Vụ nhà báo Phạm Đình Huy cưỡng đoạt tài sản: Có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Chủ nhật, ngày 05/10/2014 16:09 PM (GMT+7)
Ngày 30.9 TAND huyện Phúc Thọ đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nhà báo Phạm Đình Huy trong vụ án hình sự thụ lý số 64 ngày 29/8/2014. Mặc dù trong quá trình xét xử, các luật sư đã chỉ rõ những dấu hiệu của việc vi phạm tố tụng một cách nghiêm trọng, nhưng HĐXX vẫn “cưỡng quyết” không tiếp thu mà “vội vã” tuyên án, gây bất bình dư luận.
Bình luận 0
  img Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Đặng Thị Bích Loan liên tục nghe điện thoại trong quá trình xét xử

 

Theo cáo trạng buộc tội của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phúc Thọ và lời khai của các bên tại tòa, có thể tóm tắt vụ việc trên như sau: Khoảng 8 giờ ngày 7/10/2013, Phạm Đình Huy đi xe ô tô 4 chỗ hiệu Altist đến nhà Đào Đình Long ở ấp Bá Khê, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, Hưng Yên để thuê Long lái xe, sau đó Huy đã đến cơ quan họp và đến khoảng 10 giờ thì Huy, Long và ông La Đức Hùng đi làm việc tại huyện Ba Vì. 

Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, trên đường Quốc lộ 32 về Hà Nội, trên địa phận xã Tam Hiệp nhà báo Phạm Đình Huy có phát hiện Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ ra lệnh dừng xe và kiểm tra xe ô tô tải mang BKS 21C 068.57. Nhận thấy dấu hiệu vi phạm của nhóm Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ, nhà báo Phạm Đình Huy đã cùng Đào Đình Long quay camera ghi hình lại tổ thanh tra GTVT trên.

Sau đó, xe ô tô của Phạm Đình Huy có đuổi theo sau xe ô tô tải có BKS 21C 068.57 và Huy bảo Long xuống hỏi về việc lái xe bị xử phạt ra sao, đồng thời Phạm Đình Huy lấy điện thoại ghi hình lại cảnh Long nói chuyện với lái xe. Sau khi xong, Huy quay lại và thấy tổ Thanh tra GTVT này tiếp tục kiểm tra một xe vi phạm khác, đang định lấy máy ra quay tiếp thì Đội Thanh tra GTVT này lại tiếp tục di chuyển về hướng Hà Nội.

Khi về đến Hà Nội, nhà báo Phạm Đình Huy đã gọi điện cho ông Vương Văn Bá (Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ) để xác minh có phải là Đội Thanh tra GTVT đó có thuộc đội và có dấu hiệu tiêu cực của các cán bộ thanh tra GTVT do ông Bá phụ trách. Sau khi biết nội dung, ông Vương Văn Bá đã chủ động mời gặp Huy để trao đổi. Sau đó xin được gặp Huy và hẹn nhau tại quán café Bông gần trụ sở công an quận Hoàng Mai. Tại đây Phạm Đình Huy có bật cho ông Bá xem hình ảnh và ghi âm các cán bộ thanh tra GTVT dưới quyền của mình đang “tác nghiệp” trên quốc lộ 32 mà nhà báo Phạm Đình Huy cho rằng có tiêu cực trong việc kiểm tra xe vi phạm, đề nghị ông Bá làm rõ để xử lý.

Sau khi xem đoạn video, băng ghi âm, ông Bá xin được bỏ qua và muốn được gặp Huy tại cơ quan để làm rõ đúng sai của cán bộ cấp dưới của mình.

Từ ngày 8-9/10/2013, ông Bá liên tục gọi điện thoại cho anh Huy mong muốn được gặp để đối chất với số cán bộ trong hình ảnh và cho anh em xem lại.

Đến khoảng ngày 10/10/2013, trong khi trên đường đi làm việc tại Sơn Tây, Huy đã nhận được điện thoại của ông Vương Văn Bá mời Huy lên Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ để làm việc. Khoảng 16 giờ 45 thì Huy và Long đi xe ô tô lên Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ tại cụm 11 Võng Xuyên Phúc Thọ để làm việc. Tại đội Thanh tra GTVT, ông Bá đã yêu cầu được xem lại các video ghi hình nhóm thanh tra GTVT dưới quyền, sau đó Huy đã bảo Long xuống xe lấy máy tính lên và mở cho ông Bá cùng ông Bùi Ngọc Lai là tổ trưởng và Cao Văn Đông là tổ viên của tổ công tác Thanh tra GTVT xem cảnh ghi hình và ghi âm ngày 7/10/2013. Sau đó Huy bảo Long mở điện thoại của Long cho ông Bá và Lai nghe đoạn ghi âm Long phỏng vấn lái xe tải có BKS 21C 068.57 về việc nhóm Thanh tra GTVT “mặc cả” tiền với lái xe. Sau khi các bên đã ra hết ngoài chỉ còn Bá và Huy thì Bá đã lấy một phong bì đưa cho nhà báo Phạm Đình Huy và nói: “Có gì anh về nói đỡ để các sếp bỏ qua cho anh em, còn anh em mình gặp gỡ, giao lưu sau”, nhưng Huy từ chối nhưng ông Bá vẫn cố tình bỏ vào cặp Huy.

Sau đó ông Bá mời Huy và Long đi ăn, Huy từ chối và nói còn phải đi Sơn Tây và Long sách cặp máy tính, Huy cầm camera đứng dậy ra về. Khi nhà báo Phạm Đình Huy và Đào Đình Long ra khỏi phòng thì bị công an huyện Phúc Thọ bắt giữ. Sau đó Huy, Long bị lập biên bản, thu giữ điện thoại và các trang thiết bị khác và bị tạm giữ tại cơ quan công an huyện Phúc Thọ.

img
Tang vật vụ án không được niêm phong khi được mang ra tại tòa

Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Thưa luật sư, tại diễn biến phiên tòa cho thấy có sự sai lệch trong hồ sơ vụ án, với vai trò là luật sư bào chữa cho bị can, ông có thể cho biết bản chất việc này như thế nào?

- Luật sư Trần Đình Triển: Với phần chất vấn ông Vương Văn Bá với luật sư, ông Bá có khai ông là người đặt vấn đề đề nghị gặp Huy để trao đổi. Lời khai của ông Bá ngày 10/10/2013 tại bút lục số 248 ông Bá khai như sau: “Tôi đi xuống tầng 1 thì Huy đi ngay phía phải tôi, và dùng tay trái ôm ngang thắt lưng tôi và bảo với tôi là thôi anh về bảo anh em chuẩn bị 10 triệu để tôi về báo cáo với lãnh đạo”. Tại lời khai trước tòa, ông Bá có khai là cầu thang rất bé và tôi không nhớ là anh Huy đi trước hay tôi đi trước. Cũng tại tòa ông Bá khai nhận là đi được vài bậc thì Huy nói điều đó. Tuy nhiên tại bút lục số 210 bản khai ngày 11/10/2013 ông Bá có khai là xuống đến chiếu nghỉ thì anh với Huy mới trao đổi với ông Bá về số tiền 10 triệu đồng.

Như vậy là trong cùng một hồ sơ đã có ba bản khai khác nhau, đây là mấu chốt quan trọng thể hiện việc ai là người khai thật và tại vị trí này Huy có thể hiện việc gợi ý đưa số tiền 10 triệu hay không.

Trước câu hỏi của luật sư ông Bá cho biết, đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa hề thực nghiệm tại hiện trường về việc này tại quán cafe Bông.

Tại phiên tòa sáng ngày 30/9/2014, đã có nhiều ý kiến cho rằng đã có sự “gài bẫy” trong vụ việc, ông nhận định thế nào về ý kiến này, thưa ông?

- Luật sư Trần Đình Triển: Tại phiên tòa ông Bá cho biết, sau khi gặp gỡ Huy ông có về tổ chức cuộc họp với tổ Thanh tra GTVT về việc có nhà báo phát hiện ra sai phạm trong quá trình Đội Thanh tra kiểm tra phương tiện trên quốc lộ 32. Tuy nhiên tại cuộc họp đã không có cán bộ nào nhận có để xảy ra vi phạm và ông Bá cũng không xác nhận được cán bộ của mình có vi phạm hay không, tuy nhiên ông Bá đã có đơn gửi cơ quan công an huyện Phúc Thọ vào chiều ngày 8/10/2013. Sau đó, một kế hoạch được “vạch ra” điều đó thể hiện vào việc ông Bá có chuẩn bị 20 tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng với tổng số tiền là 10 triệu. Theo như lời khai tại tòa ông Vương Văn Bá cho biết ông đã ghi lại các số seri của các tờ tiền đó, điều này được thể hiện trong bút lục số 251 ngày 14/10/2013.

