Vụ nổ 11 người chết: Ai đền bù thiệt hại?

Thứ năm, ngày 28/02/2013 13:16 PM (GMT+7)
Hiện nay ông Phương và toàn bộ gia đình (vợ, con) đều đã qua đời nên hàng thừa kế thứ nhất của ông sẽ là cha mẹ ruột (hoặc các hàng thừa kế thứ hai, ba) sẽ nhận phần thừa kế này để thực hiện việc bồi thường thiệt hại.
Bình luận 0
img
Hiện trường vụ nổ tại TP.HCM.

Không chỉ là sự đau đớn, tang thương đè nặng lên những gia đình xấu số, hậu quả khủng khiếp của vụ nổ làm nhiều người giật mình lo sợ những quả bom nổ chậm đang tiềm ẩn trong khu dân cư và băn khoăn về vấn đề pháp lý xung quanh những vụ việc như thế nào?

Hiện nay ông Phương và toàn bộ gia đình (vợ, con) đều đã qua đời nên hàng thừa kế thứ nhất của ông sẽ là cha mẹ ruột (hoặc các hàng thừa kế thứ hai, ba) sẽ nhận phần thừa kế này để thực hiện việc bồi thường thiệt hại.

Chủ nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường

Dưới góc độ pháp lý, một luật sư cho biết dựa trên những thông tin ban đầu từ các cơ quan chức năng, tai nạn này có thể xuất phát từ một lượng lớn thuốc pháo chứa trong nhà ông Phương. Như vậy theo quy định, trách nhiệm bồi thường trong vụ án thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cụ thể là do chất nổ, chất cháy gây nên.

Theo khoản 2, 3 điều 623 bộ luật Dân sự năm 2005, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, ngay cả khi không có lỗi.

Trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. Đối chiếu trong trường hợp này loại trừ khả năng vụ việc nằm trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.

“Do vậy, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại gồm toàn bộ các thiệt hại về người (ngoài gia đình ông Phương), căn nhà ông thuê và các nhà lân cận ngay cả khi không có lỗi”, luật sư này nói.

Nguồn tài sản sử dụng để bồi thường là phần di sản của ông Phương còn lại. Hiện nay ông Phương và toàn bộ gia đình (vợ, con) đều đã qua đời nên hàng thừa kế thứ nhất của ông sẽ là cha mẹ ruột (hoặc các hàng thừa kế thứ hai, ba) sẽ nhận phần thừa kế này để thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Trường hợp phần bồi thường vượt quá số di sản để lại thì chỉ thanh toán đến hết phần di sản này mà thôi (điều 637, 674, 683 bộ luật Dân sự).

Tự bảo vệ mình và tài sản của người khác

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng trong vụ này không chỉ có gia đình ông Phương đau buồn mà các căn nhà lân cận bị sập và 4 nạn nhân xấu số khác là bị hại của nguồn nguy hiểm cao độ mà ông Phương tích trữ.

Đại diện hợp pháp của những nạn nhân xấu số này được yêu cầu đòi bồi thường. Tuy nhiên, nếu ông Phương không còn tài sản gì thì rõ ràng gia đình các nạn nhân này vừa thiệt đơn vừa thiệt kép vì nhà thì sập, còn người thân thiệt mạng.

Theo luật sư Tuấn, cũng là nguồn nguy hiểm cao độ, nhưng bảo hiểm xe là bảo hiểm bắt buộc, còn bảo hiểm cháy nổ là tự nguyện, hiện chỉ có các công ty xí nghiệp quan tâm, vì nhiều người dân thấy chi phí bỏ ra mua bảo hiểm cháy nổ còn cao trong khi rủi ro thì năm thì mười họa mới xảy ra.

Nhưng khi xảy ra những hậu quả như trên mà có bảo hiểm sẽ giảm được phần nào thiệt hại. Như vậy, nếu trong trường hợp này, ông Phương hoặc các hộ dân bị ảnh hưởng có mua bảo hiểm thì những thiệt hại ngoài ý muốn, không do con người trực tiếp gây ra để trục lợi bảo hiểm sẽ được đảm bảo quyền lợi theo mệnh giá bảo hiểm.

Theo Thanh Niên

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem