Tam Quốc (220 – 280) là giai đoạn lịch sử hỗn loạn, quân hùng khắp nơi nổi lên tranh bá. Trong đó, ba thế lực mạnh nhất lúc bấy giờ là Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền.
Trong Tam Quốc, nếu so sánh với Tào Tháo và Tôn Quyền, con đường xây dựng cơ nghiệp của Lưu Bị là đáng ngưỡng mộ nhất. Gia cảnh nghèo khó nhưng nhờ trượng nghĩa, tính cách hào sảng… nên ngay từ khi còn trẻ Lưu Bị đã có sức hút đặc biệt khiến nhiều anh hùng, hào kiệt kết thân, trong đó có Quan Vũ, Trương Phi.
Sau hàng loạt các trận đánh quan trọng như Xích Bích, Lạc Thành, Hán Trung, Lưu Bị cuối cùng cũng lập nên nhà Thục Hán, cùng Đông Ngô, Tào Nguỵ tạo thành thế chân vạc nổi tiếng thời Tam Quốc.
Thế nhưng đáng tiếc là Lưu Bị đã không thể thống nhất được thiên hạ. Loạt bi kịch bắt đầu xảy ra khi Quan Vũ sơ suất đánh mất Kinh Châu, chạy về Mạch Thành, bị quân Đông Ngô giết chết. Kế đến, Trương Phi cũng không may bị thuộc hạ mưu sát. Còn Lưu Bị, do nóng lòng muốn báo thù cho Quan Vũ mà đem quân chinh phạt Đông Ngô, cuối cùng qua đời tại thành Bạch Đế sau khi đại bại ở trận Di Lăng.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ nhiều nhân vật cốt cán của nhà Thục Hán chịu kết cục bi thảm là do một kẻ nội gián luôn kề cận bên cạnh Lưu Bị mà chính ông cũng không đề phòng. Kẻ đó chính là My Phương, em trai của My Trúc và cũng là anh vợ của Lưu Bị.
My Phương là ai?
My Phương (? - ?), tự Tử Phương, là một viên quan phục vụ dưới trướng của Lưu Bị thời Tam Quốc. Theo ghi chép trong sử sách, My Phương vốn là em trai của My Trúc. Nhà họ My được biết đến là đã làm ăn buôn bán qua nhiều thế hệ, gia sản rất giàu có, có người ăn kẻ ở lên tới hàng ngàn người.
Ban đầu, My Trúc và My Phương làm thuộc hạ cho Đào Khiêm. Sau khi Đào Khiêm qua đời, hai huynh đệ này đều đi theo Lưu Bị. Trong nhiều năm liền, My Phương được coi là một trong những thuộc hạ thân tín nhất của Lưu Bị. Ngoài ra, My Phương còn là anh vợ của vị quân chủ nhà Thục Hán. Theo đó, My Trúc gả em gái cho Lưu Bị, người này chính là My phu nhân.
My Phương là thuộc hạ phò tá Lưu Bị nhiều năm, thậm chí còn vào sinh ra tử cùng vị quân chủ này trong không ít trận chiến.
Thế nhưng, vào năm 219, khi Lưu Bị không chỉ chiếm được vùng đất Ích Châu mà còn đánh bại Tào Nguỵ hùng mạnh trong trận Hán Trung, My Phương lại chọn thời điểm này để phản bội lại Thục Hán. Điều này không chỉ gián tiếp khiến cho Quan Vũ tử trận mà còn khiến Thục Hán mất Kinh Châu và bắt đầu suy yếu.
Trong lịch sử Tam Quốc, My Phương là một nhân vật tầm thường. Bất kể chiến tích quân sự hay thành tích trên vũ đài chính trị của ông ta đều không có gì đáng nói. Thế nhưng một nhân vật đáng lẽ bị phớt lờ ấy hoá ra lại có thể làm ra chuyện gián tiếp gây hại đến sự sụp đổ của nhà Thục Hán sau này.
Sở dĩ My Phương bị xem là kẻ nội gián phản bội lại nhà Thục Hán vì có liên quan đến những trường hợp cụ thể sau.
