Liên quan tới vụ xe ô tô Lexus BKS 29A-742xx gây tai nạn liên hoàn trên phố Trích Sài, thuộc địa phận phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội), Đội CSGT số 2 – Công an TP. Hà Nội đã bàn giao hồ sơ vụ việc cho Đội điều tra TNGT – Công an quận Tây Hồ thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Theo cảnh sát, thời điểm khoảng 18h ngày 18.12, chiếc Lexus BSK 29A-742xx lưu thông trên phố Trích Sài. Tới trước nhà số 81, bất ngờ va chạm liên tiếp với 4 xe máy và một ô tô biển xanh di chuyển cùng chiều.
Hiện trường vụ tai nạn.
Sau đó, xế sang này tiếp tục mất kiểm soát tốc độ, va chạm liên tiếp với 3 xe máy và một taxi khác trước khi dừng lại. Sự cố khiến 6 người bị thương được đưa vào viện cấp cứu, trong đó có một học sinh bị cuốn vào gầm ô tô nặng nhất.
Tài xế điều khiển ô tô Lexus được xác định là Nguyễn Thu Trang (SN 1989, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, nữ tài xế vi phạm 0.7ml/1l khí thở. Vụ việc không có thương vong về người.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) đánh giá, dù vụ việc chưa gây tử vong cho người khác nhưng có thể thấy hành vi của nữ tài xế xe Lexus khi tham gia giao thông đã sử dụng rượu bia với nồng độ cồn trên 0,7 miligam/1 lít khí thở là vô cùng nghiêm trọng. Điều này, được quy định rõ trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Việc nữ tài xế xe Lexus uống rượu bia sẽ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong vụ việc. Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý nữ xế thì cơ quan chức năng cần phải dựa vào kết quả điều tra và giám định tỷ lệ thương tích các nạn nhân (nếu các nạn nhân có đề nghị), tổn hại về tài sản.
Hành vi của tài xế nếu bị xử lý sẽ tương ứng với Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Nghị định 46, người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng. Người vi phạm còn bị tước bằng lái 4 - 6 tháng.
Ngoài ra, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Cụ thể điều luật này quy định:
Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Nếu không có giấy phép lái xe theo quy định; lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác hoặc bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Tuy nhiên, cũng theo luật sư Thơm, vụ việc này sẽ khó khởi tố vì không có nạn nhân tử vong. Ngoài ra, nếu lái xe thỏa thuận bồi thường, nạn nhân không yêu cầu giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe thì CQĐT cũng không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 BLHS.
Nhưng với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, nữ tài xế vẫn bị phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng. Người vi phạm còn bị tước bằng lái 4 - 6 tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.