Vụ trẻ mầm non bị giáo viên tát, kéo lê ra khỏi lớp ở Ninh Bình: "Hành vi quyết liệt và tàn nhẫn"

Tào Nga Thứ bảy, ngày 15/07/2023 16:35 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, không chỉ phụ huynh của cháu bé bị giáo viên tát, kéo lê ra khỏi lớp ở Ninh Bình mà bất kỳ phụ huynh nào khi xem clip cũng cảm thấy bất bình, bức xúc về hành vi bạo hành của cô giáo này.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ "Trẻ mầm non ở Ninh Bình bị giáo viên tát, kéo lê xềnh xệch ra khỏi lớp", mới đây cô giáo Lê Thị Phượng, giáo viên Trường mầm non Đông Sơn đã bị tạm đình chỉ giảng dạy theo quy định để phục vụ việc điều tra, xác minh của cơ quan chức năng. Cô Phượng gây bức xúc dư luận khi được phân công giảng dạy lớp 4-5 tuổi nhưng cô này đã sang lớp 3-4 tuổi tát vào mặt, kéo lê cháu gái Đ.T.B.T (sinh năm 2019) ra khỏi lớp.

Giáo viên tát, kéo lê xềnh xệch học sinh ra khỏi lớp là không chấp nhận được

TS. LS. Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: Hành vi của cô giáo tát, kéo lê học sinh mầm non thể hiện qua clip cho thấy đây là hành vi bạo hành trẻ em, có thể dẫn đến thương tích cho trẻ em, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của trẻ em, gây phẫn nộ, bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy việc cơ sở giáo dục này tạm đình chỉ công tác và cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết và có căn cứ. Trong trường hợp cháu bé có thương tích hoặc hành vi diễn ra nhiều lần thì có thể khởi tố vụ án hình sự".

Vụ trẻ mầm non bị giáo viên tát, kéo lê ra khỏi lớp ở Ninh Bình: "Hành vi quyết liệt và tàn nhẫn" - Ảnh 1.

Cô Lê Thị PHượng giáo viên Trường mầm non Đông Sơn tát, kéo lê cháu Đ.T.B.T ra khỏi lớp. Ảnh: Cắt từ clip

TS Cường chia sẻ thêm: "Không chỉ phụ huynh của cháu bé mà bất kỳ phụ huynh nào khi xem clip cũng cảm thấy bất bình, bức xúc, sốc về hành vi bạo hành của cô giáo này. Hành vi rất quyết liệt, tàn nhẫn, thể hiện thái độ coi thường sức khỏe của học sinh. Với những cú tát vào mặt, đá, kéo lê như vậy thì hoàn toàn có thể gây ra thương tích cho cháu bé còn quá nhỏ tuổi, chưa có khả năng tự vệ.

Hành vi là có tính chất côn đồ, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp nên cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích đối với cháu bé. Nếu có thương tích thì dù chỉ 1% cũng có thể khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự bởi hành vi là có tính chất côn đồ và phạm tội với người dưới 16 tuổi.

Nếu trường hợp không đủ căn cứ để xử lý về tội cố ý gây thương tích nhưng hành vi được xác định là "đối xử tàn ác" hoặc "làm nhục" với học sinh thì người này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định tại điều 140 bộ luật hình sự, hình phạt có thể tới 3 năm tù.

"Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nữ giáo viên này có bằng cấp chứng chỉ phù hợp hay không, nếu có bằng cấp chứng chỉ thì tại sao lại có những hành xử côn đồ, coi thường pháp luật như vậy. Kể cả trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự thì cũng cần áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc. Hoạt động giáo dục đòi hỏi giáo viên phải là người yêu trẻ, yêu nghề, có kỹ năng nghiệp vụ tốt để tiếp xúc, lan tỏa tình yêu thương và biết cách để truyền đạt kiến thức, kỹ năng, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. 

Với những giáo viên thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, không đủ phẩm chất đạo đức để làm nghề cao quý này thì cần phải được phát hiện kịp thời và sớm loại bỏ khỏi môi trường giáo dục để đảm bảo an toàn cho học sinh", TS Cường nhấn mạnh.

Làm thế nào để tránh cho con khỏi bị bạo lực?

TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đưa con đi học, ai cũng rất lo lắng con bị bạo hành. Cha mẹ hãy quan sát, nếu con đột ngột khóc, hờn, nôn ói... mà không hề ốm đau thì phải lập tức đặt câu hỏi. Nếu 2, 3 ngày con đi học, cứ đến trường nhìn thấy ai đó mà khóc thét lên thì phải chuyển trường cho con. 

"Nhiều khi, người giữ trẻ đánh không để lại dấu vết trên cơ thể mà bố mẹ phải thật tinh ý mới biết được. Khi con về nhà, cha mẹ liên tục hỏi han con về trường lớp. Không đặt câu hỏi kiểu: Hôm nay con học gì? Mà hỏi: Ngày xưa bố/mẹ đi học vui lắm, cô giáo thường cho ăn bánh này, cho ăn kẹo này, cho hát này.... Lập tức trẻ sẽ buôn về lớp học nếu nó đủ khả năng ngôn ngữ để trả lời.

Vụ trẻ mầm non bị giáo viên tát, kéo lê ra khỏi lớp ở Ninh Bình: "Hành vi quyết liệt và tàn nhẫn" - Ảnh 2.

Một học sinh khóc trong ngày khai giảng. Ảnh minh họa: Tào Nga

Cha mẹ hãy quan tâm hỏi han con thật nhiều khi đón con. Hỏi cô xem con ăn gì, chơi gì, vui không? Càng tỏ ra quan tâm con bao nhiêu, người giữ trẻ càng phải để ý và cẩn trọng bấy nhiêu. Khi con có vết bầm hay gì đó ở người, bố mẹ đừng làm toáng lên. Hãy im lặng điều tra. Nếu có dấu hiệu rõ hơn thì hãy xử lý.

Bên cạnh đó, TS Thu Hương cũng cho hay, ở Việt Nam, lớp học quá đông, kỹ năng chăm sóc trẻ của nhiều cô còn kém. Vì thế, các con cần được học kỹ năng sống cơ bản trước khi đến trường.

Trước khi học mầm non, trẻ cần phải biết một số kỹ năng cơ bản như tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, biết gọi cô giáo khi có chuyện bất ổn.

Ngoài ra, con cần có những kỹ năng tự vệ đơn giản như không cho ai động vào vùng kín của mình, không nhận quà của người lạ, không chạy ra đường, biết mách cha mẹ khi có ai làm con hoảng sợ.

Khi mới đi học lớp mầm non, con còn quá nhỏ để biết làm thế nào không bị cô giáo đánh. Nếu cha mẹ nói có những cô giáo bạo hành, bé sẽ rất sợ đi lớp. Vì vậy, cha mẹ cần lắng nghe và quan sát thái độ của con khi lần đầu gặp mặt cô giáo.

Có những cô mà trẻ yêu quý, nghĩa là những người rất yêu thương con. Con đã nhận được tín hiệu tình yêu từ họ. Với những người mà con mới nhìn thấy đã khóc thét, có thể giáo viên đó bạo hành trẻ.

Khi về nhà, cha mẹ nên theo dõi hay giám sát để biết cô giáo có bạo hành con hay không bằng cách chơi trò tập kịch hàng ngày. Cha mẹ đóng vai học sinh, con đóng vai cô giáo. Lúc đó, con diễn lại mọi việc xảy ra trong ngày cho bố mẹ xem mà không cần phải hỏi han gì"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem