Vụ “phạt vì nói xấu chủ tịch tỉnh” trên facebook: Bức xúc vì nhà bị nứt?

Hữu Danh - Quốc Ấn - Kỳ Phương Thứ năm, ngày 19/11/2015 08:28 AM (GMT+7)
Chỉ vì nhận xét chủ tịch tỉnh “nhìn cái mặt kênh kiệu” trên Facebook, 3 cán bộ ở An Giang đã bị kỷ luật về đảng lẫn chính quyền và bị phạt tiền tới 10 triệu đồng. Qua xác minh của phóng viên, có 2 người bị phạt là hàng xóm kề vách nhà ông chủ tịch, và là “nạn nhân” khi chủ tịch xây nhà mới...
Bình luận 0

“Like” cũng phạt!

Thông tin Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh do yếu kém trong quản lý đất được bà Lê Thị Thùy Trang (giáo viên Trường THPT Long Xuyên) tải lên Facebook cá nhân với lời bình “nhìn cái mặt kênh kiệu”. Dòng chia sẻ này được facebook của bà Phan Thị Kim Nga - Phó văn phòng Sở Công Thương - vào “like” (thích). 

img

Bà Phi Anh chỉ một vết nứt trên tường. (Ảnh: H.D)

Sau đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang cùng Công an tỉnh đã vào cuộc, làm rõ người sử dụng tài khoản Facebook của bà Nga ấn “like” là ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Công ty Điện lực An Giang; chồng bà Nga). Tiếp đó, bà Trang và ông Phúc bị Sở Thông tin và Truyền thông phạt mỗi người 5 triệu đồng vì hành vi “sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín, danh dự người khác”.

Ngoài ra, theo Công văn của Đảng ủy khối dân chính đảng (Đảng bộ tỉnh An Giang) báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì Đảng ủy Sở GD- ĐT đã phối hợp Ban giám đốc Sở chỉ đạo Ban giám hiệu Trường THPT Long Xuyên xem xét, xử lý kỷ luật khiển trách bà Trang. Với bà Nga, “Đảng ủy Sở Công Thương phối hợp Ban giám đốc Sở xem xét, xử lý kỷ luật cảnh cáo về đảng và chính quyền”.  Còn ông Phúc thì bị “Đảng ủy Khối doanh nghiệp chỉ đạo Đảng ủy Công ty Điện lực An Giang xem xét, xử lý về chính quyền bằng hình thức phê bình bằng văn bản trong toàn công ty”.

Vợ chủ tịch tỉnh nói gì?

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, gia đình ông Phúc là hàng xóm, kề vách nhà ông Thạnh. Lâu nay, giữa gia đình ông Thạnh và cha mẹ ông Phúc có một số mâu thuẫn, đặc biệt là việc nhà ông Thạnh xây mới khiến nhà của gia đình ông Phúc bị nứt tường.

img

Căn nhà của ông Vương Bình Thạnh (phải) và nhà bà Phi Anh.

Để có thông tin đa chiều, phóng viên NTNN đã nhiều lần gọi điện thoại cho ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch tỉnh An Giang nhưng ông không nghe máy. Sáng 18.11, phóng viên đến nhà ông Vương Bình Thạnh để tìm hiểu sự việc. Bà Võ Thị Thiêm - vợ ông Thạnh cho biết, vợ chồng bà ở nhà số 5 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Mỹ Long. Nhà số 7 là của gia đình ông Phúc. Năm 2007, gia đình bà Thiêm xây căn nhà 4 tầng kề nhà ông Phúc. Trong lúc xây cất, nhà số 7 bị chấn động, nứt tường, nứt đà, bị ảnh hưởng nặng. Vợ chồng ông Phúc không có ý kiến gì nhưng bố mẹ ông Phúc là ông Huỳnh Văn Đông và bà Nguyễn Thành Phi Anh (giáo viên về hưu, nay đã 71 tuổi) đề nghị gia đình bà Thiêm xem xét. “Tôi có yêu cầu nhà thầu thi công qua nhà chị Phi Anh kiểm tra, sau đó phải sửa chữa lại. Nhà thầu sau đó than là xây nhà cho tôi bị lỗ vì phải tốn phí sửa chữa nhà bà Phi Anh” - bà Thiêm nói.

Thế nhưng, sau khi sửa chữa xong, được một thời gian thì nhà của gia đình ông Phúc lại tiếp tục nứt ở những vết cũ nên ông Đông lại có đơn xin giải quyết. “Vợ chồng chúng tôi không khiếu nại, mà chỉ xin giải quyết thôi, vì mình là dân, đâu có dám khiếu nại lãnh đạo” - ông Phúc nói.

Phóng viên tìm gặp được ông Lê Chơn Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Xây lắp An Giang,  ông Tâm nói: “Do nhà số 5 đập phá nhà cũ để xây nhà mới làm ảnh hưởng đổ một phần tường, rạn nứt cột, đà kiềng, sàn của nhà số 7 nên đúng là chúng tôi đã tốn khá nhiều chi phí để sửa chữa”.

Suốt mấy ngày qua, nhiều học trò cũ đến nhà bà Phi Anh để thăm cô giáo cũ nhân dịp 20.11 nhưng cửa nhà lúc nào cũng khóa bên trong. Bà Phi Anh tâm sự: “Vì cái quyết định xử phạt này mà vợ chồng tôi giờ không dám ra đường”.  

Ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội: Quá nặng nề khi kỷ luật đảng 

Trả lời PV NTNN, ông Phạm Tất Thắng cho rằng, việc xử lý cán bộ trong trường hợp này phải thận trọng và tế nhị vì dễ mang tiếng “lấy lòng cấp trên”. “Nếu xử lý rốt ráo với những người bị cho là xúc phạm danh dự của lãnh đạo tỉnh, vậy thử hỏi nếu thực tế những người khác không phải lãnh đạo tỉnh - cũng bị nói xấu, xúc phạm thì liệu các cơ quan công quyền có xử lý rốt ráo như vậy không? Hay chỉ lãnh đạo tỉnh mới được ưu tiên?”,- ông Thắng đặt vấn đề và nói thêm: Nếu tôi là vị lãnh đạo tỉnh này và có người viết lên mạng xã hội có ý xúc phạm tôi, trước tiên tôi sẽ tự xem xét lại bản thân vì sao mình lại bị người ta nhận xét nặng nề như vậy đã.

Đánh giá về việc xử lý kỷ luật cả về mặt đảng, ông  Thắng cho rằng cách xử lý như vậy là quá nặng nề. Họ lên mạng xã hội, bình luận như vậy với tư cách những người dân bình thường. Việc  xử lý hành chính họ là phạt tiền cũng đã quá nặng, vậy mà lại thêm kỷ luật đảng nữa e rằng không ổn. Theo tôi, cái này không liên quan nhiều tới trách nhiệm đảng viên, dù đúng là đảng viên cũng phải biết cách kiểm soát hành vi, lời nói của mình ở nơi công cộng.

Hải Phong (ghi)

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư: Quá vội vàng

Tôi thấy các cơ quan chức năng của An Giang đưa 3 cán bộ ra xử phạt cả về hành chính và đảng là quá vội vàng. Theo tôi, trước tiên nên để họ tự kiểm điểm, xem làm vậy đúng sai như thế nào và để họ tự rút kinh nghiệm, bài học cho bản thân.  

Chúng ta đang tiến tới một xã hội dân chủ, công khai, minh bạch và có kỷ cương. Vấn đề này không chỉ dừng giữa quan hệ dân sự mà nó là quan hệ giữa người dân với quan chức. Do vậy càng phải xử lý một cách khéo léo, thận trọng. Nếu anh xử lý mạnh tay và ngay lập tức như trường hợp này, anh sẽ bị mang tiếng là cậy quyền thế, lợi dụng công quyền để bóp nghẹt dân chủ. Về phía quan chức, khi người dân nhận xét như vậy (có thể phần nhiều do cảm tính) thì trước tiên cũng phải nghiêm túc tự xem xét lại mình. Một khi anh đã nguyện làm công bộc của dân thì phải chấp nhận và biết lắng nghe người dân, kể cả những lời nói chối tai, đừng sợ những điều đó và cần đối thoại thẳng thắn với họ để chỉ ra cho họ sai ở đâu, đúng ở đâu. Đó cũng là cơ hội để tự sửa mình của mỗi quan chức. Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước dân chủ, công khai, minh bạch, khuyến khích người dân bày tỏ suy nghĩ của mình cơ mà. Nếu làm như tỉnh này, liệu sau này có người dân nào dám đưa ra những lời nói có thể khó nghe, nhưng là sự thật – để góp ý cho lãnh đạo tỉnh nhà nữa hay không?

Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh: Không thỏa đáng

Dưới góc độ pháp lý, cơ quan có thẩm quyền căn cứ theo khoản G, mục 3, Điều 66, Nghị định 174 ngày 13.11.2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số điện), trong đó có hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác…” để xử phạt là không thỏa đáng. Bởi lẽ đó chỉ là lời nhận xét mang đầy cảm tính, là lời nhận xét mang tính cá nhân. Không thể cho rằng đó là hành vi nhằm mục đích xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác được.  Việc ông Phúc chồng cô Trang vào like mà bị phạt thì hết sức phi lý, trong quy định hiện hành chưa có quy định nào về xử phạt like cả.

Thắng Quang - Hải  Phong (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem