Vụ sập cầu Bung: Chỉ một người chịu tội!

Thứ tư, ngày 22/06/2011 06:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công trình cầu Bung bắc qua sông Ba thuộc địa bàn xã Phú Cần, huyện Krông Pa, Gia Lai được phát hiện bị “rút ruột” ngày 5.11.2007.
Bình luận 0

Nhưng đến ngày 20.6.2011, vụ án mới được đưa ra xét xử sơ thẩm và chỉ với một bị cáo là cán bộ giám sát thi công trong cả chuỗi thiệt hại công trình.

Cầu Bung được triển khai qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1, từ tháng 10.1999 đến 8.2001 do Công ty Xây dựng công trình giao thông 134 (CT 134) thi công. Theo thiết kế, cầu có chiều dài 234m, gồm 11 nhịp, với 9 móng trụ.

img
Cầu Bung bị sập ngày 5.11.2007.

Trong quá trình thi công giai đoạn 1, CT 134 giao cho ông Lương Minh Tuấn - nguyên Phó Giám đốc Công ty Công trình 134 giám sát. Sau đó, ông Tuấn lại phân công ông Phan Anh Tuấn- cán bộ kỹ thuật, Đội phó Đội cầu II. Ngày 5.11.2007, mưa lũ xảy ra làm sập trụ T8, kéo sập đổ 2 nhịp N8, N9 và hư hại trụ T9 công trình cầu Bung.

Quá trình điều tra phát hiện công trình có 115/123 cọc ở tất cả các trụ cầu đều bị rút ruột, trong đó trụ T8 có 12 cọc bị cắt từ 1m đến 5,51m, song vẫn được nghiệm thu đều có chiều dài 12,45m. Tổng giá trị thiệt hại thành tiền của sự cố đổ trụ T8 gây sập cầu Bung là 1.477.159.000 đồng.

Đến ngày 3.11.2009, cầu Bung tiếp tục đổ 3 trụ T6, T7, T9 làm rơi 3 dầm bê tông cốt thép đã thi công giai đoạn II của nhịp N6, N7, N10, làm thiệt hại (theo giai đoạn I) là 6.816.420.000 đồng.

Cơ quan điều tra tốn tới 500 triệu đồng để giám định thiệt hại sập một nhịp do đổ trụ T8, làm cơ sở truy tố Phan Anh Tuấn - giám sát thi công của CT 134 về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20.6, bị cáo Phan Anh Tuấn đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình với lý do: “Trình độ non kém, cả nể, chưa nắm bắt vấn đề xã hội; khi thực hiện đóng cọc phát hiện sự cố và có báo miệng với ông Nguyễn Như Dũng - giám sát tư vấn thiết kế và Bế Văn Lạc - giám sát chủ đầu tư mà không lập thành văn bản (ông Dũng và ông Lạc đã chết)”.

Hội đồng xét xử cũng đã chất vấn nhiều cán bộ có liên quan nhưng hầu như tất cả đều cho rằng việc giám sát thi công là không trực tiếp mà giao hết cho ông Nguyễn Như Dũng và Bế Văn Lạc; việc chỉ đạo xử lý cắt ngắn cọc là do chỉ huy công trình Phan Anh Tuấn.

Xét nhân thân và bị cáo đã bồi thường khắc phục hậu quả 1,52 tỷ đồng nên Hội đồng xét xử tuyên phạt Phan Anh Tuấn (SN 1974, trú tại phường 16, quận 8, TP. HCM) 3 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem