Vụ xe tải ép ngã xe máy trên đường Nguyễn Xiển: Nạn nhân bị tạm giữ phương tiện bao lâu?

Quang Trung - Nguyễn Đức Thứ ba, ngày 09/01/2024 13:21 PM (GMT+7)
Các chuyên gia pháp lý cho biết, hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể thời hạn tạm giữ phương tiện liên quan vụ tai nạn giao thông là bao lâu.
Bình luận 0

Nạn nhân vụ xe tải ép ngã trên đường Nguyễn Xiển vẫn bị tạm giữ phương tiện mưu sinh

Như Dân Việt đã thông tin, sau 20 ngày bị xe tải chèn ép ngã trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Trì, Hà Nội), đến nay, phương tiện của anh Hoàng Minh Hiếu - nạn nhân trong vụ việc vẫn bị tạm giữ.

Vụ xe tải ép ngã xe máy trên đường Nguyễn Xiển: Nạn nhân bị tạm giữ phương tiện bao lâu?- Ảnh 1.

Hình ảnh vụ va cạm giao thông xảy ra tại đường Nguyễn Xiển. Ảnh cắt ra từ clip.

Nạn nhân không có phương tiện mưu sinh, cuộc sống đảo lộn, phải đi vay tiền người thân sống qua ngày.

Trước đó, trên mạng xã hội chia sẻ clip một lái xe grab chở khách lưu thông trên đường Nguyễn Xiển đã bị xe tải chèn ép, hất ngã ra đường. Sau vụ việc, lái xe tải bỏ chạy, còn lái xe grab và hành khách bị thương.

Nạn nhân lái xe máy chở khách là anh Hoàng Mạnh Hiếu (25 tuổi, Yên Bái). Sau khi xảy ra vụ việc, anh Hiếu đã đến trình báo cơ quan Công an và phương tiện bị tạm giữ để xác minh, điều tra.

Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được xác minh làm rõ, phương tiện bị tạm giữ quá lâu, khiến anh không có phương tiện để hành nghề, không có thu nhập.

Nói với PV Dân Việt sáng 8/1/2024, anh Hiếu xác nhận, đến thời điểm hiện tại anh vẫn chưa nhận lại được chiếc xe máy.

Trong khi đó, lãnh đạo Đội CSGT số 7 xác nhận có vụ việc va chạm giao thông nêu trên và cho biết, hiện Công an huyện Thanh Trì đang thụ lý xác minh.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Lã Văn Tuyên - Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì cho biết, công an huyện Thanh Trì đã tiếp nhận thông tin từ phóng viên, sẽ cho cán bộ kiểm tra lại và thông tin cụ thể sau.

Nạn nhân bị tạm giữ phương tiện bao lâu?

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, theo quy định pháp luật, phương tiện của nạn trong vụ tai nạn giao thông bị tạm giữ trong bao lâu?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm.

Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm, cơ quan đang thụ lý, giải quyết có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 2 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp sắp hết thời gian sau khi gia hạn lần thứ nhất nhưng chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh, chậm nhất 5 ngày trước khi hết thời hạn, cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải có văn bản đề nghị viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị nêu trên, viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền phải xem xét, quyết định.

Trường hợp đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là có căn cứ, viện trưởng hoặc phó viện trưởng viện kiểm sát (được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công) ra quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh; thời hạn gia hạn kiểm tra, xác minh là không quá 2 tháng kể từ ngày hết thời hạn lần thứ nhất.

Như vậy thời gian tối đa giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tối đa không quá 4 tháng.

Trong khi đó, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong quá trình xác minh tin báo, cơ quan điều tra có quyền tạm giữ phương tiện, đồ vật, tài liệu để kiểm tra xác minh.

Tuy nhiên, hiện pháp luật chưa quy định cụ thể về từng trường hợp thời gian tạm giữ phương tiện, tài liệu, đồ vật để phục vụ cho công tác kiểm tra, xác minh. Thời hạn tạm giữ phương tiện phụ thuộc vào thời hạn điều tra xác minh theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn này, các tài liệu đồ vật có liên quan đến vụ việc sẽ bị tạm giữ để phục vụ quá trình điều tra xác minh.

Khi thực hiện xong thủ tục xem xét dấu vết, giám định, định giá đối với phương tiện giao thông mà xét thấy không cần thiết phải giữ lại, cơ quan điều tra có thể trả lại cho chủ phương tiện.

Vị chuyên gia cho rằng, hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể thời hạn tạm giữ phương tiện liên quan vụ tai nạn giao thông là bao lâu, nên trong vụ việc liên quan anh Hiếu, cơ quan tố tụng có thể linh động trả lại phương tiện cho nạn nhân.

Ngoài ra luật sư Cường cho biết thêm, đối với nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, người bị hại trong các vụ việc tố cáo, tố giác cần lấy lại phương tiện để phục vụ cho cuộc sống, công việc có thể làm đơn đề nghị gửi cơ quan điều tra, viện kiểm sát để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thực tế hiện nay không ít trường hợp nạn nhân trong các vụ trộm cắp, tai nạn giao thông, cướp tài sản... phát hiện bắt giữ đối tượng và nộp phương tiện giao thông (tài sản là vật chứng) cho cơ quan điều tra để xem xét giải quyết bị giữ lại khá lâu, ảnh hưởng đến đời sống công việc và quyền lợi của người bị hại.

Bởi vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải lưu ý đối với từng hoàn cảnh, từng trường hợp để xem xét xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật, đảm bảo vụ việc được giải quyết khách quan, công bằng, đúng pháp luật nhưng cũng đảm bảo quyền lợi của các đương sự trong vụ án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem