Đến huyện Cẩm Khê, hỏi về Nguyễn Thị Ảnh không mấy ai là không biết. Bởi lẽ tên tuổi chị đã gắn liền với nghề làm bánh chưng truyền thống, là “người không có đối thủ” trong các cuộc thi gói, nấu bánh chưng – giã bánh giầy dâng Vua Hùng.
Bí quyết gia truyền
Chị Ảnh chuẩn bị gói bánh chưng. Ảnh: NGÔ HÙNG
Cũng như người Cát Trù, chị Ảnh gói bánh không bao giờ dùng khuôn nhưng vẫn vuông vức, đều tăm tắp. Thấy trước cửa có bể nước mưa, tôi vội hỏi dùng để làm gì, chị Ảnh cười tươi cho biết: Nhà tôi mái ngói, phải xây bể hứng nước mưa nấu bánh mới ngon. Ở đây có nước sạch vài năm rồi nhưng chỉ để sinh hoạt hàng ngày thôi. Bánh chưng mà nấu bằng nước máy là hỏng cả nồi bánh ngay. |
Người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, cởi mở ấy cho biết, chị là con thứ 6 trong gia đình có 7 người con, được truyền thụ nghề làm bánh chưng từ ông bà, bố mẹ. Ngay từ nhỏ, 7 anh chị em trong gia đình chị đều được làm quen, hướng dẫn “bí quyết” của nghề này. “Khi 4 – 5 tuổi, tôi đã bắt đầu phải cọ lá dong, xếp lá, tước lạt buộc. Lớn thêm chút nữa, tôi phụ trách việc vo gạo, nấu đỗ, trông bếp đun bánh rồi đến cho gia vị và gói bánh” - chị Ảnh chia sẻ.
Được tiếp xúc với nghề làm bánh chưng từ nhỏ, những bí quyết làm bánh cứ dần dần thẩm thấu, ăn sâu vào tâm trí chị lúc nào không hay. Chỉ biết rằng, từ hồi trẻ đến khi lấy chồng, sinh con, chị vẫn chỉ theo nghề này. Điều đáng mừng hơn nữa, ngoài kỹ thuật chọn gia vị, nấu bánh được truyền thụ của ông bà, bố mẹ, chị còn có biệt tài gói bánh rất nhanh và đẹp mắt. “Thương hiệu bánh chưng truyền thống của gia đình được nhiều người trong cả nước biết tới phải kể đến “cái duyên” đến với cuộc thi gói, nấu bánh chưng – giã bánh giầy được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013 tại Đền Hùng với sự tham gia của tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Ngay năm đó, tôi đã đoạt giải Nhất” - chị Ảnh vui vẻ chia sẻ.
Cũng theo chị Ảnh, trước khi đến với cuộc thi này, chị cũng chỉ như bao cá nhân khác ở Cát Trù làm bánh chưng truyền thống chỉ để đem bán cho các quán ăn, các hộ gia đình quanh vùng.
Cứ thi tài là “ẵm” giải cao
Năm 2013, sau khi huyện phát động cuộc thi gói, nấu bánh chưng, được sự động viên của gia đình, chị đã mạnh dạn đăng ký tham dự. Kết quả, chị đoạt giải Nhất trong số gần 100 người đến từ 13 xã, thị trấn của huyện Cẩm Khê.
“Đoạt được giải Nhất của huyện, tôi vinh dự được huyện Cẩm Khê cử đi tham dự cuộc thi gói, nấu bánh chưng – giã bánh giầy toàn quốc được tổ chức trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Trong cuộc thi này, tôi bị choáng ngợp trước quy mô của cuộc thi với rất nhiều “nghệ nhân” có tên tuổi trong cả nước tham dự. Sau chút bối rối, hồi hộp, tôi lấy lại được bình tĩnh và chú tâm vào cuộc thi, nghĩ mình phải cố gắng hết sức làm theo cách mà hàng ngày mình vẫn làm. Khi ban tổ chức công bố mình đoạt giải Nhất, tôi xúc động, không kìm được nước mắt” - chị Ảnh cho biết.
Sau năm 2013, những năm tiếp theo chị liên tiếp giành được giải thưởng trong cuộc thi này với 4 giải Nhất và 1 giải Nhì. Trở về sau các cuộc thi, chị lại cùng gia đình tất bật làm bánh chưng, bánh gai bán cho người dân quanh vùng và cung cấp cho một số cơ sở kinh doanh trong tỉnh và Hà Nội. Ngày thường, tôi chỉ làm khoảng 100 chiếc bánh chưng và 500 – 600 cái bánh gai. Vào những dịp lễ tết, ngày mùng 1, ngày rằm thì nhiều hơn rất nhiều.
Theo chia sẻ của chị Ảnh, bánh chưng mà gia đình chị làm cũng giống như các nơi khác khi được làm bởi gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong. Tuy nhiên, bánh của gia đình chị có nét khác biệt nằm ở khâu chuẩn bị nguyên liệu và cách gói.
Gạo nếp dùng để gói bánh phải là loại nếp ngon số một, nhập từ vùng Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Đỗ, hạt không cần to, nhưng phải đều, không bị sâu mọt. Thịt lợn nhân bánh cũng phải chọn loại ba chỉ tươi ngon, mỡ vừa phải. Đặc biệt là lá dong, không được dùng lá non hoặc quá già, ảnh hưởng tới màu sắc của bánh.
Sau khi gói xong bánh, chị Ảnh không nấu bánh bằng than mà chọn nguyên liệu truyền thống là củi khô. Vì theo kinh nghiệm, chỉ có dùng củi, lửa mới đượm, bánh mới chín rền và thơm. Bánh thì chỉ đun từ 5-7 tiếng rồi rút củi, ngâm trong nồi một lúc mới vớt ra.
Từ năm 2013, ngoài việc gói 18 chiếc bánh dâng Vua Hùng, tham dự cuộc thi gói, nấu bánh chưng – giã bánh giầy, chị còn thuê một gian hàng nhỏ để bán bánh. “Mỗi dịp giỗ Tổ Hùng Vương, gia đình tôi thường bán được từ 7.000 – hơn 1 vạn bánh. Năm 2018 này cũng vậy, tôi sẽ đến sớm để chuẩn bị, mong người dân, du khách có dịp đến với Đền Hùng ghé qua quầy của gia đình tôi tham quan, mua bánh” - chị Ảnh háo hức cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.