Vũ 'nhôm' bỏ trốn như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, lỗ hổng ở đâu?

Ngọc Lương Chủ nhật, ngày 24/12/2017 14:11 PM (GMT+7)
Việc bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) bỏ trốn khỏi nơi cư trú trước khi Cơ quan điều khởi tố khiến dư luận băn khoăn đặt vấn đề tại sao một đối tượng đã có những dấu hiệu sai phạm từ lâu lại có thể bỏ trốn?
Bình luận 0

img

Đối tượng Phan Văn Anh Vũ (ảnh IT)

Việc đối tượng Vũ “nhôm” bỏ trốn trước khi bị Cơ quan điều tra khởi tố khiến dư luận lại liên tưởng tới những vụ đối tượng phạm tội bỏ trốn trước đó như trường hợp Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy.  Và dư luận cũng đặt vấn đề tại sao một đối tượng đã bị đặt trong “tầm ngắm” của Cơ quan điều tra lại vẫn có thể trốn trước khi bị khởi tố. Trường hợp như vậy là do có sự tiếp tay hay do sự bất cập của pháp luật?

Luật sư (LS) Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, Cơ quan điều tra chỉ có thể áp biện pháp ngăn chặn với công dân như cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng đi cùng với đó lại phải các có quyết định về pháp lý như quyết định khởi tố.

Vẫn theo LS truyền, tại khoản 1, Điều 21 nghị định 136/2007 của Chính phủ quy định về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định: Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm. Tuy nhiên quy định này là nhằm chặn đối tượng có dấu hiệu phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, còn không điều chỉnh với trường hợp đối tượng có phạm tội bỏ trốn trong nước. “Khi một người có dấu hiệu phạm tội nhưng chưa bị khởi tố, để ngăn chặn việc họ bỏ trốn ở trong nước, pháp luật hiện nay chưa có quy định chi tiết về vấn đề này”, LS Truyền nói và cho rằng việc đối tượng Vũ “nhôm” đã trốn ra nước hay lẩn trốn trong nước hiện vẫn chưa rõ. 

Theo LS Truyền, khó có thể áp dụng biện pháp bí mật theo dõi, giám sát 24/24 h đối với một người khi họ chưa bị khởi tố. Làm như vậy là vi phạm quyền công dân. “Ngay trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, có hiệu lực ngày 1.1.2018, có quy định về các biện pháp điều tra đặc biệt nhưng chỉ được áp dụng trong một số trường hợp và áp dụng sau khi khởi tố vụ án”, LS Truyền cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình Hưng, nguyên Kiểm sát viên cao cấp (hiện đang làm luật sư), trong thực tiễn nhiều trường hợp dấu hiệu tội phạm đã được xác dịnh dù chưa có chứng cứ pháp lý công khai, nghĩa là một người chưa bị khởi tố nhưng cơ quan chức năng bước đầu đã nắm được những dấu sai phạm của người này, nhưng để ngăn chặn việc đối tượng bỏ trốn ở giai đoạn này pháp luật chưa có quy định cụ thể.

Ngày 18.11, trả lời trước Quốc hội (kỳ họp thứ 4), Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã nói: Qua tổng kết thực tiễn đấu tranh chống tội phạm cho thấy đã có một số trường hợp đang bị tố giác, kiến nghị khởi tố đã bỏ trốn ra nước ngoài, gây khó khăn trong công tác điều tra. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Bộ Công an đã đề nghị bổ sung quy định về tạm hoãn xuất cảnh, ghi rõ là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra xác minh có đủ căn cứ xác định là người đó bị nghi thực hiện và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc bỏ trốn ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, trường hợp có dấu hiệu tiêu hủy chứng cứ, Bộ Công an đã kiến nghị bổ sung các quy định việc giám sát đặc biệt, cho phép để được áp dụng các biện pháp tố tụng đặc biệt. Đây là điểm yếu đã được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 khắc phục nhằm ngăn chặn, hạn chế tội phạm tham nhũng, kinh tế bỏ trước khi bị khởi tố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem