Ngày 2.8, trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Trần Thị Chi (con gái út của ông Trần Văn Vót) cho biết, hôm qua chị vừa đến Trại giam Nam Hà của Tổng cục VIII, Bộ Công an (hay còn gọi trại giam Ba Sao) ở huyện Kim Bảng, Hà Nam để thăm bố.
"Bố tôi trông rất tiều tụy, đi liêu xiêu, mắt mờ, tai điếc một bên, da thì xám ngắt lại, chân tay run lẩy bẩy thấy rất tội", chị Chi nghẹn ngào nói.
Ông Trần Văn Vót nói chuyện với gia đình (ảnh gia đình cung cấp).
Theo chị Chi, đầu năm 2016, chị và gia đình đến trại giam thăm thấy người cha vẫn bình thường, chỉ mấy tháng sau, đến đầu tháng 5.2016, vào thăm thấy người cha sọp đi hẳn.
"Trông ông rất tiều tụy, tôi mới đi tìm bác sĩ ở trong trại giam để hỏi thì được biết bố mình bị bệnh lao kháng thuốc từ cách đây khoảng 3 - 4 năm. Năm nào bố tôi cũng điều trị nhưng mỗi lần gia đình vào thăm ông đều giấu. Tôi gặng hỏi tại sao đợt này bố xuống sức nhanh thế, ông mới nói là do suy nghĩ nhiều và cảm thấy thất vọng. Sau nhiều năm kêu oan, được báo chí vào cuộc, giữa năm 2015 các vị lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ (ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Tấn Dũng - PV) đều có chỉ đạo các cơ quan tố tụng T.Ư nhanh chóng làm rõ vụ án có dấu hiệu oan sai của bố tôi, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả", chị Chi cho biết.
Cũng theo chị Chi, được sự gợi ý của cán bộ trại giam, chị đã làm đơn xin cho bố được tạm hoãn thi hành án để về gia đình điều trị (vì đã thi hành án 23 năm), tuy nhiên bố chị đã không đồng ý.
"Bố tôi bảo, cơ quan bảo vệ pháp luật đã tuyên ông có tội, ông khẳng định không phạm tội và liên tục kêu oan. Chỉ có khi nào cơ quan bảo vệ pháp luật kết luận ông không phạm tội và trả tự do thì ông mới rời trại giam, còn ông không xin. Bố tôi kiên quyết như vậy khiến gia đình rất lo lắng, bệnh lao kháng thuốc của ông ngày càng nặng nếu không được ra ngoài để điều trị thuốc thang kịp thời, sợ ông chẳng còn đủ sức để chờ đến ngày được minh oan", chị Chi nói trong sự lo lắng.
Như Dân Việt đã thông tin, vào giữa năm 2015, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã có kiến chỉ đạo yêu cầu TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao xem xét, làm rõ vụ án có dấu hiệu oan sai của ông Trần Văn Vót. Vào cuối tháng 4.2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị liên ngành xem xét, cho xác minh các vấn đề liên quan đến vụ án trên. Nếu thực sự có oan sai thì phải giám đốc thẩm lại vụ án để giải oan cho người vô tội. Mới đây, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội đã cho biết, 6 tháng trước, đoàn công tác liên ngành cũng đã được thành lập để xem xét lại vụ án và sẽ có kết luận trong thời gian sớm nhất.
Vụ án Trần Văn Vót (67 tuổi) xảy ra cách đây hơn 20 năm, bắt nguồn từ mâu thuẫn đất đai giữa 2 làng Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) dẫn tới vụ ném lựu đạn diễn ra vào ngày 29.11.1992 khiến anh Trần Văn Việt tử vong và 21 người dân khác bị thương. Cơ quan điều tra xác định ông Vót là người tàng trữ quả lựu đạn và đưa cho Trần Ngọc Thanh, để Thanh ném khiến 1 người chết, 21 người bị thương.
Sau đó ông Vót bị truy tố về 4 tội: Giết người, Tàng trữ trái phép vũ khí, Phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội và Gây rối trật tự công cộng. Còn Trần Ngọc Thanh bị truy tố về hành vi Giết người.
Tháng 2.1994, ông Vót bị TAND tỉnh Nam Hà đưa ra xét xử và tuyên phạt tù chung thân vì 4 tội trên, còn ông Thanh bị tuyên 15 năm tù về tội giết người. Hai bị cáo kháng án.
Tháng 8.1994, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm vụ án trên và tuyên y án sơ thẩm.
Cho rằng bị kết án oan, bị cáo và gia đình liên tục kêu oan. Trong vụ án này, điều lạ lùng là chính bố của bị hại Trần Văn Việt - cụ Trần Anh Điền (82 tuổi, ở xã Phú Phúc) cũng liên tục kêu oan cho hai ông Vót và Thanh suốt hơn 20 năm qua. Chứng cứ mà cụ Điền đưa ra là Thanh không có mặt ở hiện trường thời điểm xảy ra vụ án. 4 công an huyện Lý Nhân có mặt ở hiện trường đã nhìn rõ lựu đạn được ném từ phía người dân Thanh Nga sang phía người dân Nhân Phúc.
Ông Trần Văn Vót là người đã có 18 năm quân ngũ, được tặng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì; Huân chương chống Mỹ do Nhà nước Lào trao tặng. Khi rời quân ngũ, Trần Văn Vót là bệnh binh mất 71% sức khỏe.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.