Vụ "thi thể lìa đầu" ở quận 7: Nếu nghi phạm bị tâm thần có bị xử lý hình sự?

Đình Việt Thứ ba, ngày 28/09/2021 11:03 AM (GMT+7)
Các chuyên gia pháp lý đã có những phân tích xung quanh vụ "thi thể lìa đầu" ở quận 7 (TP HCM) đang gây xôn xao dư luận mấy ngày hôm nay.
Bình luận 0

Liên quan vụ "thi thể lìa đầu" ở quận 7 (TP HCM), cơ quan công an cho biết đã có lời khai ban đầu của nghi phạm Trần Huy (34 tuổi, quê quán ở Lâm Đồng, chỗ ở tại đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7).

Tại cơ quan công an, Huy khai nhận là hàng xóm của ông V., trước đó không có mâu thuẫn gì, chỉ lời qua tiếng lại rồi ra tay sát hại ông V. Bản thân Huy hiện đang rất hoang mang và chưa trấn tĩnh vì hành động của mình.

Vụ "thi thể lìa đầu" ở quận 7: Nếu nghi phạm bị tâm thần có bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Nghi phạm Trần Huy tại cơ quan công an. Ảnh công an cung cấp.

Thông tin ban đầu, Huy khai dùng dao lê đâm nhiều nhát vào cổ, vào ngực khiến ông V. gục xuống rồi mới cắt lìa đầu nạn nhân.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là hành vi giết người rất man rợ, gây kinh hãi cho nhiều người. Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về Tội giết người theo điều 123 để làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ hành vi.

Theo vị luật sư, pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe của công dân, hành vi xâm phạm trái phép đến tính mạng của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm sẽ bị xem xét xử lý về Tội giết người theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.

Hiện nay cơ quan điều tra đã bắt giữ được nghi phạm, và rất nhiều khả năng là nghi phạm này là người nghiện ma túy, thực hiện hành vi phạm tội trong thời điểm bị ảo giác, gọi là ngáo đá

Cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ tại thời điểm thực hiện hành vi, đối tượng này nhận thức như thế nào, nguyên nhân nào dẫn đến sự việc, giữa hai bên có mâu thuẫn, thù oán gì nhau hay không, hành vi giết người diễn ra như thế nào.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng gây án là người sử dụng trái phép chất ma túy, vì sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

"Bộ luật hình sự năm 2015 quy định người bị mất khả năng nhận thức do sử dụng rượu bia, chất kích thích hoặc chất cấm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi là nguy hiểm cho xã hội" – luật sư Cường thông tin.

Vụ "thi thể lìa đầu" ở quận 7: Nếu nghi phạm bị tâm thần có bị xử lý hình sự? - Ảnh 3.

Hiện trường nơi xảy ra án mạng. Ảnh: S.H

Trường hợp đối tượng âm tính với chất ma túy, rất có thể đối tượng có biểu hiện trầm cảm, bị tâm thần ở thể nhẹ dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức điều khiển hành vi, dễ bị kích động.

Bởi vậy, cơ quan điều tra có thể trưng cầu giám định tâm thần để xác định khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của đối tượng này để làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Trường hợp trước và trong thời điểm thực hiện hành vi giết người đối tượng này mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Cơ quan điều tra cần phải tiến hành giám định tâm thần để xác định mức độ nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của đối tượng này, đây là tình tiết có lợi cho bị can, bị cáo.

"Vụ việc này cần làm rõ nguyên nhân, làm rõ hành vi và khả năng nhận thức của đối tượng để làm rõ bản chất của vụ án, phục vụ cho công tác phòng ngừa tội phạm cũng như làm cơ sở để xác định tội danh và hình phạt cho chính xác, đảm bảo công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật" – vị luật sư nhấn mạnh.

Trước đó, như đã thông tin, vào khoảng 16 giờ 30 ngày 26/9, nghe tiếng la hét phát ra từ căn nhà tạm nuôi gà đá trong hẻm 645 đường Trần Xuân Soạn, người dân gần đó chạy đến phát hiện Trần Huy đã giết chết ông H.U.V., cắt lìa đầu ông V. rồi mang ra để trước cửa nhà xong đi bộ về nhà.

Theo cơ quan công an, trên đường đi, Huy đập phá cửa kiếng một số nhà dân gần đó rồi vào nhà khóa cửa lại. Nhận tin báo, lực lượng công an nhanh chóng có mặt, cô lập hiện trường. Phát hiện Huy vẫn đang cầm dao cố thủ trong nhà, lực lượng công an thuyết phục, vận động. Tuy nhiên, nghi phạm Huy ngoan cố không chấp hành.

Sau 30 phút, lực lượng công an đã khống chế, đưa nghi phạm về trụ sở Công an phường, mặt khác tiến hành khám nghiệm hiện trường, phục vụ công tác điều tra.

Hiện công an quận 7 đang hoàn tất hồ sơ ban đầu và bàn giao cho Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM tiếp tục xử lý.

Với trường hợp người mắc bệnh tâm thần phạm tội, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, người tâm thần có những hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác là một hiện tượng hết sức nguy hiểm cho xã hội.

Pháp luật hiện hành có quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tại khoản 2, Điều 49 của Bộ luật hình sự 2015 cũng quy định người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực trách nhiệm hình sự của người đó.

Trường hợp tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên của pháp luật, căn cứ vào vụ việc, cơ quan tố tụng cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với người thực hiện hành vi giết người. Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi giết người.

Thứ hai, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với những người tâm thần phạm tội họ có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận chỉ bị hạn chế năng lực hành vi thì vẫn có thể bị truy cứu.

Trong trường hợp Hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định họ bị mất năng lực hành vi thì họ sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, người tâm thần (thông qua người đại diện hợp pháp) vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho gia đình các nạn nhân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem