Vụ sai phạm ở Tiên Lãng: Công lý đã được trả lại

Chủ nhật, ngày 12/02/2012 06:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ án Cống Rộc (Tiên Lãng, Hải Phòng) hoàn toàn chưa khép lại. Nó mới chỉ vạch ra vấn đề đang nhức nhối nhất ở nông thôn: Đó là tình trạng dân chủ ở nông thôn tồn tại rất mờ nhạt.
Bình luận 0

Trong vụ án Cống Rộc (Tiên Lãng, Hải Phòng) người nông dân Đoàn Văn Vươn chỉ muốn bảo vệ phần đất mà họ đã đổ mồ hôi và máu mới có được. Cũng kêu oan với báo chí, cũng kiện ra tòa, tức là cũng đã tìm đủ mọi phương cách hòa bình và được pháp luật cho phép để giữ đất, trước khi sử dụng mìn tự chế và súng hoa cải. Một cách phản kháng giống hệt với sự tự sát.

Nhưng dẫu sao, “tiếng súng hoa cải” cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận một vấn đề bức xúc từ chính sách đất đai, liên quan đến hàng triệu nông dân

img
Chị Thương - vợ anh Đoàn Văn Vươn bên ngôi nhà đã bị phá tan.

Hàng triệu nông dân và dư luận cả nước đã đặc biệt quan tâm và chờ đợi ý kiến kết luận cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ, đối với số phận khu đầm hơn 40ha của nông dân Đoàn Văn Vươn.

Không quan tâm sao được khi bất cứ ai trong họ cũng có thể phải đối diện với việc bị thu hồi, bị cưỡng chế, bị tước đoạt mảnh đất khi “5 quyền đối với ruộng đất” của họ còn hay mất phụ thuộc nhiều khi vào chỉ một cái nhíu mày của một ông chủ tịch huyện.

Không lo lắng sao được khi hàng triệu hộ, dù có sổ đỏ, đang bước đến, đang leo lên giờ G: Năm 2013, khi thời hạn giao đất đã hết, trong khi chính quyền Hải Phòng từng khẳng định việc thu hồi - khi hết thời hạn - là không sai.

Trước cuộc làm việc của Thủ tướng, lần đầu tiên đã có sự xuất hiện ý kiến của một số quan chức trấn an dư luận với những khẳng định: Nông dân không phải lo lắng về thời hạn năm 2013. Trên một tờ báo, ông Nguyễn Khải - nguyên Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TNMT) khẳng định: “Ai đó nói rằng tới năm 2013, Nhà nước sẽ thu hồi lại đất là hoàn toàn sai”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng cũng cho rằng: “Bản chất là giao lại chứ không phải thu hồi”.

Tuy nhiên, sự lo lắng của người dân là có thật khi cũng chính vị quan chức của Quốc hội cũng nói đến việc “chia lại”: “Hình thức chia lại như thế nào thì đang nghiên cứu. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ cho ý kiến, sau đó mới ra nghị quyết để thực hiện”.

Hơn nữa, việc tiếp tục được sử dụng mảnh đất 20 năm mồ hôi xương máu hay không, phụ thuộc vào chính quyền, khi những kẽ hở của Luật Đất đai (sửa đổi) 2003 đang vô tình giao cho chính quyền một thứ quyền hạn quá lớn: Quyền định đoạt đối với mảnh đất mà người nông dân đang sử dụng.

Thực tế Tiên Lãng cũng đã cho thấy trong vụ án Cống Rộc, chính quyền đã hành xử với mảnh đất của nông dân theo một cách thức không thể tồi tệ hơn: Cưỡng chế thu hồi mà hoàn toàn không có phương án đền bù, không đối thoại với dân, và thu hồi cũng không biết để làm gì(?!) khi thậm chí phương án sử dụng sau đó cũng không có.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông báo ý kiến có tính chất kết luận cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ. Theo kết luận đó, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn là trái luật. Điều 38- Luật Đất đai (sửa đổi) 2003 quy định 5 trường hợp thu hồi đất, nhưng gia đình ông Vươn không nằm trong 5 trường hợp trên. Và quyết định thu hồi đã sai thì quyết định cưỡng chế thu hồi cũng đương nhiên sai.

Công lý phần nào đã được trả lại. Công luận, qua kết luận cuối cùng này, dường như càng thông cảm hơn với nỗi tuyệt vọng và sự khốn quẫn của người nông dân khi bị chính quyền tước đoạt một cách trái luật và trắng trợn mảnh đất của mình.

Nhưng vụ án Cống Rộc hoàn toàn chưa khép lại. Nó mới chỉ vạch ra vấn đề đang nhức nhối nhất ở nông thôn: Đó là tình trạng dân chủ ở nông thôn tồn tại rất mờ nhạt. Và nguyên nhân của mọi nguyên nhân là những bất cập trong chính sách đất đai. Không thể không nhắc lại là Luật Đất đai đã phải sửa tới 4 lần, có tới 400 văn bản hướng dẫn thi hành. Nhưng đó là một bộ luật có quá nhiều kẽ hở để chính quyền địa phương có thể “tự giải thích luật” theo ý muốn chủ quan của họ.

Hàng triệu nông dân, giờ có lẽ đã có thể tạm yên tâm để tiếp tục đổ mồ hôi trên mảnh đất của mình. Kết luận của Thủ tướng, có lẽ, ngay lập tức sẽ tạo hiệu ứng như một “tiền lệ pháp”- một tiền lệ trong lĩnh vực hành chính, để người nông dân dùng bảo vệ quyền hợp pháp của họ.

Vụ án Cống Rộc cũng cấp thiết đặt ra việc sửa đổi Luật Đất đai. Đối với nông dân, có lẽ, việc sửa đổi sẽ không thể chỉ dừng ở vấn đề thời hạn 20 năm, 50 năm hay 99 năm, mà phải đặt ra cái gốc: Người nông dân sẽ được sở hữu thế nào trên mảnh đất mà mình đã đổ mồ hôi và cả máu để xây dựng, bảo vệ và sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem