Theo tìm hiểu của
NTNN, số chủ hàng bán hàng trên Facebook phần nhiều là ở các tỉnh có nguồn hàng tốt và có người nhà hoặc bạn hàng ở Hà Nội hoặc TP.HCM. Đa phần các chủ hàng đều lấy các địa chỉ Facebook dễ nhớ, dễ tìm như “Banh te Phu Nhi”, “bánh chưng Lỗ Khê”, “Haisanchobe”, “Hai san Phu Quoc”, “haisantuoisongNamDinh”… Chị Vũ Tuyết Nga- ở TP.Thanh Hóa, bán hàng hải sản trên địa chỉ Haisanngon cho biết, ban đầu, khái niệm Facebook hoàn toàn xa lạ với chị, nhưng chị có 2 chị em dâu là dân văn phòng, suốt ngày “săn” đồ trên mạng. Nhà gần biển nên chị Nga có mối mua hải sản ngon, thỉnh thoảng mua hộ mấy em dâu và cả bạn bè, đồng nghiệp của em dâu. Tết năm trước, 3 chị em ngồi hàn huyên thì nảy ra ý định phối hợp bán hàng trên Facebook. Được 2 em hướng dẫn, chị lập địa chỉ rồi tạo fanpage, đưa đầy đủ thông tin hàng hóa của mình lên mạng. Hiện mỗi ngày doanh thu bán hàng của chị đạt từ 5-8 triệu đồng.
Một trang facebook bán hải sản.
“Khách hàng chủ yếu mua tôm, cua, mực… Mình nhận đơn đặt hàng rồi gửi xe hàng từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Sau đó nếu thuận tiện thì người mua trực tiếp đến nhà xe lấy, nếu không em dâu mình chuyển hộ. Nói chung là khá ổn”.
Theo Bộ Công Thương, bán hàng trên Facebook cũng cần đăng ký kinh doanh. Tại Điều 81 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP có quy định cụ thể mức phạt tiền từ 40- 60 triệu đồng đối với thương nhân, tổ chức có hành vi thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định.
|
Tuy nhiên, chị Nga cũng cho biết, buôn bán trên mạng quan trọng nhất là chữ tín: “Bạn chuyển hàng phải đúng chủng loại, hải sản yêu cầu đầu tiên là phải tươi vì thế khâu bảo quản phải rất cẩn trọng”. Chị Nga đã từng bị trả lại hàng 2-3 lần: “Mỗi lần 4-5kg mực, cả triệu bạc mất toi”- chị kể.
Tuy nhiên, không phải ai bán hàng cũng thuận lợi. Chị Hoàng Oanh, bán các loại bánh quê trên địa chỉ “quabanhque…” cho biết, chị bán hàng được chừng 1 tháng thì phải đóng cửa. Lý do giá bánh rẻ 5.000-7.000 đồng/cái, những khách đặt hàng 10-20 cái thì không đủ tiền ship (vận chuyển hàng), đặt nhiều hơn thì lại khó trong việc tổ chức gói. “Lúc đầu tôi tính gói bánh ở quê rồi chuyển xuống, nhưng sau đó còn phụ thuộc vào xe cộ. Hơn nữa làm ở quê không có người giám sát, sau tôi làm bánh ở nhà tại Hà Nội nhưng mặt bằng chật, thuê người khó khăn và quan trọng là nguyên liệu không sẵn. Cuối cùng đành phải bỏ”- chị nói.
Nguyễn Trang (Nguyễn Trang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.