Vụ ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tử vong tại trụ sở TAND tỉnh: Cần xem xét lại bản án đã tuyên

Hiếu Đam Thứ bảy, ngày 30/05/2020 16:31 PM (GMT+7)
Vụ việc ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tử vong để kêu oan đang thu hút sự chú ý của dư luận. Trong trường hợp này các luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ bản chất vụ án.
Bình luận 0

Mới đây, công an tỉnh Bình Phước đang điều tra nguyên nhân bị cáo Lương Hữu Phước (SN 1965, ngụ phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, Bình Phước) chết tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước, nghi nhảy lầu tự tử.

Vụ ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tử vong tại trụ sở TAND tỉnh: Cần xem xét lại vụ án đã tuyên - Ảnh 1.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tử vong tại trụ sở TAND tỉnh

Theo đó, sáng ngày 29/5, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước đã tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Lương Hữu Phước (SN 1965, trú phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), với mức án 3 năm tù giam.

Sau khi nghe tòa tuyên án xong, ông Phước rời khỏi tòa án. Tuy nhiên, vào buổi chiều cùng ngày, ông Phước đột ngột trở lại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước, lên lầu 2 và nhảy xuống đất tử vong.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh cho biết, trong trường hợp này, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước nên báo cáo với Tòa án nhân dân Tối cáo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào cuộc điều tra về cái chết của ông Lương Hữu Phước.

Vụ ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tử vong tại trụ sở TAND tỉnh: Cần xem xét lại vụ án đã tuyên - Ảnh 2.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM.

Đồng thời cần rút hồ sơ lên xem xét toàn diện, để từ đó có quyết định Giám đốc thẩm cho trường hợp này. Nếu có sai sót trong quá trình điều tra thì phải minh oan cho người quá cố vừa qua.

"Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ sự việc, tìm ra được bản chất của vụ án này, nếu có sai phạm thì cần phải sửa chữa, khắc phục kịp thời, nếu oan thì phải minh oan cho người đàn ông này.

Việc ông Phước tử tử có thể xuất phát từ sự tuyệt vọng. Trước đó, trên facebook ông Phước còn có một dòng trạng thái. Cơ quan chức năng cần xem xét, việc ông tự tử có nhằm để chứng minh cho sự oan ức của mình không?", luật sư Tuấn cho biết

Cũng theo vị luật sư, trước đó, luật sư của ông Phước đã có đơn đề nghị Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu QH, HĐND tỉnh giám sát vụ án trước phiên phúc thẩm, cơ quan chức năng có nhận được yêu cầu này không? 

"Thẩm phán xét xử cho rằng vụ án phức tạp, hơn nữa trước đây TAND tỉnh Bình Phước đã hủy án và đưa ra 11 điểm bất hợp lý mà cơ quan điều tra chưa làm rõ, vậy tại sao chưa làm rõ các vấn đề trên?

Vụ án này có nhiều điều phức tạp mà Hội đồng xét xử chưa làm rõ các vấn đề mà luật sư của ông Phước đã nêu", luật sư Tuấn nhận định.

Còn luật sư Đặng Văn Cường cho rằng có cơ sở để Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xem xét lại hai bản án này theo thủ tục Giám đốc thẩm.

"Việc người bị buộc tội nhảy lầu tự tử tại tòa án, để phản đối hai bản án đã có hiệu lực pháp luật cũng là một cách khiếu nại quyết định hai bản án dù rằng việc khiếu nại này hơi cực đoan" - luật sư cho hay.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật bất cứ tổ chức, cá nhân nào phát hiện ra bản án có sai sót có thể dẫn đến oan sai cũng có thể kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Cụ thể Điều 372 Bộ luật Tố tụng hình sự 2016 quy định: Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị.

Tòa án quân sự cấp quân khu thực hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem xét kháng nghị. 

Khi thực hiện công tác giám đốc việc xét xử, kiểm sát việc xét xử hoặc qua các nguồn thông tin khác mà Tòa án, Viện kiểm sát phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì thông báo ngay bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị.

Như vậy, căn cứ vào diễn biến sự việc nêu trên qua kiểm tra, thanh tra hoặc có văn bản của người bào chữa đề nghị xem xét lại hai bạn án theo thủ tục giám đốc thẩm thì tòa án nhân dân cấp cao hoặc Viện kiểm sát trừ cấp cao sẽ tiếp nhận thông tin xem xét lại hai bản án đã có hiệu lực pháp luật này theo thủ tục giám đốc thẩm.

Nội dung vụ án: Khoảng 11h ngày 15/1/2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn tại khu phố Phước An (phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), ông Lương Hữu Phước đi về nhà.

Đến khoảng 13h cùng ngày, ông Trần Hữu Quý rủ ông Phước đi hát karaoke. Đi một đoạn, thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên chở ông Quý đi về nhà ông Quý để lấy mũ bảo hiểm. Khi đi đến gần trước nhà ông Quý thì ông Phước dừng xe lại bên lề phải theo chiều đi của mình để ông Quý vào nhà lấy mũ bảo hiểm nhưng ông Quý không chịu xuống xe.

Lúc này, ông Phước lái xe rẽ trái đi qua đường. Khi xe của ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều thì bị xe máy do anh Lâm Tươi lái, chở anh Tiếp Trị đụng vào gây tai nạn, khiến ông Lương Hữu Phước và ông Trần Hữu Quý bị thương. Đến ngày 17/1/2017 ông Quý tử vong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem