Nước Anh chia nửa vì Terry
“Tôi không bao giờ còn có thể nói chuyện với thằng cha ấy. Sau nhiều năm, nỗi đau mà gia đình tôi phải gánh chịu thật khủng khiếp” - Rio Ferdinand nói về vụ chủng tộc mà người em ruột Anton là nạn nhân. “Thằng cha ấy” ở đây không ai khác chính là John Terry, người đồng đội đã sát cánh cùng Rio trong nhiều năm ở tuyển Anh.
Theo cáo buộc từ Anton Ferdinand, trung vệ khi đó thuộc biên chế QPR đã bị thủ quân Chelsea miệt thị là “thằng mọi đen”. Sự việc xảy ra tại Loftus Road ngày 23.10.2011, trong trận derby Tây London giữa QPR và Chelsea.
Kể từ sau vụ tòm tem với cô ả Vanessa Perroncel, cắm đôi sừng lên đầu người bạn thân Wayne Bridge năm 2009, John Terry thêm một lần rơi vào tâm bão. Nhận cáo buộc từ phía gia đình Ferdinand, cảnh sát, tòa án và LĐBĐ Anh mở cuộc điều tra. Và mặc dù tòa án quận Westminster kết luận Terry trắng án, thì cuộc điều tra độc lập của giới quan chức FA vẫn đưa ra một án phạt cấm thi đấu 4 trận cùng 220.000 bảng đối với JT26.
Bên cạnh những án phạt cụ thể, hình ảnh mà John Terry cố gắng vớt vát lại sau scandal tình ái vụt tan thành mây khói. Vụ việc này nghiêm trọng đến nỗi cả nước Anh rơi vào một cuộc tranh cãi với hai phe rõ ràng: Những người bảo vệ và phần còn lại công kích JT26. Truyền thông sử dụng cụm từ Terrygate để mô tả tính chất, và trong suốt một khoảng thời gian rất dài, khuôn mặt anh chình ình trên trang nhất các tờ báo với đủ sắc thái biểu cảm khác nhau.
John Terry vướng vào vụ scandal với Anton Ferdinand.
Toàn án đứng về phía Terry, kết luận không đủ bằng chứng để buộc tội anh có hành vi phân biệt chủng tộc với Anton Ferdinand. Nhưng FA và vị Chủ tịch thời điểm đó, David Bernstein lại quyết làm căng, tước tấm băng đội trưởng tuyển Anh của Terry ngay trước thềm EURO 2012.
Capello và những nỗ lực bảo vệ Terry bất thành
HLV Fabio Capello - người trước sau vẫn ủng hộ Terry vô điều kiện, phản ứng mạnh mẽ với quyết định này của FA. Với Don Fabio, việc trao hay tước tấm băng đội trưởng từ ai hoàn toàn thuộc quyền hạn của ông. Nhà cầm quân lão làng người Italia từng loại chính Rio khỏi vai trò này khi trung vệ thuộc biên chế M.U vì gánh nặng tuổi tác và các chấn thương hành hạ đã không thể ra sân thường xuyên.
John Terry trong quan niệm của Capello là hình mẫu người đội trưởng hoàn hảo, cả trên khía cạnh chuyên môn lẫn người thủ lĩnh tinh thần. Và ông đã làm mọi cách để bảo vệ Terry, từ vận động hành lang đến gây áp lực lên FA. Chỉ có điều, Bernstein không nhượng bộ ở thời điểm tòa án Westminster chưa đưa ra phán quyết.
Với Capello, Terry là hình mẫu lý tưởng về người đội trưởng.
Ngày 3.2.2012, John Terry lần thứ hai bị tước băng đội trưởng ĐT Anh trong những nỗ lực ngăn cản đã trở nên vô vọng của Fabio Capello. Ngay lập tức, Don Fabio đệ đơn từ chức như một hành động bảo vệ cậu học trò mà ông hết sức tin tưởng. 5 ngày sau, tức ngày 8.2, Capello chính thức rời Tam sư sau khi nhận được sự chấp thuận của FA. Mối lương duyên hơn 4 năm này kết thúc một cách chóng vánh.
Fabio Capello nhậm chức tại Đội tuyển Anh ngày 14.12.2007, ở thời điểm NHM nước Anh đã hoàn toàn sụp đổ niềm tin vào các nhà cầm quân. Triều đại của Steve McClaren sụp đổ trong một ngày mưa tầm tã ở Wembley, sau khi Tam sư thúc thủ 2-3 trước Croatia, đồng thời để tuột tấm vé tham dự vòng chung kết EURO 2008.
Ông đặt chân đến mảnh đất này với bản CV hoành tráng, 15 danh hiệu lớn nhỏ ở Roma, Juventus, AC Milan, Real Madrid trong đó nổi bật nhất là cú đúp danh hiệu Serie A và Champions League mùa 1993/94 cùng AC Milan. Bản hợp đồng 4 năm rưỡi cùng mức lương 6 triệu bảng/năm biến Capello trở thành HLV dẫn dắt ĐTQG hưởng lương cao nhất thế giới.
Capello từng giành được thành công vang dội cùng AC Milan.
Cuộc chia ly tiếc nuối
Kể từ sau Terry Venables - người đưa Tam sư đi đến bán kết EURO 1996, ĐT Anh mới lại có một nhà cầm quân được đánh giá tài năng đến thế ngồi trên băng ghế chỉ đạo. Từng bước, Don Fabio thắp lại niềm tin cho xứ sở sương mù. Tại World Cup 2010, thầy trò Capello bước vào vòng knock-out và chạm trán người Đức. Thất bại tức tưởi 1-4 không làm niềm tin của NHM giảm sút, họ thua bởi lẽ một sai lầm nghiêm trọng của trọng tài, khi mà bàn thắng hợp lệ của Lampard bị khước từ khi nó đã đi qua vạch vôi tới nửa mét.
Hướng tới EURO 2012, trong tay Capello là những điểm sáng le lói từ thế hệ vàng còn sót lại, kết hợp với những nhân tố trẻ giàu tiềm năng. Ở mọi đội bóng mà Capello từng làm việc, tính thực dụng và hiệu quả luôn được đặt lên hàng đầu. Chiến dịch vòng loại, tuyển Anh dẫn đầu với thành tích bất bại dù rơi vào một nhánh đấu khó khăn cùng Thụy Sỹ, Montenegro, Xứ Wales và Bulgaria. Chiến thắng 1-0 trước nhà vô địch thế giới Tây Ban Nha cuối năm 2011 như thổi bừng niềm hy vọng vàng tại EURO 2012, thứ vinh quang ám ảnh nước Anh xuyên suốt lịch sử.
Gia đình Capello lập tức rời nước Anh vào ngày 8.2.2012.
Tiếc rằng, Capello ra đi sớm hơn dự kiến, để lại một công trường còn dang dở. Và chỉ 4 tháng sau, Roy Hodgson nhanh chóng phá hủy di sản mà Don Fabio để lại với thất bại ê chề tại giải đấu trên đất Ba Lan và Ukraine. Cho đến nay, Fabio Capello với 66,7% sau 42 trận, vẫn là HLV có tỷ lệ chiến thắng cao thứ hai trong lịch sử ĐT Anh. Mà người đứng đầu là… Sam Allardyce - đạt tỷ lệ chiến thắng 100% nhưng rời tuyển chỉ sau 1 trận vì scandal cá nhân.
Vào cái ngày Fabio Capello rời nước Anh trong giận dữ, 8.2.2012, thì ở Tòa án Southwark Crown, Harry Redknapp được xóa bỏ cáo buộc trốn thuế trong khoảng thời gian làm việc tại Portsmouth. Động thái này được xem là để dọn đường cho Redknapp chuẩn bị ngồi vào chiếc ghế trống mà Capello để lại, bởi vị thuyền trưởng Tottenham khi đó là ứng viên sáng giá nhất. Sau cùng, Roy Hodgson mới là người được chọn để rồi mở ra một thời kỳ đen tối khác của nền bóng đá Anh.
Dược Sơn (Báo Bóng Đá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.