Vụ nhà báo Phạm Đình Huy cưỡng đoạt tài sản: Người bị hại có thể trở thành bị cáo?

Chủ nhật, ngày 05/10/2014 19:00 PM (GMT+7)
Xung quanh phiên tòa xử nhà báo Phạm Đình Huy tại Tòa án huyện Phúc Thọ Hà Nội,  bạn đọc có thể dễ dàng nhận thấy hai bức tranh trái ngược nhau đã hiện ra, một bên người bị hại là nhà báo Phạm Đình Huy, một bên người bị hại là Vương Văn Bá. Vậy đâu là đúng, đâu là sai?
Bình luận 0

Ta sẽ phân tích theo hướng có lợi cho ông Vương Văn Bá trước.

img


Luật sư cứ trình bày, Chủ tọa phiên tòa cứ “buôn” điện thoại, và kết cục một bản án vi tính nhiều trang tròn trịa câu chữ đã được công bố

 

Theo lời khai của ông Bá được thể hiện trong bản cáo trạng, sau khi biết nội dung qua cuộc điện thoại của Huy, ông Bá đã chủ động mời gặp Huy để trao đổi và hẹn nhau tại quán café Bông gần trụ sở công an quận Hoàng Mai. Tại đây Phạm Đình Huy có bật cho ông Bá xem hình ảnh và ghi âm các cán bộ thanh tra GTVT dưới quyền của mình đang “tác nghiệp” trên quốc lộ 32 mà nhà báo Phạm Đình Huy cho rằng có tiêu cực trong việc kiểm tra xe vi phạm, đề nghị ông Bá làm rõ để xử lý. Xem xong, ông rất sợ hãi…

Tại phiên tòa, ông Bá khai rằng khi về đã cho họp đội và anh em cho biết, không hề có tiêu cực trong vụ này. Khi nghe băng ghi âm, ông chỉ thấy tiếng “lào xào”, không rõ là gì. Luật sư Trần Đình Triển hỏi: “Anh em không vi phạm, không tiêu cực, băng ghi âm, ghi hình không thể hiện điều gì có hại cho anh và đội, vậy điều gì khiến anh phải sợ hãi?”. Ông Bá đã không trả lời được câu hỏi này.

Băng ghi âm đã bị xóa, công cụ nhằm minh chứng cho việc nhà báo Phạm Đình Huy dùng để đe dọa, cưỡng bức đã không xuất hiện tại phiên tòa (nghĩa là không có). Vì vậy, sự sợ hãi khi ấy của ông Bá đã không còn điểm tựa để bấu víu.

Về lý do xuất hiện con số 10 triệu đồng. Lời khai của ông Bá ngày 10/10/2013 tại bút lục số 248 như sau: “Tôi đi xuống tầng 1 thì Huy đi ngay phía phải tôi, và dùng tay trái ôm ngang thắt lưng tôi và bảo với tôi là thôi anh về bảo anh em chuẩn bị 10 triệu để tôi về báo cáo với lãnh đạo” nhưng lại thừa nhận tại Tòa là “cầu thang rất bé và tôi không nhớ là anh Huy đi trước hay tôi đi trước”. Tại bản khai ngày 11/10/2013, ông Bá khai rằng xuống đến chiếu nghỉ thì anh với Huy mới trao đổi với ông Bá về số tiền 10 triệu đồng.Tại lời khai trước tòa, ông Bá khai là đi được vài bậc thì Huy nói điều đó… Cuối cùng, khi được luật sư hỏi: “Lời khai nào là thật” thì ông Bá thừa nhận: “Tôi cũng không nhớ là anh Huy nói với tôi vào lúc nào”.

Cho dù cố gắng tìm những chứng cứ có lợi nhất để vẽ lên một bức tranh cho thấy ông Vương Văn Bá đang bị nhà báo Phạm Đình Huy đe dọa, cưỡng bức, nhưng vẫn không chứng minh được. Bởi bản thân ông Bá không biết mình sợ hãi vì điều gì, không xác định được chính xác hoàn cảnh diễn ra sự việc, không đưa ra được một nhân chứng hoặc vật chứng nào khẳng định có sự đe dọa, áp đặt. Vậy lời khai: “Tôi đi xuống tầng 1 thì Huy đi ngay phía phải tôi, và dùng tay trái ôm ngang thắt lưng tôi và bảo với tôi là thôi anh về bảo anh em chuẩn bị 10 triệu để tôi về báo cáo với lãnh đạo” liệu có thể coi là sự vu khống?

Chính vì thế, các hành vi tiếp sau đó của ông Bá nhằm giăng bẫy, đẩy nhà báo Phạm Đình Huy vào chốn lao tù hoàn toàn có thể xác định là hành vi phạm pháp.

Tiếp theo, ta tìm luận cứ có lợi cho nhà báo Phạm Đình Huy.

Tại phiên Tòa, Công tố viên cũng như Chủ tọa phiên Tòa đều không thừa nhận băng ghi âm tố cáo về hành vi tiêu cực của đội Thanh tra giao thông huyện Phúc Thọ là có thật, điều đó cũng có nghĩa là xác định công cụ đe dọa, cưỡng bức không có. Tuy nhiên, Tòa lại công nhận có “sự sợ hãi” xuất hiện ở ông Vương Văn Bá. Sự sợ hãi này đã không được chứng minh nguốn gốc xuất phát nên Huy không phải chịu trách nhiệm về sự sợ hãi đó.

Việc ông Bá khai trước Tòa rằng mình đã nhiều lần gọi điện mời Huy đến Văn phòng của đội thanh tra giao thông để nói chuyện, tự tay bỏ tiền riêng của mình vào phong bì dán kín vào nài nỉ cầm giúp làm quà cho Ban biên tập (chứ không phải cho cá nhân Huy) đã chứng minh rằng sự chủ động, tự nguyện (dù ác ý hay thiện ý) là từ ông Vương Văn Bá. Tài sản cá nhân được chuyển dịch sở hữu phù hợp với tâm nguyện cá nhân không phải là hành vi phạm tội, kể cả người cho và người nhận.

Hơn nữa, một khi sự dịch chuyển tài sản này xuất phát từ ý chí chủ động, tự nguyện của chủ sở hữu (cho dù đấy là sự cài bẫy) thì cũng không thể coi là hành vi cưỡng đoạt, và như vậy, không thể coi là phạm pháp quả tang.

Việc khi bị bắt và còng tay tại chỗ, nhà báo Phạm Đình Huy đã cung cấp ngay mật khẩu băng ghi âm của mình cho công an viên về cuộc gặp gỡ này với mong muốn chứng tỏ sự minh bạch trong cuộc dịch chuyển sở hữu tài sản (nếu có, vì Huy không chắc chắn trong phong bì có gì và bao nhiêu). Ngay tại phiên Tòa, băng ghi âm đã bị xóa thì sự thiếu minh bạch của cuộc chuyển dich tài sản ấy tại Tòa, Phạm Đình Huy chính là người bị hại.


(Theo Báo Xây dựng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem