Vực lại nghề truyền thống

Thứ ba, ngày 12/07/2011 16:55 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có trong tay hai tấm bằng đại học với nhiều cơ hội việc làm tốt, nhưng anh Nguyễn Hữu Tài quyết định trở về quê nhà (thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội) để vực lại làng nghề mây, tre đan truyền thống.
Bình luận 0

Anh Tài chia sẻ: “Làng mình có nghề mây, tre đan từ xa xưa, trước có nhiều nghệ nhân lắm, nhưng nay chẳng còn ai nữa. Cũng vì chậm thích nghi với cơ chế thị trường, nhiều khó khăn nên chỉ còn vài hộ bám nghề. Chẳng lẽ mình cứ đứng vậy mà nhìn làng nghề chết dần".

img
 

Về quê giữ nghề

Tốt nghiệp 2 trường ĐH Nông nghiệp và Ngoại thương, ra trường có nhiều công ty, cơ quan tuyển dụng, nhưng vì "nặng nghĩa, nặng tình" với quê hương, nên Tài đã từ chối. Năm 2001, anh bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở khôi phục lại nghề mây, tre đan của xã.

Nhưng khi bắt tay vào làm, Tài gặp không ít khó khăn nhất là về vốn và đầu ra cho sản phẩm… Anh huy động vốn của người thân, bạn bè, lên đường vào Nam, ra Bắc để tìm đầu ra cho sản phẩm. Điều anh nhận thấy là nhu cầu sử dụng các sản phẩm mây, tre đan ngày càng cao, nhưng do mẫu mã, kiểu dáng hạn chế nên chưa thuyết phục được người tiêu dùng.

Ngoài việc cải thiện mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, anh nhờ người quen hay đi Nhật, Đài Loan mỗi lần sang cầm theo vài sản phẩm làm quà, đồng thời giới thiệu tìm khách hàng. Anh còn giới thiệu, quảng cáo sản phẩm trên các trang điện tử địa phương. "Bây giờ khách hàng của mình đa số là ở Nhật, Đài Loan và một số nước châu Âu" - anh Tài cho hay.

Con đường sáng để lập nghiệp

Theo anh Tài, nghề nào cũng có cái khó, cái dễ, có lúc thịnh, suy. Hiện nay, con người đang có xu hướng sống gần gũi với thiên nhiên hơn, những sản phẩm như giỏ hoa, bát, đĩa, túi xách, bàn ghế… bằng mây, tre đan được nhiều người lựa chọn. Nếu mình biết cách tiếp cận thị trường, cải tiến mẫu mã, đào tạo nghề cho người dân thì không sợ không bán được hàng

Anh xác định, sự phồn thịnh của làng nghề, công ty phải gắn liền với lợi ích của người dân. Người dân biết nghề, giỏi nghề, nhiệt tình hưởng ứng thì làng nghề mới vực dậy và công ty mới phát triển được. Để làm điều này, anh Tài đã hợp tác với các thôn, xã, Huyện đoàn và Hội ND dạy nghề cho người dân.

img Nhờ anh Tài, hàng trăm người dân trong thôn có việc làm, thu nhập ổn định. Số hộ nghèo giảm, hộ giàu tăng đáng kể. img

Ông Nguyễn Hữu Long - Trưởng thôn Thông Đạt

Đến nay, công ty của anh đã dạy nghề cho khoảng 230 hộ trong xã và các xã lân cận. Ngoài ra, công ty của Tài đang tạo việc làm cho gần 60 công nhân với mức lương 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Em Nguyễn Thị Thu (thôn Thông Đạt), một trong những học viên học nghề miễn phí từ công ty của Tài, phấn khởi khoe: "Em tốt nghiệp THPT năm 2009, gia đình khó khăn nên em đi học nghề. Em được chú Tài dạy và làm việc luôn tại công ty chú. Theo em, học nghề cũng là một con đường sáng để lập nghiệp".

Hiện thôn Thông Đạt có khoảng 100 hộ làm nghề mây tre đan, tất cả sản phẩm làm ra đều được công ty của anh Tài bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, anh còn nhận bao tiêu sản phẩm cho các xã bên cạnh. Chị Lê Thị Hằng (xã Tuyết Nghĩa) cho hay: "Gia đình tôi có 4 sào ruộng, trước kia xong mùa hai vợ chồng lại lên huyện làm thuê. Nay làm mùa xong cả nhà tập trung đan lát, công việc nhẹ nhàng, mình chịu khó làm cũng được 70 - 120 nghìn đồng/người/ngày".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem