Vụ ông Nguyễn Viết Dũng bị tố đánh caddie: Công an vào cuộc, tình huống nào diễn ra?
Vụ ông Nguyễn Viết Dũng đánh nhân viên caddie sân golf: Công an vào cuộc, tình huống nào diễn ra?
Q.Trung
Thứ ba, ngày 13/12/2022 20:06 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Viết Dũng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Quảng, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam, người bị tố đánh caddie ngay trên sân golf đã lên tiếng nhận sai. Chuyên gia pháp lý cũng có phân tích về vụ việc này.
Liên quan đến thông tin ông Nguyễn Viết Dũng bị tố đánh nữ nhân viên phục vụ trên sân golf (caddie), ngày 13/12, HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên cơ sở nắm bắt thông tin từ báo chí và mạng xã hội, Thường trực HĐND tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh vào cuộc làm rõ. Đồng thời, yêu cầu ông Nguyễn Viết Dũng báo cáo cụ thể, trung thực vụ việc.
Quan điểm của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam là trong trường hợp ông Nguyễn Viết Dũng hay bất cứ đại biểu HĐND tỉnh có khuyết điểm, vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng ngày, ông Nguyễn Viết Dũng cho hay, trong quá trình chơi golf, do cảm thấy bị xúc phạm nên đã có hành vi nóng nảy trong cách hành xử.
"Thông qua cơ quan báo chí, tôi xin nhận sai. Trước tiên, rất mong gia đình cô L. thông cảm bỏ qua. Đồng thời, qua đây tôi xin lỗi trước HĐND tỉnh Quảng Nam, câu lạc bộ golf cùng toàn thể đồng nghiệp, mong mọi người lượng tình tha thứ" - ông Dũng nói.
Ngoài ra, ông này cho hay, tự ý thức là đại biểu HĐND tỉnh, ông luôn tuân thủ pháp luật. Vì vậy, mong mình sai đến đâu thì cứ xử lý đến đó. Đồng thời mong cơ quan báo chí đăng tin đúng sự thật.
Các tình huống pháp lý có thể diễn ra
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường biết, trong vụ việc này nếu nạn nhân có đơn trình báo tố giác tội phạm, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ.
Trường hợp cơ quan điều tra vào cuộc, khi có kết quả giám định thương tích, nếu nạn nhân có thương tích, dù tỷ lệ thương tích vài phần trăm, cơ quan điều tra cũng có thể tiến hành khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự để tiến hành điều tra theo quy định.
Theo ông Cường, tội cố ý gây thương tích là tội danh khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nếu thương tích ở mức độ ít nghiêm trọng, xử lý theo khoản 1, Điều 134.
Còn trường hợp thương tích nghiêm trọng đến mức xử lý theo khoản 2 Điều 134 sẽ không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại, dù người bị hại không có yêu cầu hoặc có rút đơn yêu cầu, cơ quan điều tra vẫn có thể xử lý hình sự với người đã gây thương tích cho nạn nhân.
Bởi vậy, trong vụ việc này người gây ra thương tích cho nạn nhân sẽ không bị xử lý hình sự nếu như thương tích của nạn nhân dưới 11% và hai bên thỏa thuận dân sự thành công để nạn nhân không có đơn hoặc rút đơn.
Còn nếu thương tích của nạn nhân từ 11% trở lên và hành vi được xác định là có tính chất côn đồ, sử dụng hung khí nguy hiểm, không cần nạn nhân phải có đơn cơ quan điều tra vẫn có thể xử lý hình sự. Nội dung này được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự và Điều 155 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Vị chuyên gia cho rằng, theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích phải chịu trách nhiệm pháp lý. Cụ thể là có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi gây còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút của nạn nhân và một khoản tiền tổn thất về tinh thần khoảng 50 tháng lương cơ bản.
Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được, có thể đề nghị cơ quan chức năng giải quyết.
Liên quan đến việc này, Công an phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho biết, đã vào cuộc xác minh. Lực lượng chức năng đang liên hệ với phía nữ nhân viên bị đánh để làm rõ vụ việc thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.