Việc thực hiện kế hoạch nhằm “đánh úp” Phạm Đình Huy còn thể hiện ở việc trước khi Huy đến đội, nhóm công an đã sang bên Đội Thanh tra GTVT đợi sẵn, việc này ông Bá đã được báo cáo trước.

Tại phiên tòa, trả lời HĐXX Phạm Đình Huy khai rằng: Trong lúc làm việc với ông Bá, tôi có bí mật ghi âm cuộc nói chuyện. Lúc ông Bá đưa phong bì cho tôi thì tôi cũng nhận định đây là có thể là tiền nên tôi đã không nhận, nhưng sau ông Bá cứ cố tình dúi vào cặp tôi. Ngoài ra lúc cơ quan công an đã lập biên bản thu giữ phương tiện gồm điện thoại, máy tính, camera nhưng đã không hề lập biên bản niêm phong các tang vật này.

Tại hôm xét xử, luật sư đã đưa ra nhiều dấu hiệu cho thấy vi phạm thủ tục tố tụng, vậy bản chất việc này là như thế nào thưa luật sư?

- Tại phiên tòa tôi đã nêu ra một dấu hiệu của việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đó là việc cơ quan điều tra huyện Phúc Thọ đã ký hợp đồng với một Cty tư nhân trong việc mở các file ghi âm, ghi hình của bị can. Điều này được thể hiện tại bút lục số 245, hợp đồng giữa cơ quan điều tra với Cty TNHH điện tử và công nghệ Ngân Anh giá trị 3 triệu đồng về việc mở, xem các băng ghi âm, ghi hình của các tang vật thu được của Huy và Long. Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

Cũng tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Hà Luân (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã yêu cầu HĐXX đưa các tang vật thu được ra trước tòa để kiểm chứng. Tuy nhiên khi tang vật được đưa đến tòa, các thiết bị chỉ được đựng trong túi vải mà không hề được niêm phong tang vật, không có chữ ký của người có liên quan, ngoài ra trong hồ sơ vụ án cũng không hề có các biên bản niêm phong tang vật ngay tại thời điểm tạm giữ bị can, mà các tang vật chỉ được lập biên bản sau đó.

Tôi cho rằng, trong vụ án này cơ quan cảnh sát điều tra huyện Phúc Thọ đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can, sau đó do tính chất của vụ án nên cơ quan cảnh sát điều tra huyện Phúc Thọ đã có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phúc Thọ đề nghị chuyển vụ án lên cơ quan điều tra của công an TP Hà Nội. Sau đó cơ quan cảnh sát điều tra TP Hà Nội đã tiến hành điều tra và ra kết luận điều tra, tuy nhiên trong hồ sơ không có văn bản ủy thác của Viện Kiến sát Hà Nội cho Viện Kiểm sát huyện Phúc Thọ. Tại tòa, tôi đã đặt câu hỏi: Vậy Quyết định ủy quyền của Viện Kiểm sát TP Hà Nội cho Viện Kiểm sát huyện Phúc Thọ hiện nay ở đâu, tại sao không hề có trong hồ sơ của tòa án, cũng như hồ sơ sao chép của các luật sư cũng không có có Quyết định ủy quyền này.

Cũng tại phiên tòa, vị đại diện Viện Kiểm sát huyện Phúc Thọ đã đưa ra quyết định ủy quyền bản gốc, đặc biệt Quyết định ủy quyền này chỉ có mình một mình phía Viện kiểm sát giữ mà không có trong các bộ hồ sơ của tòa cũng như của các luật sư bào chữa (?)

Mặc dù những căn cứ, dẫn chứng của luật sư cho thấy đã có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng hình sự, trong việc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vấn đề này có thể xem xét để khởi tố một vụ án khác theo Điều 300 của Bộ Luật tố tụng hình sự, theo như đề nghị của luật sư Nguyễn Hà Luân. Ngoài ra cả hai luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Phạm Đình Huy vô tội, tuy nhiên chỉ xem xét phần lỗi của Huy chỉ cần xử lý hành chính vì nhận phong bì dù nhiều hay ít thì vẫn có lỗi vi phạm. Ngoài ra cần xem xét lại quyết định đình chỉ vụ án của Đào Đình Long và tuyên Đào Đình Long vô tội. Tuy nhiên kết thúc phần tranh luận tất cả những dẫn chứng, quan điểm của luật sư, cũng như những diễn biến khác với hồ sơ vụ án của cả bị can và bị hại cũng không hề được vị thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa là bà Đặng Thị Bích Loan xém xét.

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa đã tuyên Phạm Đình Huy bị truy tố theo khoản 1 Điều 135 Bộ Luật hình sự về tội danh “cưỡng đoạt tài sản” và Phạm Đình Huy phải chịu mức hình phạt 18 tháng tù, thời gian được tính từ ngày bắt tạm giam.

Trân trọng cảm ơn luật sư!

Hà Nội: Taxi “dù” đứng tên Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuất hiện nhiều taxi “dù” hoạt động tự phát. Đây là những chiếc taxi không đăng ký kinh doanh, không có trung tâm điều hành liên lạc, tự ý gắn phù hiệu, lôgô, điện thoại… của một số hãng taxi có thương hiệu tại Hà Nội. Điều này khiến khách hàng rất khó phân biệt đâu là taxi hãng và đâu là taxi “nhái”.

Ngoài ra, sau quy định của TP Hà Nội về cấm thành lập thêm doanh nghiệp vận tải taxi, thì có rất nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách đăng ký mở doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận nhưng lại về hoạt động tại Hà Nội.

Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay chỉ có 17.400 xe taxi của 113 doanh nghiệp được Sở GTVT thành phố cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, theo đánh giá ước tính của các cơ quan chức năng phải có đến khoảng 20.000 xe taxi thường xuyên lưu thông trên các tuyến đường thành phố, tạo nên áp lực nặng nề về giao thông của Thủ đô.

Một trong những hệ lụy từ nạn taxi “dù” là trong tháng 02/2014, trên địa bàn Hà Nội xảy ra ít nhất hai vụ các lái xe taxi “dù” hành hung, cướp tài sản, “chặt chém” tiền của du khách nước ngoài.

Ngày 16/4, Đội điều tra hình sự, Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông trật tự phản ứng nhanh và Công an phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) đã ra quân xử lý vi phạm đối với các xe taxi dừng, đỗ, đón khách không đúng quy định tại khu vực bến xe Nước Ngầm.

Trong đợt ra quân này, Công an quận Hoàng Mai đã đưa về trụ sở quận 13 chiếc xe taxi của nhiều hãng taxi khác nhau và 13 lái xe. Trong đó, có hai “taxi” dù.

Ngay sau đó, Công an quận Hoàng Mai đã triệu tập đại diện cơ quan chủ quản của các hãng xe đến làm việc, xác nhận việc vi phạm của các lái xe thuộc quản lý của hãng, đồng thời yêu cầu ký vào bản cam kết không tái phạm.

Theo đó hai chiếc taxi “dù” mang BKS 31F-0085 và 29A-20293 mà Công an quận Hoàng Mai bắt giữ ngày 16/4 là hai chiếc xe được gắn lô gô, điện thoại, phù hiệu… của hãng taxi Sông Hồng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Thanh tra của Hãng taxi Sông Hồng cho biết: Hiện hãng taxi Sông Hồng đang bị hơn 10 chiếc taxi “dù” mạo danh Sông Hồng để hoạt động, trong đó có hai chiếc xe mang BKS 31F-0085 và 29A-20293 mà Công an quận Hoàng Mai đã phát hiện và lập biên bản xử phạt.

Những chiếc xe này giả hoàn toàn từ nhãn tem, logo in trên cánh cửa đến phù hiệu. Ngoài ra hiện hãng taxi Sông Hồng chưa được thông báo về kết quả xử lý hai chiếc taxi nói trên của Công an quận Hoàng Mai.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, 2 chiếc taxi “dù” mang BKS 31F-0085 và 29A-20293 đều do một người đăng ký tên chủ xe là: Vương Văn Bá, địa chỉ tại số 398 - C22 Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Được biết, ông Vương Văn Bá đang là Đội trưởng Đội thanh tra giao thông huyện Phúc Thọ (Hà Nội).

Tại sao hai chiếc taxi “dù” này lại được đăng ký tên ông Vương Văn Bá, Đến nay Công an quận Hoàng Mai đã xử lý những chiếc taxi này như thế nào? 

Bài của tác giả Vũ Chiến trên Báo Xây dựng ngày 10.6.2014.

 

(Theo Báo Xây dựng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem