“Quan hệ” với trẻ dưới 13 tuổi phải truy tố về tội hiếp dâm
Các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang vừa kết thúc điều tra và ra cáo trạng lần hai vụ án "Sầm Đức Xương mua dâm học trò", theo luật sư có điểm gì mới so với lần trước?
|
Sầm Đức Xương (ngồi giữa) tại phiên tòa phúc thẩm. |
- So với kết luận điều tra và cáo trạng cũ không có gì thay đổi đối với ba bị cáo Xương - Thúy - Hằng. Nó vẫn tiếp tục thể hiện sự bao che và bỏ lọt tội phạm. Trước hết, tôi cho rằng, cháu Thúy và cháu Hằng không có tội.
Hầu như lời khai của các cháu trước đây đều thể hiện bị thầy giáo cưỡng ép phải phục vụ tình dục thầy cũng như các cá nhân khác; hoặc ép cháu A sang cháu B phải dẫn dắt bạn mình đi phục vụ tình dục cho các vị này…
Do đó, nếu truy tố cháu Thúy, cháu Hằng thì các cháu khác cũng phải bị truy tố. Nhưng trong cáo trạng và kết luận điều tra lại phân tích đối với các cháu khác là: Hành vi đó vi phạm khi còn nhỏ tuổi, chỉ cần giáo dục là đủ, không cần phải xử lý bằng hình sự. Cháu Thúy và cháu Hằng có khác gì như thế. Điều đó thể hiện sự thiếu bình đẳng trước pháp luật.
Luật sư nghĩ sao khi có một số cháu đang ở độ tuổi 13 là nạn nhân trong vụ án này?
- Đối với ông Sầm Đức Xương bị truy tố về tội mua dâm trẻ vị thành niên cũng chưa đúng bởi các lý do: Lời khai của các cháu là đều bị cưỡng ép. Như vậy, đó là dấu hiệu của tội cưỡng dâm. Có một số cháu ở độ tuổi 13, cần phải điều tra rõ về năm sinh của các cháu. Nếu dưới 13 tuổi, phải truy tố về tội hiếp dâm.
Trong khi ông Xương bị truy tố về tội mua dâm, 16 cá nhân khác bị tố cáo mua dâm cũng bị như vậy, đều do lời khai của các cháu. Ông Xương cũng không thừa nhận việc quan hệ với các cháu, thế thì tại sao ông Xương bị truy tố mà 16 người khác không bị truy tố? Nếu các vị này không có các hành vi đó thì cần phải khởi tố thêm các cháu về tội vu khống.
Tiếp tục bào chữa miễn phí
Căn cứ trên hồ sơ vụ án và chứng cứ tại hồ sơ, nếu xử đúng thì phải tiếp tục hủy án để trả hồ sơ điều tra lại từ đầu. Đồng thời phải thả ngay cháu Thúy và cháu Hằng. Cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện KSND Tối cao phải vào cuộc. Có như vậy, chúng ta có đau thì đau một lần, và đưa lại niềm tin yêu của nhân dân với Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Luật sư Trần Đình Triển
Việc hai bị cáo Hằng và Thuý viết giấy từ chối luật sư vừa qua, liệu đây có phải điều bất thường?
- Sau khi kết thúc điều tra lần hai, các cháu cũng chưa được gặp gia đình, chỉ một lần Viện Kiểm sát cho phép. Chị Nguyễn Thị Thơm - mẹ cháu Thúy cho biết, cháu rất gầy yếu và bị nhiều bệnh. Cháu kêu lên với mẹ mình: "Mẹ ơi, trong này con khổ lắm!".
Chị Thơm có hỏi cháu, tại sao lại viết đơn từ chối luật sư, cháu Thúy trả lời: "Mẹ không biết gì cả. Con không viết thì con có sống nổi để về với mẹ hay không! Ra tòa, con sẽ xin mời bác Triển làm luật sư cho con!".
Sau lần gặp đó, chị Thơm xin vào gặp cháu nhưng không được Viện Kiểm sát và Tòa án cho phép. Việc các cháu viết giấy từ chối luật sư là không bình thường, vì tại phiên toà sơ thẩm trước, các cháu khai rằng cơ quan điều tra ép bắt viết (?).
Ngày 24-12-2010, chị Thơm từ Hà Giang về Hà Nội gặp tôi, mời tôi làm luật sư cho cháu tại phiên tòa sơ thẩm lần này. Tôi đã làm đầy đủ thủ tục. Ngày 27-12, Tòa án đã nhận được đầy đủ hồ sơ tôi nộp để bảo vệ cho cháu Thúy. Lần này, Văn phòng luật sư Vì Dân tiếp tục miễn phí 100%.
Xin cảm ơn luật sư!
Thắng Quang (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.