Theo đó, trên đường Lê Văn Lương với chiều dài khoảng 6km đang tồn tại bốn cây cầu sắt với độ tuổi 40 – 60 năm gồm: cầu Rạch Đĩa (nối P.Tân Hưng, Q.7 và xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè); cầu Long Kiển (nối xã Phước Kiển và xã Nhơn Đức); cầu Rạch Tôm (xã Nhơn Đức) và cầu Rạch Dơi (nối xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè và xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Hai bên 4 cầu sắt trên đường Lê Văn Lương đều có 2 trạm gác và có nhân viên trực 24/24. Ảnh chụp trạm gác ở đầu cầu Rạch Trôm, 1 trong 4 cầu sắt nói trên - Ảnh: Lý Tín
Do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra kẹt xe, va chạm trên và dưới sông nên cả 4 cây cầu nói trên đều có bố trí trạm gác 2 bên. Nhân viên trạm gác trực 24/24 nhằm đảm bảo lưu thông và kịp thời ngăn chặn những hành vi lưu thông trái phép qua cầu.
Câu hỏi đặt ra là vào thời điểm 21h45 tối ngày 19.1, khi tài xế cho xe tải vượt quá quy định về trọng tải qua cầu, nhân viên trạm gác đã ở đâu? Nhân viên trạm gác thuộc Công ty TNHH MTV công trình cầu phà thành phố cắt cử. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào lên tiếng về việc này.
Nhân viên trạm gác cầu Long Kiển đã ở đâu khi tài xế Lâm cho xe quá tải lưu thông khiến cầu bị sập? Ảnh: Lý Tín
Theo một luật sư tại TP. HCM, nếu thật sự có nhân viên gác cầu 24/24 nhưng thời điểm xe tải của tài xế Lâm sắp lưu thông lên cầu mà nhân viên không ngăn cản hoặc không có mặt tại trạm gác thì đây là hành vi thiếu trách nhiệm. Hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trước đó, vào khoảng 21h45, tài xế Lâm điều khiển xe tải chở đá công trình có tổng trọng tải khoảng 15 tấn đã bất chấp biển báo cấm xe có trọng tải trên 3,5 tấn để lưu thông qua cầu Long Kiển khiến cầu này bị sập.
Dân Việt sẽ tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng để làm rõ về nhân viên trạm gác ở cầu Long Kiển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.