Tiếp chuyện cùng PV, một công nhân Công ty Cấp nước cho biết: “Nghe dư luận phản ánh lương của sếp một năm hơn nửa tỷ đồng, chúng tôi thật sự sốc, bởi chúng tôi là công nhân trực tiếp lao động nhưng người cao nhất chưa tới 7 triệu đồng/tháng”.
Cũng theo chia sẻ của công nhân này, ở Công ty Cấp nước Sóc Trăng có nhiều loại hình lao động với nhiều bậc lương khác nhau. Trong đó, công nhân lao động trực tiếp có 7 bậc; còn bộ phận văn phòng, hành chính có 12 bậc. “Chúng tôi là công nhân lao động trực tiếp thì biết lương, ngạch bậc lương của mình, chứ không biết rõ lắm chế độ của bộ phận hành chính, văn phòng”.
Cụ thể, mức lương của công nhân bậc 1 chỉ trên 4 triệu đồng/tháng, còn công nhân bậc 7 cũng chưa tới 7 triệu đồng. Với công nhân từ bậc 1 đến bậc 3 thì mỗi năm lên một bậc, còn từ bậc thứ 4 trở đi thì 3 năm lên một bậc, tới bậc 7 là hết và chỉ lãnh lương như thế, không có vượt khung gì cả.
Khu biệt thự "khủng" của Tổng Giám đốc Công ty Cấp nước Sóc Trăng.
Nói về “sếp” của mình, nhiều công nhân của công ty cho biết, con đường “quan lộ” của ông Đặng Văn Ngọ rất thênh thang, nhưng dự báo “xấu” đã được tiên liệu từ trước.
Anh H., một công nhân có thâm niên trên 20 năm ở công ty cho biết: Ông Đặng Văn Ngọ sinh năm 1965, quê ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu). Ông Ngọ được người chú ruột là ông Đ.V.B., nguyên Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Sóc Trăng nuôi dưỡng. Sau khi học xong lớp Trung cấp kế toán, ông Ngọ được nhận vào làm công nhân kho bao của Ban quản lý dự án công trình xây dựng Nhà máy xay xát xuất khẩu Hậu Giang. Lúc đó, do “làm thất thoát” hàng ngàn chiếc bao bì, nên ông Ngọ được chú ruột đưa về Xí nghiệp Cấp nước Sóc Trăng.
“Lúc đưa ông Ngọ về, người chú ruột có nói với anh em chúng tôi rằng, “nó là cháu tao nên tao biết tính nó. Nó giỏi nhưng thiếu đạo đức nên tao đưa nó về để kèm chứ không là nó hư mất. Sau khi về công ty, mỗi lần họp hành, ông Ngọ luôn bị chú nhắc nhở, thậm chí la lối nặng lời vì thiếu trách nhiệm, thiếu nhiệt tình trong công việc”, anh H. kể lại.
Tại Xí nghiệp Cấp nước Sóc Trăng, lúc đầu ông Ngọ làm công nhân vận hành, rồi lên chức Phó phòng kế hoạch kỹ thuật, trước khi ngồi ghế Trưởng phòng sau khi hoàn thành chương trình đại học.
Năm 2004, ông Ngọ làm Phó Giám đốc công ty. Năm 2010, ông giữ chức vụ Giám đốc Công ty kiêm Bí thư đảng ủy. Từ năm 2014 đến nay, ông Ngọ là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty Cấp nước Sóc Trăng.
Nói về cách hành xử của “sếp” trong thời gian vừa qua, anh H. cho biết, thời gian ông Ngọ giữ hết các chức vụ quan trọng, quyền hành cũng được thâu tóm nên ông toàn quyền quyết định. Công ty có đội công nhân kỹ thuật nhưng khi thực hiện các công trình xây dựng, ông đều tổ chức “đấu thầu” và bên thắng thầu chủ yếu là một công ty của tỉnh Hậu Giang. Thực tế, khi thực hiện thi công công trình đều do Công ty Cấp nước Sóc Trăng đảm nhiệm chứ không có công ty nào ở Hậu Giang cả.
“Là người trực tiếp thi công nên lãnh đạo của đơn vị tôi phải ký các giấy tờ hợp pháp hóa hồ sơ. Đơn giá ký trên giấy tờ hồ sơ và giá tiền thực chi cho đơn vị thi công chúng tôi luôn chênh lệch từ 4-5 lần. Ví dụ, hồ sơ quyết toán công trình là 500 triệu, chứ thực tế thi công chỉ trên dưới 150 triệu thôi. Chúng tôi biết nhưng vì mình là công nhân làm công ăn lương, nên chúng tôi không quan tâm tới tiền chênh lệch đó đi đâu, vào túi ai”, anh H. cho hay.
Còn một công nhân ở Xí nghiệp Cấp nước Phú Lợi (phường 2, TP Sóc Trăng) cho biết: “Cách đây không lâu, không biết vì lý do gì, chỉ nghe nói sắp xếp lại lao động nên lãnh đạo công ty cho xếp chuyển bậc lương lại. Những người từ bậc 5 đến bậc 7 thì giữ nguyên, còn những người từ bậc 4 trở xuống đều được xếp trở lại bậc 1. Vì vậy, những người công tác được 3-5 năm bị thiệt thòi khi phải trở lại bậc 1. Biết thiệt thòi, nhưng mình là lính nên phải chịu vậy chứ không biết nói gì hơn (!?)”.
Trò chuyện với PV, một công nhân đang công tác ở Xí nghiệp Cấp nước Nguyễn Chí Thanh (phường 6, TP Sóc Trăng, nơi đặt trụ sở của Công ty Cấp nước Sóc Trăng) cho biết: “Lương của sếp công khai chỉ 516 triệu đồng một năm nhưng tài sản của sếp "khủng" hơn các sếp nhiệm kỳ trước. Khi đi làm, có lúc sếp tự lái xe ô tô hiệu Audi Q5, lúc thì xe Toyota Camry đời 2001 và 2009. Ngoài ra, nhà đất của sếp cũng rất nhiều, ở khu dân cư Minh Châu (phường 7) cũng có, khu đô thị 5A (phường 4) cũng có, chưa nói tới khu đất 6.500m2 mà sếp xây biệt thự bị dư luận phản ánh mấy ngày qua”.
Theo một nguồn tin riêng của PV, chiều ngày 25/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ có thông tin chính thức về việc ông Đặng Văn Ngọ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất đến báo chí. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm hơn nữa đó là việc tỉnh Sóc Trăng sẽ xử lý như thế nào về vụ này?
Bạch Dương (Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.