Vui buồn chuyện của "ông mối, bà mối" sinh viên làm thêm

Thứ bảy, ngày 29/11/2014 07:00 AM (GMT+7)
Sinh viên là đối tượng có nhu cầu lớn trong tìm việc làm thêm. Nhạy cảm với điều này, nhiều sinh viên năng động dịch chuyển từ vai trò đi làm thuê sang môi giới việc làm.
Bình luận 0

Biến 'đau thương' thành 'hành động'

Những bà mối, ông mối sinh viên tận dụng sức mạnh của truyền thông, mạng xã hội để phục vụ công việc của mình. “Trụ sở” môi giới là các fanpage trên mạng xã hội facebook.

Phạm Minh Hạnh (sinh năm 1993), sinh viên ĐH Dược Hà Nội là người sáng lập và điều hành fanpage “Giúp việc gia đình theo giờ cho sinh viên”. Trước khi trở thành bà mối, Hạnh trải qua nhiều công việc làm thêm. Theo Hạnh, đó là quãng thời gian nhiều kỉ niệm “đau thương”.

“Mình từng bị lừa tham gia bán hàng đa cấp, mất tiền, nhiều mối quan hệ cá nhân bị ảnh hưởng. Mình còn bị lừa trong nhiều công việc khác như phát tờ rơi với mức lương quảng cáo rất hấp dẫn”.

Sau những lần bị lừa đó, Hạnh khôn ngoan, dạn dĩ hơn. Quá trình đi làm thêm, Hạnh tích lũy được kinh nghiệm, thiết lập được nhiều mối quan hệ. Không muốn sinh viên gặp nhiều trắc trở như mình khi làm thêm, Hạnh quyết định lập fanpage giới thiệu việc làm cho sinh viên.

Những bà mối của CLB Sinh viên giúp việc theo giờ
Những bà mối của CLB Sinh viên giúp việc theo giờ.

 

Nghiêm Thị Loan, sinh viên năm thứ 4 Khoa Kinh tế (Đại học Lâm nghiệp Hà Nội), người sáng lập Câu lạc bộ sinh viên giúp việc theo giờ, fanpage “Giúp đỡ nhau tìm việc làm” nhớ như in kỉ niệm gia sư năm thứ hai đại học. Loan dạy hai nhóc lớp 4 nhưng phụ huynh không thanh toán tiền công, luôn tìm cách khất lần đủ kiểu. Loan nhờ trung tâm môi giới can thiệp nhưng trung tâm chỉ hứa rồi để đấy.

Loan gọi điện, phụ huynh không nghe máy. Cực chẳng đã, suốt một tuần liền, Loan túc trực trước cổng nhà chủ đòi tiền. Đến lúc đó, họ mới chịu trả tiền nhưng trả không đủ.

Ngoài gia sư, Loan trải nghiệm nhiều công việc làm thêm khác: bán hàng, giúp việc gia đình,…với nhiều câu chuyện vui buồn. Sau hơn ba năm làm thêm, Loan và nhóm bạn quyết định thành lập câu lạc bộ giúp đỡ sinh viên tìm việc.

“Chúng mình không chỉ giới thiệu công việc. Từ kinh nghiệm cá nhân, mình và các thành viên trong câu lạc bộ tư vấn kinh nghiệm, kĩ năng xử lí các tình huống phát sinh. Tôn chỉ hoạt động của chúng mình là đồng hành cùng sinh viên”. Được thành lập từ tháng 8/2014, đến nay Loan và nhóm bạn giúp đỡ được hơn 100 sinh viên.

Bà mối Nghiêm Thị Loan
Bà mối Nghiêm Thị Loan.

 

Trước khi trở thành người điều hành fanpage “Việc làm thêm cho sinh viên” với gần 24 ngàn lượt like, Phạm Quang Khánh, sinh viên năm cuối Học viện Ngân Hàng có một thời sinh viên sôi động với nhiều công việc bán thời gian. Nhận ra nhu cầu làm thêm của sinh viên rất lớn, trong khi phần lớn đều thiếu kinh nghiệm, mối quan hệ, Khánh sử dụng fanpage để chia sẻ, giúp đỡ sinh viên tìm việc làm.

Khánh cho biết: “Sự chia sẻ chủ yếu là miễn phí. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa với chất lượng kém. Các thông tin đăng tải đều được kiểm chứng. Mình hiểu tâm trạng sợ bị lừa, sợ công việc ảo của sinh viên. Mình không muốn các bạn mất niềm tin như mình một thời”.

Lo quyền lợi cho sinh viên

Từ trải nghiệm đi làm thêm của bản thân, các ông mối, bà mối sinh viên đều thấu hiểu những khó khăn của sinh viên. Môi giới có thu phí nhưng việc thu không “chặt chém” như nhiều trung tâm. Nhiều khi việc thu mang tính chất tượng trưng. Phạm Minh Hạnh cho biết tùy vào tính chất công việc sẽ có mức thu riêng: “Thu phí là cách để ràng buộc người làm có trách nhiệm với công việc. Mình cũng chỉ nhận phí khi công việc của các bạn đã ổn định. Nhiều bạn chưa có tiền, mình sẵn sàng tạo điều kiện giúp”.

Những công việc mang tính thời vụ, ngắn ngày, Nghiêm Thị Loan thường giới thiệu miễn phí. Loan cho biết nguyên tắc làm việc là ai gọi đến trước, gửi đơn trước thì nhận việc trước nhưng những trường hợp khó khăn luôn được ưu tiên.

Đứng trên quyền lợi của sinh viên nên các ông mối, bà mối không “xô bồ, dễ dãi” với nguồn việc tiếp nhận được. Phạm Quang Khánh từ chối đăng trên fanpage những công việc không rõ ràng về tính chất, người tuyển, địa chỉ tuyển không xác thực.

Câu lạc bộ của Loan từng nhận được lời đề nghị tìm giúp sinh viên nữ dọn dẹp nhà buổi tối. Người có nhu cầu tuyển là giám đốc chi nhánh Hà Nội một công ty trụ sở chính trong thành phố Hồ Chí Minh. Anh này mới ra Bắc làm việc, sống một mình. Lo sợ tính chất phức tạp của những trường hợp này, Loan yêu cầu làm việc ban ngày thay vì ban tối. Lí do cho sự thay đổi được thẳng thắn đưa ra. Anh giám đốc đồng ý. Ban ngày anh gửi chìa khóa hàng xóm, nhờ họ mở cửa để sinh viên giúp việc vào dọn dẹp.

Ông mối Phạm Quang Khánh
Ông mối Phạm Quang Khánh.

 

Một thực trạng chung của “làm thêm sinh viên” là “cả thèm chóng chán”. Hạnh thường xuyên tiếp nhận phản ánh “nhân viên sinh viên” bỏ việc, nghỉ làm từ phía chủ. Hạnh cho biết, nhiều bạn nhận việc xong, làm được vài hôm đã nghỉ. Hạnh gọi điện hỏi nguyên do thì chỉ đơn giản là vất vả hoặc bị mắng vì làm sai.

Khánh cũng có nhận xét tương tự: “Sinh viên nhu cầu làm thêm lớn nhưng thiếu sự lâu dài, hay thay đổi công việc. Điều này cũng khiến nhiều nơi không muốn tuyển sinh viên. Một phần là do nhiều bạn chưa thực sự hiểu công việc mình sẽ làm để xem xét bản thân có phù hợp hay không. Phần nữa do chưa va chạm, cái tôi lớn lại quen được bố mẹ bao bọc nên chỉ cần bị mắng, bị nhắc hoặc công việc vất vả một chút là nghỉ”.

Thực tế đó khiến Hạnh và Khánh đều có những thay đổi trong phương pháp làm việc. Hạnh không giới thiệu công việc một cách xô bồ mà luôn tìm hiểu kĩ cả về chủ và sinh viên muốn nhận việc. “Bà mối” Hạnh cho biết: “Với công việc làm thêm là giúp việc nhà chẳng hạn, mình thường chọn sinh viên năm nhất hoặc mới đi làm giúp việc các gia đình trẻ. Những bạn có kinh nghiệm mình đưa đến gia đình trung niên hoặc có người già”. Theo Hạnh, những cặp vợ chồng trẻ thường thoải mái, dễ tính hơn so với những gia đình đứng tuổi hoặc có người già.

Quy trình giới thiệu việc làm của Khánh rất chuyên nghiệp. Khánh dành thời gian tìm hiểu chủ, đơn vị muốn thuê sinh viên, tìm hiểu tính chất từng công việc. Sau đó, với những hồ sơ đạt yêu cầu, Khánh phỏng vấn từng trường hợp, trao đổi những khó khăn, thuận lợi từ sự tìm hiểu và kinh nghiệm cá nhân.

Những “ông mối”, “bà mối” sinh viên không đứng ngoài những khó khăn phát sinh trong quá trình làm việc của sinh viên. Khi một chủ cửa hàng ở Hàng Bông (Hà Nội) thuê một nhóm sinh viên do Loan giới thiệu lau cửa kính phàn nàn chất lượng dịch vụ, Loan đích thân đóng vai một thành viên của nhóm. Quá trình làm việc cùng, cô nhận ra chủ nhà quá kĩ tính, khắt khe, bắt nạt và thiếu tôn trọng người làm. Loan thẳng thắn trao đổi lại với chủ nhà về công việc. Nhóm giúp việc nhận được sự giúp đỡ của Loan phản ánh lại với "bà mối" về sự “dễ tính” hơn của chủ sau buổi trao đổi đó.

(Theo Tiền phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem