Biên đội máy bay MiG-31 của Không quân Nga.
Theo nhận định của tác giả Dave Majumdar trên tạp chí National Interest (Mỹ), những mắt xích này bao gồm hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không (AWACS), tình báo, trinh sát, do thám, máy bay tiếp nhiên liệu trên không và máy bay tấn công điện tử.
Khi phân tích năng lực chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) của Nga, Trung Quốc, người ta thường tập trung đến các tên lửa chống hạm hiện đại, hệ thống tên lửa đất đối không mà bỏ qua các vũ khí đánh chặn trên không tầm xa.
Theo đó, quân đội Nga và Trung Quốc có thể trang bị tên lửa tầm xa không đối không trên tiêm kích MiG-31, T-50 PAK-FA hay J-20 để tấn công hệ thống AWACS, máy bay tiếp nhiên liệu Boeing KC-135 hay sắp tới là KC-46 Pegasus của Mỹ.
Trong bối cảnh không có nhiều sân bay quân sự ở Thái Bình Dương, Mỹ rất cần đến những máy bay tiếp nhiên liệu, vốn không có khả năng phòng vệ. Đây chính là “gót chân AchilleS” của Không quân Mỹ mà Moscow hay Bắc Kinh có thể khai thác.
Siêu tên lửa tầm xa R-37M
Tên lửa không đối không tầm xa R-37 gắn trên giá treo dưới bụng tiêm kích MiG-31.
Hiện tại, Nga đang phát triển chương trình tên lửa không đối không tầm xa đáng quan tâm bao gồm Vympel R-37M và Novator KS-172 (aka K-100). Các tên lửa R-37M của Nga có thể bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách lớn hơn 300 km.
Nhà nghiên cứu Mikhail Barabanov, tổng biên tập tạp chí Moscow Defense Brief cho biết: “Các phiên bản tên lửa R-37M cải tiến đã được Nga sản xuất hàng loạt từ năm 2014 cho các phi đội tiêm kích MiG-31BM và sắp tới là chiến đấu cơ T-50”.
R-37 vốn được phát triển từ thời Liên Xô để tấn công các mục tiêu giá trị của NATO trên không như các máy bay trinh sát E-3 Sentry AWACS, E-8 JSTARS và RC-135V/W Rivet Joint. Tận dụng tốc độ cao của tiêm kích MiG-31 (gần 3.000 km/h) vốn rất khó đánh chặn, các chiến đấu cơ này sẽ phóng loạt tên lửa R-37M nhằm phá hủy mục tiêu giá trị của đối phương.
Hệ thống radar quét mảng pha điện tử thụ động Zaslon của MiG-31 sẽ theo dõi và gửi thông tin đến tên lửa cho đến khi hệ thống radar riêng của vũ khí được kích hoạt. Tên lửa RM-37M cũng có thể được trang bị tính năng đặc biệt, chống lại các máy bay tác chiến điện tử của Mỹ như Boeing EA-18G Growler.
Bên cạnh đó, Moscow cũng đang phát triển tên lửa Novator KS-172 (K-100) với tầm bắn vượt trội, lên tới hơn 460 km. “Nếu như khoảng cách mục tiêu hơn 350 km là quá xa đối với tên lửa R37M thì KS-172 sẽ là ứng viên phù hợp nhất”, Mike Kofman, nhà nghiên cứu về quân sự Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ nói.
Để có thể hoàn thiện tên lửa KS-172, Nga có thể cần đến khoản tín dụng hỗ trợ từ Ấn Độ. Trong khi đó, ông Barabanov cho rằng tên lửa này không thể sớm xuất hiện trên các chiến đấu cơ thế hệ 5.
Tên lửa PL-15 khiến Mỹ “mất ngủ”
PL-15 hiện là tên lửa đối không mạnh nhất của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang phát triển tên lửa không đối không PL-15 với tầm bắn lên tới 200 km. Tên lửa Trung Quốc đã khiến tư lệnh không quân Mỹ, Tướng Herbert Carlisle “đứng ngồi không yên”.
“Làm sao chúng ta chống lại được loại tên lửa đó và chúng ta sẽ làm gì để đáp trả mối đe dọa này?”, ông Carlisle phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) năm ngoái. Sau này, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Flightglobal, ông Carlisle nói chống lại tên lửa Trung Quốc là “ưu tiên cao độ” đối với Không quân Mỹ. “Tên lửa PL-15 và tầm bắn xa như vậy, chúng ta phải tìm cách vượt qua tên lửa này”.
Không chỉ đạt tầm bắn vượt trội so với tên lửa Mỹ, PL-15 trang bị trên chiến đấu cơ J-20 có thể tấn công máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay trinh sát, vốn đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch trên không của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Máy bay tiếp nhiên liệu Boeing KC-135 có thể trở thành "mồi ngon" cho tên lửa tầm xa Nga, Trung Quốc.
Báo cáo của công ty quốc phòng Mỹ RAND năm 2008 cho biết, để duy trì hoạt động của tiêm kích F-22 từ vùng trời Đài Loan cho đến đảo Guam, Không quân Mỹ cần 3 đến 4 chiếc máy bay tiếp nhiên liệu hoạt động thường xuyên.
Đó chính là lý do Trung Quốc ưu tiên phát triển chiến đấu cơ J-20 với các tính năng vượt trội như tốc độ, tầm xa, tàng hình và khả năng mang theo số lượng lớn vũ khí.
Không quân Mỹ chỉ tập trung vào khả năng chống lại chiến lược A2/AD của Trung Quốc ở Thái Bình Dương mà để lộ khoảng trống trong việc bảo vệ máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay trinh sát.
Câu trả lời duy nhất hiện nay là các máy bay Mỹ phải giữ khoảng cách an toàn khỏi các mối đe dọa tên lửa Trung Quốc. Nhưng điều này trực tiếp tác động đến tầm hoạt động hiệu quả của các chiến đấu cơ chiến thuật tầm ngắn, làm suy yếu năng lực tấn công sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc.
Như vậy, các tên lửa không đối không tầm xa của Nga, Trung Quốc và chiến đấu cơ thế hệ 5 mang loại vũ khí này sẽ tạo ra mối đe dọa rõ rệt. Đó chính là vấn đề mà Mỹ phải đối mặt trong vài năm tới, tác giả Dave Majumdar kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.