Vụ xét xử Phan Văn Vĩnh và đồng phạm: VKS kháng nghị bản án sơ thẩm

DV (tổng hợp) Thứ năm, ngày 20/12/2018 06:00 AM (GMT+7)
Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ - Đoàn Minh Hương cho biết: VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ của TAND tỉnh Phú Thọ. 
Bình luận 0

Liên quan đến vụ án đánh bạc nghìn tỷ vừa được TAND tỉnh Phú Thọ xét xử trong tháng 11.2018. Thông tin với phóng viên Báo BVPL tối 19.12, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ - Đoàn Minh Hương cho biết: VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Thọ. 

img

Các bị cáo cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Nguồn: BVPL

Theo đó, căn cứ để VKSND tỉnh Phú Thọ kháng nghị bản án trên là trong quá trình xét xử, VKS đã đề nghị một số tình tiết có lợi cho bị cáo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật của HĐXX đã không căn cứ vào đề nghị của VKS trong quá trình lượng hình.

Ông Hương đưa ví dụ: Một số bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thành khẩn khai báo và chủ động hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng; bên cạnh đó, những bị cáo này cũng đã chủ động khắc phục hậu quả từ hành vi phạm tội của mình (đã nộp lại phần tiền thắng bạc - PV). Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự 2015, thì những bị cáo này phải được xem xét giảm nhẹ mức hình phạt khi HĐXX lượng hình.

Trước đó, theo thông tin từ TAND tỉnh Phú Thọ, thời điểm hiện tại có 36 bị cáo có đơn kháng cáo. Các bị cáo này đều thuộc nhóm bị cáo phạm tội đánh bạc, được VKS đề nghị cho hưởng án treo nhưng HĐXX tuyên phạt án tù giam.

Cả 4 bị cáo đầu vụ là Phan Văn Vĩnh - cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 - Bộ Công an); Nguyễn Văn Dương - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CNC và Phan Sào Nam - nguyên Giám đốc VTC Online, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có đơn kháng cáo.

Đối với các bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam đã quá thời hạn nộp đơn kháng cáo theo quy định nên coi như các bị cáo này không kháng cáo. Riêng đối với trường hợp ông Phan Văn Vĩnh, do không có mặt tại buổi tuyên án sơ thẩm nên theo quy định, thời hiệu nộp đơn kháng cáo sẽ được tính từ thời điểm bản án được tống đạt. Và ông Vĩnh còn 1 ngày nữa để nộp đơn kháng cáo.

img

Bị cáo Phan Văn Vĩnh. 

Tuy nhiên, trước đó, nói với Pháp luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huyền Trang - luật sư bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh trong phiên sơ thẩm vừa qua của TAND tỉnh Phú Thọ - cho hay cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh đã quyết định không kháng cáo. Ngày 14.12, ông Vĩnh đã nộp đơn xin được thi hành án.

Như Dân Việt đã đưa tin: Theo bản án sơ thẩm tuyên ngày 30.11 của TAND Phú Thọ, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm tù, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù, cùng về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phải nhận mức án lần lượt 10, 5 năm tù về hai tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền. 88 bị cáo còn lại nhận hình phạt thấp nhất là 40 triệu đồng, cao nhất là 3 năm 6 tháng tù về các tội: Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản.

Chủ tọa đọc bản án với bị cáo Phan Văn Vĩnh, ngày 30.11. Nguồn: VNE

Bản án xác định, Dương biết lợi thế CNC là công ty bình phong của công an nên nhận hợp tác tổ chức đánh bạc trực tuyến với Nam. VTC Online của Nam có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ phần mềm cho game đánh bạc. Còn Dương chỉ đạo thuê tên miền, kết nối cổng thanh toán trung gian, chuẩn bị các tiền đề cần thiết để vận hành game. Khi bị phát hiện, Dương cùng Nam lại tổ chức game bằng tên gọi khác, thành lập công ty khác để phát hành.

Trong tiền thu về gần 10.000 tỷ đồng, Dương hưởng lợi 1.700 tỷ và hiện mới nộp lại khoảng 240 tỷ. "Vai trò quan trọng nhất trong vụ án này phải là Nguyễn Văn Dương", chủ tọa nhấn mạnh khi đọc bản án.

Để hợp thức tiền bẩn, Dương chỉ đạo cấp dưới góp vốn vào công ty riêng của mình, rồi rút tiền ra để hợp thức. Dương còn gửi tiết kiệm, mua bất động sản... Bác lập luận của luật sư về tội Rửa tiền truy tố với Dương, HĐXX cho rằng do hợp thức hóa "tiền bẩn" nên Dương phải chịu trách nhiệm hình sự. Dương cũng không chứng minh được nguồn tiền dùng góp vốn vào các công ty. Hành vi của Dương có đủ căn cứ kết tội: Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền, cần áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội có tổ chức".

HĐXX nhận định việc phát triển mạnh của game bài đã vượt quá dự định của Dương, Nam cùng các bị cáo song cũng có trách nhiệm của các cơ quan quản lý, có việc bao che của ông Vĩnh, Hóa. Vì vậy, với hai tội danh bị truy tố, Dương đều được hưởng khoan hồng, đặc biệt với tội Rửa tiền. Việc Viện KSND miễn trách nhiệm hình sự với tội Đưa hối lộ với bị cáo này là hợp lý.

Liên quan đến vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng Internet, Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) bị cáo buộc có vai trò cầm đầu, chỉ đạo cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh bạc.

Viện KSND tỉnh Phú Thọ cho rằng, dù Phan Văn Vĩnh có đầy đủ chức vụ, phương tiện nhưng lại không triển khai các biện pháp ngăn chặn, đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, vì thế để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội.

Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo Phan Văn Vĩnh không thành khẩn mà cho rằng bản thân chỉ gián tiếp thực hiện hành vi phạm tội, cho rằng mình không lợi dụng chức vụ quyền hạn mà chỉ là thiếu trách nhiệm. Do vậy, bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo mà chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ là ăn năn hối cải theo khoản 2 của Điều 51.

Cụ thể, ngày 23.11, tại TAND tỉnh Phú Thọ, Phan Văn Vĩnh - nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát được chủ tọa cho phép tự bào chữa. Ông Vĩnh bị cáo buộc đã chỉ đạo và cùng bị cáo Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) bao che hoạt động tổ chức đánh bạc của các Cty CNC và VTC online, giúp các Công ty này thu về gần 10.000 tỷ đồng.

Trước bục khai báo, Phan Văn Vĩnh khẳng định từ khi nhận cáo trạng đến phiên tòa công khai hiện nay, bị cáo đã luôn nhận tội.

Nói về hoàn cảnh phạm tội, bị cáo Vĩnh cho rằng việc xác nhận CNC là Công ty bình phong của C50 và tạo điều kiện cho công ty này tổ chức đánh bạc vì: “Về mặt hình thức là phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, nhưng cái quan trọng hơn là đề xuất xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia... Việc xây dựng trung tâm phòng thủ quốc gia dù không có tiền nhưng Bộ Công an có chủ trương”. Ông Vĩnh khẳng định rất hối hận khi ban hành quyết định số 1155 cho phép CNC thí điểm xây dựng các cổng game.

Cũng tại phiên tòa này, bị cáo Vĩnh thừa nhận: “Ở chỗ này, tôi đã xác định mình làm trái công vụ, vượt quá quyền hạn. Đây là lỗi hết sức nghiêm trọng dẫn đến Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương thực hiện được hành vi của mình gây hậu quả vụ án hết sức nghiêm trọng... thực sự là hết sức đau xót”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem