Vụ nữ sinh 18 tuổi ở Nghệ An tử vong do mắc bạch hầu: Khoanh vùng ổ dịch, cách ly người tiếp xúc gần
Vụ nữ sinh 18 tuổi ở Nghệ An tử vong do mắc bạch hầu: Khoanh vùng ổ dịch, cách ly người tiếp xúc gần
Thắng Tình
Thứ hai, ngày 08/07/2024 17:29 PM (GMT+7)
Nữ sinh 18 tuổi ở Nghệ An tử vong sau đó được xác định mắc bệnh bạch hầu. Hiện cơ quan chức năng đang khẩn trương rà soát, cách ly để phòng chống dịch. Qua rà soát có 119 trường hợp từng tiếp xúc với nữ bệnh nhân này.
Thông tin mới nhất vụ nữ sinh 18 tuổi ở Nghệ An tử vong do mắc bạch hầu
Ngày 8/7, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Chu Trọng Trang – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị này đang tham mưu Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện, Trung tâm Y tế Kỳ Sơn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu.
Đồng thời đơn vị cũng dẫn triển khai công tác tiêm bù vắc xin sau khi phát hiện có 1 trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn.
Hiện, qua rà soát, có 119 trường hợp từng tiếp xúc với bệnh nhân này. CDC Nghệ An cũng đã cử một tổ công tác hỗ trợ Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn tiếp tục khoanh vùng.
Trước đó, vào khoảng 16h, CDC Nghệ An nhận được thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An về 1 ca nghi mắc bệnh bạch hầu. Trung tâm đã cử đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu xét nghiệm.
Bệnh nhân là P.T.C (18 tuổi, dân tộc Khơ Mú, trú bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An; học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn). P.T.C vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Bệnh nhân C chưa từng tiêm phòng vắc xin có thành phần bạch hầu.
Ngày 24/6, P.T.C có biểu hiện sốt, ho, đau họng, tự mua thuốc điều trị nhưng không đỡ. Ngày 26,27,28/6 bệnh nhân có tham gia dự kỳ thi THPT năm 2024 tại Trường THPT Kỳ Sơn. Sáng 29/6 sau khi thi xong, bệnh nhân về nhà nhưng tình trạng bệnh không đỡ.
Đêm 30/6, P.T.C được gia đình đưa vào nhập viện TTYT Kỳ Sơn với tình trạng: Mệt mỏi, sốt 37,8°C, ho, đau họng, khàn tiếng, sưng vùng cổ phải, nuốt đau, nổi hạch góc hàm 2 bên, amydal to có dịch mủ, có giả mạc trắng bám amydal và lưỡi gà, dễ bóc tách. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh bạch hầu.
Ngày 4/7, C. được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị. Tại đây, C. được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn/Bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu.
Đến 4h ngày 5/7, bệnh nhân tử vong và được hướng dẫn xử lý y tế. CDC Nghệ An sau đó cũng nhận được thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn C.diphtheria (bạch hầu).
CDC Nghệ An xác định có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Cụ thể, trong vòng 14 ngày trước khi có dấu hiệu khởi phát bệnh, bệnh nhân C. ở tại ký túc xá phòng số 5 và 6 của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kỳ Sơn. Thời điểm này C. tiếp xúc thường xuyên với 7 bạn học ở cùng phòng và 92 bạn học ở các phòng lân cận.
Ngày 26,27,28/6, bệnh nhân C. tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng phòng thi với 23 bạn. Trong đó có 10 người học sinh Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn và 13 người TT GDNN-GDTX Kỳ Sơn và 6 cán bộ coi thi.
Ngày 29/6, bệnh nhân C. về nhà và tiếp xúc với 6 người gồm bố, mẹ, chị dâu, cháu con anh trai và 2 bạn học. Trong quá trình điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, bệnh nhân C. có tiếp xúc với 22 người gồm: 20 cán bộ y tế có phòng hộ cá nhân; 2 bệnh nhân cùng phòng.
Trong các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C ở ký túc xá thì có 2 người là M.T.S và M.T.B đã di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra tạm trú tại tỉnh Bắc Giang.
Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi ổ dịch trong vòng 14 ngày kể từ ngày 4/7. Đồng thời thực hiện điều tra, truy vết và chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp tiếp xúc gần, có dấu hiệu nghi mắc; Cách ly tại nhà và theo dõi tình trạng sức khỏe người tiếp xúc gần trong vòng 14 ngày.
Ông Sầm Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện đơn vị đã tổ chức đoàn điều tra, giám sát triển khai các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu trên địa bàn. Tiến hành mua thuốc kháng sinh dự phòng 1.000 viên Azythromycin 500mg; 1.000 viên Azythromycin 250mg phục vụ điều trị dự phòng cho người có liên quan. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã tiến hành phun hóa chất khử khuẩn toàn bản Phà Khảo nơi bệnh nhân C. sinh sống.
Nghệ An thành lập đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh bạch hầu
Ông Chu Trọng Trang - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, hiện đơn vị đã cử một tổ công tác trực tiếp có mặt tại địa phương nơi có trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu. Tổ công tác sẽ cùng với cơ quan chức năng tổ chức rà soát, lấy mẫu, khẩn trương tiến hành công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.
Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng yêu cầu giám đốc các đơn vị y tế trên địa bàn khẩn trương tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu. Qua đó phát hiện sớm, hướng dẫn tổ chức cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
Theo đó, ngay khi nhận được thông tin về trường hợp nghi mắc bạch hầu, Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đến bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm, trực tiếp mang mẫu ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngay trong đêm. Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn tiến hành điều tra và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như một ca bệnh bạch hầu.
Sở Y tế Nghệ An cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An thành lập ngay Đội phản ứng nhanh do Phó Giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn, xuất phát lên huyện Kỳ Sơn để hỗ trợ công tác điều tra và phòng, chống dịch bệnh.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi; đặc biệt, trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.