ C so với trước khi chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Ở cấp độ toàn diện
Cấp độ này xảy ra khi các nước sử dụng với số lượng lớn vũ khí hạt nhân tấn công toàn bộ một quốc gia, bao gồm cả mục tiêu quân sự và dân sự.
Cuộc tấn công như vậy nhằm phá hủy toàn bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, quân sự của một quốc gia thông qua tấn công hạt nhân áp đảo.
Nếu xảy ra cuộc chiến hạt nhân trên quy mô toàn diện như thế này thì có thể khiến cho loài người tuyệt chủng.
Hoặc, chỉ có một số ít sống sót (những người ở những vùng xa cuộc chiến) nhưng với mức sống và tuổi thọ chỉ tương đương với thời kỳ trước Trung cổ trong nhiều thế kỷ.
Ngoài ra, nó cũng sẽ hủy diệt hệ sinh thái và tác động khủng khiếp đến khí hậu Trái Đất.
"Mùa đông hạt nhân" là một giả thuyết mà các nhà khoa học Mỹ đưa ra vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sau chiến tranh hạt nhân, thời tiết và khí hậu Trái đất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tức là đại chiến hạt nhân sẽ làm cho nhiệt độ bề mặt Trái Đất giảm ở mức rất lớn. Các vụ nổ hạt nhân trong không trung sẽ làm cho một lượng lớn khói bụi "chu du" vào lớp khí quyển.
Kết quả là, đại bộ phận bức xạ Mặt Trời đi vào tầng khí quyển bị lớp khói bụi hạt nhân này hấp thu và lượng ánh sáng Mặt trời xuống được tới Trái Đất giảm rõ rệt.
Bầu trời bị bao chùm bởi khói và bụi trở nên u ám, cây cối vì vậy không thể sống được dẫn đến lượng oxi giảm đi nhanh chóng, sự sống cũng lụi tàn.
Rõ ràng, một cuộc chiến tranh hạt nhân, dù lớn dù nhỏ, cũng tác hại lớn và gây chết chóc khôn xiết cho con người, không chỉ trong phạm vi một hai quốc gia tham chiến mà còn ảnh hưởng rộng lớn.
Thậm chí cho tất cả loài người trên toàn cầu; không loại trừ một quốc gia nào.
Bởi vậy, ngày nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại thì nỗi ám ảnh về Ngày Tận thế khiến Trái Đất quay trở về thời tiền sử mấy trăm vạn năm trước sẽ luôn hiện diện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.