“Vua bánh mì” bị khán giả “soi sạn”, đòi đổi tên phim sau vài tập
“Vua bánh mì” bị khán giả nhiệt tình “soi sạn”, đòi đổi tên phim sau vài tập lên sóng
Minh Châu
Thứ sáu, ngày 02/10/2020 18:18 PM (GMT+7)
Sau nhiều ngày thắc mắc khi phim lấy chủ đề về bánh mì nhưng chỉ toàn đánh ghen, ngoại tình, khán giả đã được chứng kiến ông Đạt làm bánh mì. Thế nhưng, cảnh quay này lại khiến người xem hoang mang.
"Vua bánh mì" phiên bản Việt đang nhận được sự quan tâm của công chúng. Trước ngày phim chính thức lên sóng, khán giả vô cùng háo hức chờ đợi. Thế nhưng đến nay, họ lại tỏ ra thất vọng, hoang mang sau một thời gian "Vua bánh mì" lên sóng.
Cụ thể, tên phim là "Vua bánh mì" nhưng những tập đầu đều không nhắc gì đến bánh mì. Thay vào đó, phim xoay quanh các mối quan hệ, câu chuyện của một gia đình ba thế hệ. Nhiều tình tiết như "tiểu tam", đánh ghen xuất hiện, đẩy diễn biến phim lên cao. Từ đó, phim càng thu hút sự chú ý của công chúng.
Nhưng việc lạm dụng "drama" tình ái mà không đề cập đến chủ đề bánh mì khiến người xem cảm thấy chán nản. Một tài khoản để lại ý kiến: "Tên phim Vua bánh mì, xem đến tập 4-5 rồi vẫn không thấy làm bánh mì, toàn đánh lộn, đánh ghen, drama…". Một người khác lại tỏ ra khó chịu: "Thế tập mấy mới làm bánh mì?", "Bao giờ mới chịu làm bánh mì?", "Bộ phim đã đưa Tuesday lên một đẳng cấp mới"… Thậm chí, có người cho rằng phim nên đổi tên thành "Vua bánh đập".
Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng khán giả cũng được trông thấy những hình ảnh liên quan đến bánh mì. Nhưng chính cảnh quay này lại khiến khán giả một lần nữa rơi vào trạng thái hoang mang. Đó là cảnh ông Đạt (Cao Minh Đạt) bắt tay vào làm bánh mì. Đáng chú ý, ông lại có một số động tác như múa và tập dưỡng sinh.
Bên cạnh đó, khi nói về nguồn gốc của bánh mì, ông Đạt giới thiệu: "Hồi chú còn nhỏ, nhà mình từng khổ sở vì nạn đói. Xung quanh, ai cũng đói khổ. Một người bạn thân của chú đã chết sau thời gian dài suy nhược vì đói. Thiếu gạo, nên suốt bao nhiêu năm dân mình phải ăn độn. Cho nên chú bắt đầu nghĩ tới việc làm bánh. Hồi đó, ổ bánh mì cứu đói phải làm sao để dân mình không còn đói nữa. Nhưng hết chiến tranh rồi, ổ bánh không còn để cứu đói nữa mà là để thưởng thức".
Một số khán giả khẳng định lời giới thiệu về nguồn gốc làm ra bánh mì của ông Đạt bị sai về cột mốc thời gian. Theo tìm kiếm thông tin trên internet, bánh mì được người Pháp du nhập vào nước ta từ năm 1859. Khi đó, nó có tên là "bánh mì baguette". Việc làm ra bánh mì phải có nhiều người và máy móc hỗ trợ, nguyên liệu phải nhập về… Nếu đói khổ vì nạn đói, ông Đạt không thể vận hành được dây chuyền làm bánh cứu đói.
Chưa kể, theo lịch sử Việt Nam, nạn đói ở Việt Nam xảy ra vào năm 1945. Ông Đạt nói rằng mình từng trải qua và chứng kiến nạn đói. Có nghĩa là đến nay, ông Đạt phải hơn 80 tuổi. Thế nhưng, tạo hình của ông Đạt trong "Vua bánh mì" không phù hợp với thông tin nhân vật này đưa ra.
"Vua bánh mì" là bộ phim truyền hình Hàn Quốc do đài KBS sản xuất. Bộ phim từng đạt rating kỷ lục tại Hàn Quốc và được trình chiếu ở nhiều quốc gia như: Mỹ, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.