Vựa xoài điêu đứng vì tin đồn túi bao trái có độc

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 17/05/2016 06:18 AM (GMT+7)
LTS: Liên tiếp trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội, trang tin điện tử và một số báo, đài đã đăng tải nhiều thông tin thất thiệt, không chính xác, những thông tin dạng đồn thổi không được kiểm chứng... đã gây hoang mang dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho những người nông dân trực tiếp sản xuất. Tuy vậy, sau những thông tin thất thiệt đó, sự vào cuộc của cơ quan chức năng rất chậm trễ, nhà nông không được bảo vệ, hỗ trợ kịp thời nên gánh chịu hậu quả lớn.
Bình luận 0

Xuất phát từ thông tin trên mạng xã hội, gần đây trên một tờ báo điện tử đã đăng bài cho rằng  xoài ở miền Tây sử dụng túi bao trái có xuất xứ từ nước ngoài chứa chất độc hại, giá rẻ bèo... Thông tin này lập tức gây xáo trộn thị trường xoài, người tiêu dùng không dám mua, còn nhà vườn hoang mang, lo lắng. 

Xoài xuất khẩu sang Nhật vẫn bị đồn có… độc

img

Cơ quan chức năng đã khẳng định việc sử dụng túi bao trái xoài chỉ có lợi chứ không gây độc hại.   Ảnh: Chúc Ly

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông báo kết quả kiểm định mẫu túi bao trái xoài có xuất xứ từ Đài Loan được nông dân Đồng Tháp, Tiền Giang sử dụng không phát hiện các hóa chất độc hại. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang đã có thống kê chính thức các bài báo thông tin không đúng sự thật về túi bao trái gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của người trồng xoài Tiền Giang và đang đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có hình thức xử lý nghiêm khắc. 

Nhiều người dân trồng xoài một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long cho biết, thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin cho rằng, túi bao trái có xuất xứ từ Đài Loan mà bà con đang sử dụng gây độc hại cho trái xoài. Thông tin này lan nhanh và làm cho người dân không yên tâm, nhất là các địa phương mới có “phong trào” sử dụng loại bao trái này.

Ông Võ Việt Hưng – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Thông tin sử dụng túi bao trái gây độc hại đã làm ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất xoài. Vài năm gần đây, người dân Cao Lãnh đều sử dụng loại bao trái này và xoài Cao Lãnh đã được xuất đi nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. “Những thị trường khó tính này kiểm dịch rất chặt chẽ. Vì vậy, nếu có chất độc hại do túi bao trái thì đã không xuất được rồi” – ông Hưng nhấn mạnh.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, túi bao trái mà người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng được sản xuất từ giấy, được phủ một lớp dầu chống thấm và bảo vệ trái. Túi bao trái này sẽ có tác dụng hạn chế ánh sáng chiếu vào trái, làm tăng tính cản quang, thúc đẩy da xoài chuyển từ màu xanh sang vàng, sáng đẹp và đặc biệt là không có chất gây hại cho người tiêu dùng.

“Ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã khảo sát, kiểm tra, cơ quan quản lý cấp huyện cũng chưa phát hiện loại bao trái nào kém chất lượng, có ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm trên xoài”- ông Nguyễn Thành Tài – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cái Bè, Tiền Giang cũng khẳng định rằng: “Việc nói túi bao trái gây độc hại là không có cơ sở, trong khi đó hiệu quả kinh tế mà nó mang lại đã được chứng minh. Hiện huyện Cái Bè có khoảng 6.000ha trồng xoài. Để đảm bảo năng suất, chất lượng thì đa số người dân đều áp dụng biện pháp bao trái”.

Về thông tin túi bao trái chứa chất độc, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang nói: “Sử dụng túi bao trái trên xoài không những giúp hạn chế chi phí sản xuất, mà còn giúp sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Thông tin thất thiệt về túi bao trái làm cho ngành chức năng khó vận động nông dân sản xuất theo hướng an toàn. Hơn nữa, túi bao trái cũng đã được các ngành chức năng khuyến cao sử dụng từ lâu”.

Tin đồn chồng tin đồn

Thông tin thất thiệt về “túi bao trái gây độc hại” chưa lắng xuống, thì theo người dân các địa phương như Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long… gần đây lại xuất hiện thông tin sai lệch là giá xoài giảm mạnh khi mới vào đầu mùa thu hoạch. Thông tin này đã làm cho thương lái có cơ hội “ép giá” người dân.

Theo thông tin trên các trang mạng xã hội và một số báo điện tử, tại vườn, hiện giá xoài cát Hòa Lộc (loại xoài được coi là ngon nhất) chỉ còn từ 20.000-25.000 đồng/kg, các loại còn lại từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lê Thành Nhân - Tổ trưởng Tổ hợp tác xoài Tân Thuận Tây (Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết: “Thực tế giá xoài đang ở mức cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân là do sản lượng đạt thấp, (chỉ bằng 20-30% so với cùng kỳ), trong khi nhu cầu thị trường cao nên giá xoài không thể xuống thấp so với cùng kỳ được”.

Khi được hỏi về giá xoài, ông Nguyễn Thành Nhơn - Chủ nhiệm HTX xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) khẳng định: Không có chuyện xoài cát Hòa Lộc rẻ bèo. Theo ông Nhơn, tại Tiền Giang, xoài cát Hòa Lộc bán tại vườn từ 65.000-70.000 đồng/kg (giá loại 1) và từ 45.000-50.000 đồng/kg (giá loại 2). “Một số thông tin cho rằng giá xoài cát Hoà Lộc giá rẻ bèo bán ở lề đường ở TP.HCM, có thể đó không phải là xoài cát Hoà Lộc thật. Bởi loại xoài này có diện tích không lớn, sức tiêu thụ mạnh nên không có chuyện dư thừa đem bán lề đường với giá rẻ” – ông Nhơn khẳng định.

Còn ở Vĩnh Long, hiện giá xoài cát Hòa Lộc bán lẻ ở các chợ cũng từ 80.000-90.000 đồng/kg. “Giá xoài đang ở mức cao, đặc biệt là xoài cát Hòa Lộc. Các loại xoài khác cũng tăng giá hơn so với cùng kỳ. Sau khi trừ phi phí, người trồng xoài có thể lãi khoảng 7-9 triệu đồng/công (1.000m2)” – ông Trần Văn Trung - Chủ nhiệm HTX xoài Tam Bình (Vĩnh Long) nói. 

GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ:

Chấn chỉnh phát ngôn, xác minh thông tin cẩn thận

Túi bao trái là một dụng cụ rất cần thiết để tránh sự tấn công, tàn phá trái từ các loại sâu hại, đặc biệt là ruồi, qua đó còn nâng cao chất lượng trái cây, tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Vật liệu làm nên túi đó là nhựa, nylon, không có gì để sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Chỉ có người xấu mới đồn tin thất thiệt này. Thời gian qua, tin đồn rất nhiều và đều không có căn cứ. Chẳng hạn, trước đây có tin ăn cá rô phi bị cùi (hủi) nhưng thực tế không có ai ăn cá bị cùi cả. Ngày nay, người dân vẫn ăn cá rô phi bình thường. Qua tình trạng này, mỗi người cần chấn chỉnh lại phát ngôn của mình, báo chí cần xác minh cẩn thận, tránh đưa thông tin gây hiểu lầm.

PGS-TS Nguyễn Minh Châu – nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam:

Truy rõ động cơ tung tin thất thiệt

Thông tin túi bao trái xoài gây độc hại là không chính xác, không thể có tình trạng này được. Việc tung tin này đã làm ảnh hưởng nặng đến sản xuất, đời sống người dân. Việc tung tin này cần phải được cơ quan chức năng truy vấn, làm rõ tại sao người ta làm vậy, mục đích gì. Tôi đề nghị, với những thông tin tương tự cần phải làm rõ đến nơi đến chốn. 
Xin nói thêm là nguyên tắc mua hàng, nhất là những hàng hoá liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như túi bao trái, người dân phải tìm hiểu rõ xuất xứ, nguồn gốc trước khi mua, sử dụng. Người dân phải mua ở những địa chỉ tin cậy, không biết nguồn gốc thì không mua. Làm đúng như vậy sẽ không bị kẻ xấu lợi dụng cơ hội, tung tin thất thiệt.

P.V (ghi)

TS Nguyễn Duy Lượng – nguyên Phó Chủ tịch T.Ư Hội ND Việt Nam: 

Tăng nặng chế tài để răn đe

Liên tiếp trong thời gian vừa qua trên báo chí, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Mặc dù đa số các tin đồn này được cải chính nhưng “chờ được vạ thì má đã sưng”, nông sản ế ẩm, nông dân khốn đốn. Mặc dù, Nhà nước cũng đa ban hành khá nhiều văn bản xử phạt hành chính quản lý thông tin trên trang điện tử, mạng xã hội, tuy nhiên việc kiểm soát các tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vẫn chưa được thực hiện nghiêm và hiệu quả. 
Thiết nghĩ, để bảo vệ nông dân trước các tin đồn thất thiệt thì các cơ quan quản lý cần tiếp tục có những biện pháp quyết liệt, nghiêm khắc hơn. Cần bổ sung chế tài, quy định xử lý cụ thể và nghiêm khắc để răn đe và trừng phạt thích đáng đối với các hành vi tung tin đồn thất thiệt. 
Quan trọng hơn cả, người nông dân phải tự biết bảo vệ chính mình trước các tin đồn thất thiệt bằng cách cùng nhau cam kết, đồng lòng thực hiện nghiêm quy trình sản xuất nông sản an toàn, kiên quyết đấu tranh và nói không với thực phẩm bẩn, tạo niềm tin cho chính mình và người tiêu dùng.

Huỳnh Xây - Đức Thịnh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem