Công ty CP Hùng Vương (HoSE: HVG) vừa công bố BCTC hợp nhất bán niên 2019 (niên độ 1/10/2018 - 30/9/2019), với những số liệu chênh rất lớn so với báo cáo tự lập trước đó.
Cổ phiếu Thủy sản Hùng Vương đang ở "đáy" khi liên tục thua lỗ, bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục (Ảnh: IT)
Cụ thể, sau soát xét, doanh thu thuần HVG đạt 2.876 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ so với báo cáo tự lập; trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng hơn 400 tỷ đồng, ở mức 2.556 tỷ đồng. Ngoài ra, có nhiều thay đổi ở chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp sau soát xét. Chẳng hạn, chi phí quản lý doanh nghiệp của HVG tăng gấp 4 lần, ở mức 159 tỷ đồng.
Những thay đổi đáng kể trên làm HVG lỗ gần 112 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019, nâng lỗ lũy kế tính đến ngày 31/3/2019 lên gần 528 tỷ đồng.
Cổ phiếu lao về đáy
Trước khi HVG công bố BCTC soát xét bán niên 2019, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có 2 lần nhắc nhở đơn vị này chậm nộp báo cáo (ngày 3/6 và 11/6). Trước những thông tin này, cổ phiếu HVG thời gian gần đây liên tục giảm mạnh và có xu hướng lao dốc về vùng đáy lịch sử.
Kết thúc phiên giao dịch 11/6, HVG có giá 3.490 đồng/CP (gần mức thấp kỷ lục là 2.280 đồng/CP ngày 5/7/2018). Với mức giá này, cổ phiếu HVG đã giảm gần 50% trong 3 tháng qua. Còn nếu tính từ mức “đỉnh” 8.100 đồng/CP đạt được ngày 12/4/2019, HVG đã giảm hơn 56%.
Dù giá cổ phiếu “vua cá tra” hiện chỉ chưa bằng giá cốc trà đá nhưng nhìn chung tính thanh khoản của cổ phiếu HVG vẫn khá tốt khi đạt bình quân gần 900.000 CP/phiên trong 3 tháng qua. Còn nếu tính khoảng 1 tháng trở lại đây thì thanh khoản của HVG đạt khoảng gần 500.000 CP/phiên.
Hiện cổ phiếu HVG chỉ được giao dịch vào phiên chiều. Thế nên, thông tin bất lợi về khoản lỗ sau soát xét có thể làm cổ phiếu “vua cá tra” tiếp tục giảm mạnh.
Nguyên nhân khiến cổ phiếu HVG giảm mạnh thời gian qua, phần lớn đến từ “cú sốc” của POR 14. Theo đó, trước các cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên 2019 (tháng 2/2019), ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương khẳng định, khả năng mức thuế chống bán phá giá vào Mỹ trong POR 14 của Hùng Vương sơ bộ bằng 0, dự báo khả năng thành công là 80%, còn lại 20% rủi ro là vì yếu tố chính trị.
Tuy nhiên, việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra kết quả cuối cùng của đợt POR 14 cho giai đoạn từ 1/8/2016 - 31/7/2017, thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam đối với HVG là 3,87 USD/kg, đã khiến cổ phiếu này mất giá đến 50% sau 1 tháng.
Gánh nặng nợ vay khiến HVG tiếp tục… “bán con”
Sau cú sốc POR 14, động thái mới nhất mà Hùng Vương thực hiện là lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn cổ phần tại Hùng Vương Sông Đốc. Tổng lượng thoái vốn là 3,1 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 51% (Hùng Vương Sông Đốc đóng tại tỉnh Cà Mau, hoạt động trong lĩnh vực chế biến bột cá biển). Động thái này được đưa ra trong bối cảnh, báo cáo tài chính quý II niên độ tài chính 2019 (1/10/2018 - 30/9/2019) của Hùng Vương cho thấy, tình hình tài chính của công ty còn nhiều bất ổn.
Cụ thể, tính đến thời điểm 31/3/2019, Hùng Vương có 8.827 tỷ đồng tài sản, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 6.991 tỷ đồng, còn lại là tài sản dài hạn. Đáng chú ý, khoản phải thu ngắn hạn lên tới 4.753 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.809 tỷ đồng. Đặc biệt, Hùng Vương cũng ghi nhận khoản trích lập dự phòng 679 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Mặt khác về các khoản nợ, tổng nợ tính đến cuối tháng 3 của Hùng Vương là 6.630 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn ngân hàng 2.969 tỷ đồng (vay nhiều nhất tại BIDV với hơn 1.935 tỷ đồng, kế tiếp là Vietcombank với 602 tỷ, HDBank 169,5 tỷ cùng một số khoản vat ngắn hạn tại các nhà băng khác...). Vốn chủ sở hữu Hùng Vương đạt 2.197 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 398 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với kết quả sau soát xét vừa được công bố, khoản lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm của HVG đã lên tới gần 528 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, khoản nợ vay gần 602 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) đã quá hạn thanh toán. Chưa kể, áp lực trả nợ vay của HVG sắp tới cũng rất lớn bởi trong tháng cuối tháng 6, tháng 7 và tháng 9 tới đây, “vua cá tra” có gần 380 tỷ đồng nợ vay đến hạn phải trả. Như vậy, tính cả 602 tỷ đồng vay nợ quá hạn từ VCB thì HVG cần hơn 1.000 tỷ đồng để trả nợ vay ngân hàng trong năm nay.
Cùng con số lỗ lũy kế hơn 500 tỷ đồng, kiểm toán cũng lưu ý việc HVG có khoản vay quá hạn thanh toán tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn. Với khoản nợ này, đại diện HVG cho biết đang làm việc với ngân hàng để xin chấp thuận giãn thời gian thanh toán nợ gốc và lãi vay cho 8 năm tiếp theo. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.