Vu oan cho Triệu Vân
Triệu Vân là danh tướng luôn trung thành với Lưu Bị và Thục Hán. Không có nhiều ghi chép trong sử sách về mối quan hệ giữa Triệu Vân và My Phương. Tuy nhiên, có giai thoại cho rằng, My Phương từng vu cáo cho Triệu Vân với tội danh phản trắc.
Cụ thể, trong trận ở Đương Dương – Trường Bản, vì muốn cứu vợ con của Lưu Bị nên Triệu Vân đã một mình xông vào núi Trường Bản và kết quả là đã đưa được Lưu Thiện trở về. Tuy nhiên, khi đó My Phương còn nói với Lưu Bị rằng Triệu Vân chắc chắn đã nương nhờ Tào Tháo.
Lưu Bị khi đó vẫn một mực tin tưởng vào lòng trung thành của Triệu Vân, bỏ ngoài tai lời vu cáo của My Phương. Nếu như khi đó Lưu Bị tin lời My Phương vì có lẽ Triệu Vân đã bị hại chết.
Gián tiếp hại chết Quan Vũ
Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến My Phương phản bội Lưu Bị và Thục Hán là do mâu thuẫn với Quan Vũ, danh tướng uy trấn Hoa Hạ trong Tam Quốc.
Khi Quan Vũ trấn thủ vùng đất Kinh châu, My Phương giữ chức Thái thú Nam quận, trấn giữ ở Giang Lăng, còn Phó Sĩ Nhân giữ thành Công An.
Năm Kiến An thứ 24 (tức năm 219), khi đánh Tương Phàn, Quan Vũ đã lệnh cho My Phương và Phó Sĩ Nhân chuẩn bị quân tư. Do hai người không hoàn thành nhiệm vụ nên Quan Vũ đã cảnh cáo rằng: "Khi trở về ta sẽ trừng trị các ngươi".
Bấy giờ, Quan Vũ vẫn tập trung dẫn quân đi Bắc phạt, nhiều lần giành chiến thắng, thậm chí có lần khiến đại quân của Tào Tháo rơi vào thế khó. Tuy nhiên, khi đó Tôn Quyền đã phái quân đánh lén Kinh Châu.
Khi đó, do có bất mãn với Quan Vũ nên My Phương cùng Phó Sĩ Nhân đã quyết định đầu hàng Tôn Quyền và không xuất binh cứu Kinh Châu.
Quan Vũ thua trận trở về nửa đường mới biết tin. Rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, Quan Vũ tháo chạy về Mạch Thành nhưng sau đó vẫn bị quân Đông Ngô đuổi theo và sát hại.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu như My Phương không đầu hàng Tôn Quyền thì có lẽ Quan Vũ sẽ không mất mạng, Kinh Châu không bị mất và Thục Hán cũng không phải chịu tổn thất nặng nề như thế.
Hành động phản bội của My Phương thậm chí còn khiến cho người anh ruột là My Trúc hổ thẹn, lâm bệnh qua đời chỉ chưa đầy một năm sau đó.
Tiếp tục gián tiếp hại chết Trương Phi
Sau cái chết đầy nuối tiếc của Quan Vũ, Trương Phi say xỉn rồi quay ra đánh quân lính. Do không chịu nổi nhục nhã nên hai thuộc hạ là Trương Đạt và Phạm Cương đã ra tay sát hại Trương Phi trong đêm.
My Phương có thể cũng có phần trách nhiệm liên quan đến cái chết của võ tướng họ Trương. Có thể nói, cái chết của Quan Vũ, Trương Phi, cùng việc đánh mất Kinh Châu thực sự là một đòn chí mạng với Lưu Bị.
Vị quân chủ của Thục Hán dẫn quân đánh Đông Ngô một cách vội vã, dẫn đến đại bại ở trận Di Lăng và sau đó qua đời đầy đáng tiếc khi đại nghiệp thống nhất thiên hạ vẫn còn dang dở.
Có thể nói, cái chết của cả ba người Quan Vũ – Trương Phi – Lưu Bị đều liên quan đến hành động phản bội của My Phương.
Về phần My Phương, sau khi khiến cho nhà Thục Hán điêu đứng và bắt đầu suy yếu, My Phương quay sang làm tướng cho Đông Ngô. Tuy nhiên, con đường quan lộ của kẻ phản bội như ông cũng không có gì nổi bật. My Phương mất năm nào cũng không được ghi chép trong sử sách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.