Vụ xử ông Đinh La Thăng: Không phải danh vọng, đây mới là mất mát lớn nhất

Lương Kết Thứ bảy, ngày 20/01/2018 14:07 PM (GMT+7)
Trong lời nói sau cùng của ông Đinh La Thăng và các bị cáo trước tòa, không một ai nhắc tới danh vọng, tiền tài. Nước mắt, lời nghẹn ngào của nhiều bị cáo đều chung nỗi đau khi nhắc đến hai chữ "gia đình".
Bình luận 0

img

Ông Đinh La Thăng đã nghẹn giọng khi nhắc tới gia đình. (Ảnh: TTXVN)

Ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không phải là bị cáo đầu tiên nói về gia đình trong phiên xử ông và các đồng phạm. Ông chỉ nhắc nhiều đến gia đình khi nói lời sau cùng trước khi tòa nghỉ nghị án. Người đã từng là cán bộ cấp cao trong nhiều năm này sau khi nói về những điều mong ước, những khát vọng đã chốt lại một cách nhẹ nhàng “tất cả đã khép lại”.

Nhưng khi nói về gia đình, ông Thăng đã nghẹn giọng. Ông bảo, khi bị Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật (cảnh cáo, cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị vào tháng 5.2017 - PV), con gái ông nói: "Thôi bố ạ Tết này bố được ở nhà". “Nay ước mơ nhỏ nhoi đó bị cáo cũng không có cơ hội thực hiện. Tết này không phải đi công trường nữa nhưng phải vào tù” - ông Thăng nói.

Ông Thăng cũng nhắc đến chuyện hai cháu của ông còn nhỏ không biết nên đến nay vẫn hỏi sao ông ngoại đi công tác lâu về thế. Rồi chuyện người cha 87 tuổi vừa vào bệnh viện cấp cứu. Ông đã xin được thay đổi biện pháp ngăn chặn (tại ngoại) để trở chăm sóc bố và ăn cái Tết cuối cùng bên gia đình.

Còn bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) nói lời ân hận bởi không còn cơ hội để được chăm sóc bố mẹ già nữa. Nghĩ nhiều về gia đình nên bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn nói ra một mong muốn mà ai cũng cho là ảo tưởng, đó là xin được ra nước ngoài chăm sóc vợ con.

Bị cáo Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC thốt lên, với mức án 18 - 19 năm như Viện Kiểm sát đề nghị thì chắc bị cáo không có cơ hội phụng dưỡng, báo hiếu bố mẹ già. Đau xót hơn, khi bị cáo cải tạo về bị cáo sợ hai con không thể nhận ra bố. Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến, Trương Quốc Dũng (cùng nguyên Phó Tổng giám đốc PVC) và Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng PVC đều khóc khi nhắc đến gia đình.

Trong vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm, có người từng là cán bộ cấp cao, người là đại biểu Quốc hội (ông Thăng và Nguyễn Quốc Khánh đang bị tạm đình chỉ đại biểu Quốc hội), nhiều người từng là cán bộ lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước. Nhiều người vướng vào lao lý giữa lúc đang đà phát triển, đang ở “độ chín” để phấn đấu trên con đường công danh. Khi vướng vào lao lý cũng đồng nghĩa họ mất tất cả những điều đó. Tuy nhiên không thấy một ai tỏ ra nuối tiếc, họ chỉ đau đớn, nuối tiếc khi “đánh rơi” gia đình. Chính ông Thăng đã nói, bị cáo vào trong tù rồi mới thấy giá trị lớn lao của gia đình, tình cảm của vợ con dành cho bị cáo, rất lớn lao, thiêng liêng.

Ai trong số họ cũng sợ trong những năm tháng trong lao tù sẽ không còn có cơ hội để phụng dưỡng cha già, mẹ yếu, không được chăm lo cho con cái, được san sẻ gánh nặng với vợ… nên họ đã khóc. Tòa chưa tuyên án, nhưng tất cả các bị cáo đều biểu lộ sự đau xót, nuối tiếc khi không giữ được giá trị thiêng liêng với hai chữ “gia đình”.

Tòa sẽ tuyên án bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm vào sáng 22.1.

Bị cáo Đinh La Thăng bị cáo buộc trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, với trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.

Sau đó, bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.

Với hành vi trên, bị cáo Đinh La Thăng bị Viện KS đề nghị mức án 14-15 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (SN 1966) - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị đề nghị mức án tù chung thân về tội Tham ô tài sản; 13-14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Phùng Đình Thực (SN 1954) - nguyên Tổng giám đốc PVN bị đề nghị mức án 12-13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN bị đề nghị mức án 10-11 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN bị đề nghị mức án 10-11 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Vũ Đức Thuận (SN 1971) - nguyên Tổng giám đốc PVC bị đề nghị mức án 18-19 năm tù về tội Tham ô tài sản; 7-9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đề nghị mức án các bị cáo: Ninh Văn Quỳnh 10-11 năm tù; Lê Đình Mậu 7-8 năm tù; Vũ Hồng Chương, Trần Văn Nguyên cùng 2-3 năm tù cho hưởng án treo; Nguyễn Ngọc Quý 8-9 năm tù; Nguyễn Mạnh Tiến 7-8 năm tù; Phạm Tiến Đạt 6-7 năm tù và Trương Quốc Dũng 17-18 tháng tù, cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đề nghị mức án các bị cáo: Nguyễn Anh Minh 18-19 năm tù; Bùi Mạnh Hiển, Lương Văn Hòa cùng 13-14 năm tù; Nguyễn Thành Quỳnh 8-9 năm tù; Lê Thị Anh Hoa 30-36 tháng tù cho hưởng án treo; Nguyễn Đức Hưng, Lê Xuân Khánh, Nguyễn Lý Hải cùng 30-36 tháng tù, cùng về tội Tham ô tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem