Vụ ký 2 hợp đồng với chủ một bến đò: UBND xã Đại Tập (Hưng Yên) tạm dừng hoạt động bến đò thôn Chi Lăng

Nhóm PV Thứ năm, ngày 18/07/2024 15:13 PM (GMT+7)
UBND xã Đại Tập huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã lập chốt, có người canh gác, tạm dừng hoạt động bến đò ngang thôn Chi Lăng khiến cho nhiều người dân đi lại gặp khó khăn.
Bình luận 0

UBND xã Đại Tập huyện Khoái Châu, Hưng Yên tạm dừng hoạt động bến đò

Bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã Đại Tập, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) phản ánh: "Cách đây 2 ngày, cán bộ xã Đại Tập đã lập chốt và treo biển tạm dừng hoạt động với bến đò khiến cho nhiều người dân đi lại gặp khó khăn". Theo bà Tuyết, trước đó, UBND xã Đại Tập cũng thông báo tới gia đình bà là phải chuyển tài sản ra khỏi khu vực bến đò.

Vụ ký 2 hợp đồng với chủ một bến đò: UBND xã Đại Tập (Hưng Yên) tạm dừng hoạt động bến đò thôn Chi Lăng- Ảnh 1.

UBND xã Đại Tập (Hưng Yên) tạm dừng hoạt động bến đò thôn Chi Lăng và lập chốt canh gác. Ảnh: PL

Anh Nguyễn Văn T là lái xe hay qua lại bến đò này cho biết: "Tôi mọi khi vẫn đi qua bến đò này sang bên kia sông để về nhà tôi ở Phú Xuyên (Hà Nội) rất thuận tiện. Tuy nhiên, hôm nay ra tận bến đò mới biến là đã tạm dừng hoạt động, đành phải tìm bến đò khác để về nhà".

Theo ghi nhận của phóng viên, do mới có thông báo và treo biển tạm dừng nên nhiều người qua lại bến đò này bị động, vẫn di chuyển phương tiện ra tới tận nơi mới biết không thể sang sông như mọi khi.

"Trung bình mỗi ngày có khoảng 30 chuyến đò qua khu vực này. Tuy nhiên, trong hợp đồng với UBND xã có điều khoản nếu phía bên xã Đại Tập (Hưng Yên) tạm dừng thì đò bên phía Phú Xuyên (Hà Nội) cũng phải tạm dừng theo chỉ đạo của cơ quan quản lý địa phương. Do đó, hiện chúng tôi cũng nhận được Thông báo từ UBND xã tạm dừng hoạt động bến đò nhưng chưa biết khi nào được hoạt động lại", ông Toán chủ bến đò thôn Đại Gia, xã Thuỵ Phú, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), đối diện bên kia bờ sông cho biết.

Ông Toán cũng thừa nhận, việc đò không thể hoạt động là thiệt hại cho chủ bến và ảnh hưởng tới đi lại của người dân.

Trung bình, bến đò này khi chưa tạm dừng đang phục vụ cho khoảng 30 chuyến mỗi ngày nhu cầu đi lại của người dân từ Hưng Yên sang huyện Phú Xuyên (Hà Nội) và ngược lại. 

Vụ ký 2 hợp đồng với chủ một bến đò: UBND xã Đại Tập (Hưng Yên) tạm dừng hoạt động bến đò thôn Chi Lăng- Ảnh 2.

Ở đối diện bên kia bờ sông là bến đò Đại Gia, xã Thuỵ Phú, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cũng tạm dừng hoạt động theo. Ảnh: PL

Như trước đó Dân Việt đã thông tin, ngày 22/12/2016, bà đã ký hợp đồng thu phí đò ngang với UBND xã Đại Tập (huyện Khoái Châu, Hưng Yên).

Sau khi ký hợp đồng, bà Tuyết làm thủ tục xin giấy phép hoạt động bến khách ngang sông thì được Sở GTVT tỉnh Hưng Yên trả lời là bến không đủ tiêu chí để hoạt động nên không cấp phép hoạt động và yêu cầu bến dừng ngay hoạt động để khắc phục những tồn tại. Trong đó, bà Tuyết phải làm đường dẫn xuống bến đò đúng quy định.

Để giải quyết vướng mắc, đến ngày 19/10/2017 cơ quan chức năng đã tổ chức cuộc họp liên tịch gồm đại diện Sở GTVT tỉnh Hưng Yên, đại diện UBND huyện Khoái Châu, đại diện UBND xã Đại Tập với chủ đò để thống nhất giải pháp khắc phục tồn tại, đưa bến đò vào hoạt động.

"Do khó khăn về kinh phí nên ngày 15/11/2017, UBND xã đã ra quyết định số 99/QĐ-UBND giao cho tôi làm chủ đầu tư nâng cấp cải tạo bến đò ngang thôn Chi Lăng theo hồ sơ thiết kế thi công do Trung tâm tư vấn giao thông thuộc Sở GTVT tỉnh Hưng Yên lập với tổng trị giá là hơn 1,5 tỷ đồng.

Đồng thời giao cho tôi làm chủ đầu tư đảm bảo các điều kiện cần thiết để thi công công trình nâng cấp, cải tạo bến và chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng công trình. UBND xã Đại Tập có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi khai thác bến đò ngang nhằm thu hồi vốn đầu tư", bà Tuyết cho biết.

Ngay sau khi nhận Quyết định số 99/QĐ-UBND, bà Tuyết tiến hành đầu tư, cải tạo bến đò theo đúng hồ sơ thiết kế thi công do Trung tâm tư vấn giao thông thuộc Sở GTVT tỉnh Hưng Yên lập.

Sau khi thực hiện cải tạo, nâng cấp bến đò, bà Tuyết có báo cáo với UBND xã và Sở GTVT tỉnh Hưng Yên đã về phối hợp kiểm tra, kết luận bến đã đủ tiêu chỉ để cấp phép hoạt động. 

Ngày 13/4/2018 Sở GTVT tỉnh Hưng Yên đã cấp phép số 02/2018 cho bến khách ngang sông: Bến Phù Sa với thời gian hoạt động từ 13/4/2018 đến 31/12/2021.

"Trong quá trình khai thác bến đò gặp đúng thời điểm dịch Covid bùng phát, nên tôi có đề nghị với UBND xã Đại Tập tạo điều kiện cho tôi được thu hồi vốn đã đầu tư nâng cấp, cải tạo bến đò. Lãnh đạo UBND xã Đại Tập cho biết sẽ xin ý kiến HĐND. Tuy nhiên, từ đó tới nay qua 3 đời Chủ tịch UBND xã vẫn chưa giải quyết quyền lợi cho gia đình tôi", bà Tuyết bộc bạch.

Hiện bà Tuyết đang kiến nghị UBND xã Đại Tập tạo điều kiện, để Sở GTVT tỉnh Hưng Yên tiếp tục cấp phép để bến đò hoạt động, chủ đò có thêm thời gian thu hồi số vốn đã bỏ ra đầu tư, cải tạo bến đò theo đúng Quyết định số 99 ngày 15/11/2017 của UBND.

Nếu không được, bà Tuyết yêu cầu UBND xã Đại Tập hoàn trả lại khoản tiền hơn 1,5 tỷ mà bà đã bỏ ra đầu tư nâng cấp cải tạo bến đò.

Để giải quyết tranh chấp này bà đã gửi đơn khởi kiện lên Toà án nhân dân huyện Khoái Châu. Ngày 14/5/2024, Tòa án Nhân dận huyện Khoái Châu đã có thông báo số 08 về việc thụ lý vụ án kinh doanh thương mại số 08/2024 về việc "tranh chấp hợp đồng kinh tế". Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Tuyết và bị đơn là UBND xã Đại Tập, huyện Khoái Châu (Hưng Yên).

Tuy nhiên, khi vụ án này chưa được đưa ra xét xử để giải quyết dứt điểm tranh chấp giữa chủ bến đò ngang thôn Chi Lăng thì UBND xã Đại Tập đã tiến hành lập chốt và thông báo tạm dừng hoạt động của bến đò này.

Trao đổi với Dân Việt ngày 17/7, ông Tường Thế Đoàn – Chủ tịch UBND xã Đại Tập cho biết: Hiện UBND xã đang thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của UBND huyện và Sở GTVT tỉnh Hưng Yên là tạm dừng hoạt động bến đò ngang tại địa bàn thông Chi Lăng để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông qua sông. 

"Các bước xử lý tiếp theo như nào chúng tôi cũng đang báo cáo lên UBND huyện vì có nhiều việc vượt quá thẩm quyền của UBND xã", ông Đoàn cho biết.

Ông Đoàn cũng thừa nhận việc tạm dừng hoạt động của bến đò là ảnh hưởng tới đi lại của cư dân.

Cũng theo ông Đoàn, hiện UBND xã Đại Tập cũng đang xúc tiến làm việc với Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu, phối hợp cung cấp hồ sơ và đề nghị Toà sớm đưa ra xét xử để có giải pháp xử lý dứt điểm vụ án tranh chấp mà Toà đã thụ lý liên quan tới bến đò thôn Chi Lăng.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem