Lịch sử nước ta ghi nhận, có nhiều vị vua, chúa bị những chứng bệnh về tâm thần như sợ sấm, sợ ánh sáng, sợ nắng gió, hoặc những bệnh lạ như mọc lông trên người, thậm chí bị điên hay thích… làm phụ nữ.
Vua đầu tiên có bệnh sợ sấm là Lý Cao Tông. “Đại Việt sử ký toàn thư” viết rằng, vua cứ nghe tiếng sấm là kinh hoảng. Người bề tôi được vua yêu là Nguyễn Dư nói mình có phép cấm được sấm. Nhưng đến khi sấm động, vua sai Dư thử phép, Dư ngửa mặt lên trời đọc thần chú, mà sấm càng to thêm. Vua vặn hỏi, Dư trả lời: “Thần răn cấm mãi rồi, nhưng vì trời cao nên nó còn dữ tợn như thế!”. Do được vua yêu nên Nguyễn Dư không bị xử tội dối vua, mà bệnh của Lý Cao Tông không thể nào khỏi được.
Trong khi đó, vào thời Lê mạt, chúa Trịnh Giang cũng mắc bệnh “kinh quý”, sợ sấm sét. Bộ sử nhà Nguyễn, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, chép với ý chê bai các chúa Trịnh, viết là: “Từ ngày làm việc bạo nghịch giết vua, Trịnh Giang lấn quyền càn rỡ mỗi ngày một quá, dâm dục chơi bời không còn có mức độ nào cả, sau mắc chứng bệnh kinh quý, sợ sấm sét”.
Căn bệnh bắt đầu từ một lần chúa Trịnh Giang bị sét đánh gần chết. Sau đó, bọn hoạn quan như Hoàng Công Phụ nói dối rằng: Đấy là vì dâm dục nên bị ác báo, bây giờ chỉ có cách đào lỗ xuống đất làm nhà mà ở để tránh sấm sét, họa ra có thể thoát khỏi tai nạn. Trịnh Giang bèn dựng cung Thưởng Trì ở dưới lòng đất để ở, không dám ra ngoài nữa.
Do Trịnh Giang chỉ sống trong hầm suốt nên theo lời của Thái phi (mẹ chúa), các bề tôi trong phủ chúa như Nguyễn Quý Cảnh cùng Nguyễn Công Thái, Trương Khuông đã phò em của Trịnh Giang là Trịnh Doanh lên ngôi chúa, và tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương. Trịnh Giang tiếp tục sống dưới cung Thưởng Trì dưới hầm từ năm 1740 đến năm 1762 mới mất.
Chúa gần cuối trong số các chúa Trịnh là Trịnh Sâm cũng mắc bệnh sợ nắng gió, suốt ngày phải ở trong cung kín không ra ngoài, trong cung chỉ đốt nến chứ không có ánh sáng Mặt trời.
Theo “Cương mục” thì chúa Trịnh Sâm vốn mắc bệnh trĩ, đã phải ở nhà kín không ra ngoài từ lâu, chỉ những ngày đại triều hội, bắt buộc thì chúa mới ra ngoài.
Ở triều Lý, vua Lý Thần Tông lại mắc một thứ bệnh hiếm gặp. “Toàn thư” chỉ viết sơ lược là “Vua tuy thân mang ác tật nhưng rồi chữa lành, cũng là nhờ có ý trời cả”. “Cương mục” viết rõ hơn rằng: “Nhà sư Minh Không chữa khỏi cho vua, được phong làm quốc sư, ban cho thuế dịch vài trăm hộ” và bổ sung rằng: Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này.
Dã sử thì ghi rằng, căn bệnh “hiếm gặp” của vua Lý Thần Tông là bệnh ngứa ngáy khắp mình mẩy, càng gãi lông càng mọc khắp người, khiến tính khí đức vua bỗng cuồng loạn, cả ngày gầm thét như hổ, ngồi xổm vồ người khác. Triều đình đành phải làm cũi vàng đem nhốt vua rồi truyền gọi thái y khắp cả nước chữa bệnh cho vua, nhưng đến cả ngàn người cũng đều bất lực, cho đến khi sư Minh Không dùng phép thuật chữa khỏi cho vua.
Theo các chuyên gia y tế ngày nay, có thể vua Lý Thần Tông mắc căn bệnh có tên tiếng Anh là Hypertrichosis (còn được gọi là bệnh rậm lông, bệnh người sói).
Vị vua lỗi lạc Lê Thánh Tông lại mắc một căn bệnh liên quan đến nữ sắc. Sử viết nhà vua “quan hệ nhiều phi tần nên bệnh nặng”, sau đó bị Hoàng hậu Trường Lạc ghen, giả đến thăm bệnh, bôi thuốc độc vào tay xoa vào những chỗ lở loét trên cơ thể nhà vua, khiến bệnh vua trở nặng rồi mất ở tuổi 55.
Theo lời Thái tử (vua Lê Hiến Tông) thì vua cha mắc bệnh “phong thũng”, một căn bệnh khiến da dẻ bị lở loét. Tuy nhiên, vua Lê Hiến Tông cũng chỉ thọ có 44 tuổi và “Toàn thư” cũng ghi lý do qua đời của nhà vua là “vua vì ham nữ sắc, bị bệnh nặng”.
Trong các vua Việt, có những vị vua vô sinh do nguyên nhân bệnh tật, như vua Trần Dụ Tông và vua Nguyễn Dực Tông (Tự Đức). Vua Trần Dụ Tông thuở nhỏ từng bị chết đuối khi đi chơi thuyền ở Hồ Tây, may có thầy thuốc Trâu Canh châm cứu cho sống lại, nhưng đã báo trước sau này sẽ vô sinh. Về sau, Trần Dụ Tông không có con, đã lấy con nuôi của anh vua là Cung Túc vương Trần Nguyên Dục, tên là Dương Nhật Lễ để nối ngôi, khiến nhà Trần suýt mất ngôi vào tay họ Dương.
Còn vua Tự Đức vốn lúc nhỏ mắc bệnh đậu mùa, để lại di chứng khiến không có con nối dõi, phải lấy ba người cháu làm con nuôi, ba người sau này lần lượt trở thành các vua Dục Đức, Kiến Phúc và Đồng Khánh.
Ngoài ra, sử xưa chép rằng, vua gần cuối triều Lý là Lý Huệ Tông có bệnh điên. Tuy nhiên, cũng có khả năng đây là các nội dung sử quan đời Trần viết để bôi nhọ triều đại trước nhằm khẳng định việc nhà Trần thay nhà Lý là hợp lẽ.
Theo “Toàn thư” thì năm 1217, từ tháng 3, vua Huệ Tông “dần dần phát điên, có khi tự xưng là thiên tướng giáng, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm đến chiều không nghỉ, khi thôi đùa nghịch thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh”.
Đặc biệt, trong các con trai của vua Lê Hiến Tông thì người con trưởng là An vương Lê Tuân có triệu chứng tâm lý là “thích mặc áo đàn bà”, lại từng đầu độc mẹ nên không được truyền ngôi. Tuy nhiên sau này, sử viết ông lại “đổi hết tính xưa, thờ mẹ rất hiếu thảo”.
Lê Tuân vẫn có vợ, con và đến thời Lê trung hưng vẫn để lại một dòng dõi đông đảo. Không biết việc “mặc áo đàn bà” có phải là mưu kế của ông hay không, vì sử viết ông “tự biết mình là con trưởng, hết sức cẩn thận giấu mình”, nên được sống sót trong khi em trai ông là vua Lê Uy Mục đã nghi kị, giết hại rất nhiều anh em, họ hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.