Nhận chứng chỉ xịn
Sau buổi thi hết sức bát nháo mà PV NTNN/Dân Việt tham dự vào cuối tháng 4 tại Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên quận Hải An, đúng 10 ngày sau, PV cùng nhiều thí sinh khác dự thi hôm đó được gọi đến Trung tâm để nhận 2 tấm chứng chỉ.
Tại phòng phát chứng chỉ, các cán bộ của Trung tâm bận rộn với hàng trăm tấm bằng chứng chỉ, đóng dấu và trả cho thí sinh.
Các thí sinh đến Trung tâm để tham gia buổi thi lấy chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Ảnh: N.Đ
Theo quan sát của PV, đa phần đều đạt loại Khá, giống như tấm bằng chúng tôi cầm trên tay. Chứng chỉ do Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên quận Hải An ký cấp, góc trên bên trái có dán tem kiểm định của Bộ GDĐT.
Trong lúc lấy chứng chỉ, tôi tình cờ gặp lại vị giám thị đã đọc đáp án cho chúng tôi chép. Vị giám thị tên là N.H, hiện đang là giáo viên của Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên quận Hải An.
"Người cần chứng chỉ là những người đang chuẩn bị được bổ nhiệm làm lãnh đạo, chuẩn bị xét nâng bậc lương và hay xét thi tuyển viên chức nhà nước. Trường chị đã tổ chức hàng chục đợt thi như vừa qua, cấp chứng chỉ cho hàng nghìn người, trong số đó hầu hết là giáo viên ở các huyện ngoại thành, tất cả đều được cấp chứng chỉ hết”.
Cô N.H
|
Vẫn hy vọng tôi sẽ móc nối để có thêm nhiều khách hàng, cô N.H rất vồn vã: “Nếu em giới thiệu thí sinh cho chị, sẽ có cơ chế riêng cho em (?!)”.
Cơ chế riêng của cô N.H là các thí sinh do tôi dẫn đến sẽ không cần phải nộp CMND và ảnh. Giá của mỗi cặp chứng chỉ vẫn là 600.000 đồng, với mỗi cặp chứng chỉ như thế, tôi sẽ được trích lại 10%, tức là 60.000 đồng.
Cô N.H còn cho biết chế độ khá mở: Thí sinh nào không có thời gian đi thi mà vẫn muốn có chứng chỉ thì nộp 1 triệu đồng cho một cặp chứng chỉ. Khi đó, tôi sẽ được hưởng 100.000 đồng.
Thấy tôi vẫn phân vân, cô N.H bồi thêm: “Người cần chứng chỉ là những người đang chuẩn bị được bổ nhiệm làm lãnh đạo, chuẩn bị xét nâng bậc lương và hay xét thi tuyển viên chức nhà nước. Trường chị đã tổ chức hàng chục đợt thi như vừa qua, cấp chứng chỉ cho hàng nghìn người, trong số đó hầu hết là giáo viên ở các huyện ngoại thành, tất cả đều được cấp chứng chỉ hết”.
“Quả bóng trách nhiệm” đá đi đá lại
Cũng theo cô N.H, về quy trình cấp chứng chỉ, trước hết Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên phải xin phép Sở GDĐT Hải Phòng cho phép tổ chức kỳ thi. Sau khi thi xong Trung tâm phải có quyết định xin phôi chứng chỉ từ Sở, Sở sẽ giới thiệu Trung tâm lên Bộ để lấy phôi bằng về.
“Trong quá trình thi đều có đoàn kiểm tra của Sở GDĐT Hải Phòng”, cô N.H khẳng định - “Nhưng hôm em thi có thấy ai kiểm tra gì đâu?” – tôi buột miệng, may mà cô N.H không nghi ngờ gì: “Kỳ thi nào cũng có đoàn thanh tra của Sở đến kiểm tra. Nhưng họ chỉ đếm lượng thí sinh dự thi, còn lại các khoản khác Hội đồng thi đã lo hết với đoàn kiểm tra rồi”(?).
Theo giải thích của Phòng GDĐT quận Hải An : Về mặt quản lý nhà nước thì Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên quận Hải An chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND quận Hải An. Còn về chuyên môn và nghiệp vụ, Trung tâm lại do Sở GDĐT và Sở LĐTBXH Hải Phòng quản lý. Việc thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh, tin học đều do Sở kiểm tra. Phòng GDĐT quận Hải An không tham gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.