Vùng cao giữ yên 4 triệu con gia súc qua mùa đông rét đậm, rét hại

Thiên Hương Thứ năm, ngày 10/02/2022 19:02 PM (GMT+7)
Mùa đông vừa qua, nông dân một số địa phương vùng núi cao ở Sơn La, Lào Cai đã chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc bằng những kinh nghiệm dân gian và hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Nhờ đó, bà con đã giảm thiểu được số lượng gia súc bị chết.
Bình luận 0

Chủ động dự trữ thức ăn trước khi đông về

Gia đình ông Lý Phù Kinh (dân tộc Dao) ở thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, Lào Cai, có 5 con trâu. Để có đủ thức ăn cho đàn trâu khi thời tiết rét đậm, rét hại, ông Kinh đã chủ động tích trữ một lượng lớn rơm khô sau vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, ông cũng thường xuyên pha muối với nước ấm cho trâu uống để tăng sức đề kháng khi trời lạnh. Cách làm này giúp đàn trâu của gia đình có đủ dinh dưỡng và chống chọi với nhiệt độ khắc nghiệt.

"Trước đây, gặt xong lúa thì rơm rạ thường đốt luôn ngoài ruộng. Bây giờ thì gia đình tôi cũng như bà con trong thôn đều mang rơm về để nơi khô ráo, dự trữ thức ăn cho trâu khi mùa đông về. Thường thì vào mùa đông, nếu những ngày nắng ấm có chăn thả thì cũng vẫn phải cho trâu ăn thêm vì cỏ rất ít" - ông Kinh cho biết.

Giữ yên đàn gia súc vùng cao qua mùa đông - Ảnh 1.

Những ngày trời chuyển rét, nhiệt độ giảm sâu, người dân ở bản Pha Khuông (xã Co Mạ, Thuận Châu, Sơn La) nhốt đàn gia súc trong chuồng để tiện chăm sóc. Ảnh: Mùa Xuân

"Nhiệt độ xuống thấp nên gia đình tôi quây kín chuồng trại xung quanh. Thức ăn thì tận dụng cỏ và rơm rạ tích trữ từ trước, nhờ đó mấy năm nay nhà tôi không có trâu bò chết vì đói rét".

Anh Hà Văn Chính (bản Hang Trùng 2,

xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La)

Tùy vào điều kiện thời tiết mà người dân tại các vùng cao Lào Cai có nhiều cách để bảo vệ đàn gia súc. 

Ngoài việc kiên cố chuồng trại, bảo vệ đàn gia súc tại chỗ, nhiều hộ chăn nuôi số lượng lớn hay khu vực sinh sống có nền nhiệt độ xuống quá thấp, họ sẽ lựa chọn phương án di chuyển đàn gia súc xuống khu vực khí hậu ấm áp hơn.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thị xã Sa Pa có gần 4.500 hộ chăn nuôi gia súc, với tổng đàn đạt gần 14.000 con. Nhờ triển khai tốt các biện pháp phòng, chống rét, nên từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thị xã hầu như không còn xảy ra tình trạng gia súc bị chết rét, chết đói.

Trước đó, đánh giá tình hình thời tiết mùa đông xuân năm 2021-2022 diễn biến rất phức tạp, khó lường, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra với tần suất nhiều hơn, Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai đã có sự chuẩn bị và triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp. Trong đó, các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã thực hiện kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.

Còn tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nhiều năm qua chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng là sinh kế chính của nhiều hộ nông dân. 

Anh Hà Văn Chính (ở bản Hang Trùng 2, xã Vân Hồ) cho biết: "Thời tiết hiện tại nhiều mưa mù, nhiệt độ xuống thấp nên gia đình tôi quây kín chuồng trại xung quanh. Thức ăn thì tận dụng cỏ và rơm rạ tích trữ từ trước, nhờ đó mấy năm nay nhà tôi không có trâu bò chết vì đói rét".

Được biết, toàn huyện Vân Hồ hiện có trên 40.000 con trâu, bò, trong đó có hơn 2.000 con bò sữa. Nhờ đầu tư chăn nuôi đại gia súc, người dân địa phương có thu nhập khá nên bà con rất tích cực tái đàn, chủ yếu là chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng, đảm bảo vệ sinh. Chính quyền địa phương cũng quan tâm, sát sao trong việc hỗ trợ nhân dân phát triển chăn nuôi và chuẩn bị các phương án ứng phó với điều kiện thời tiết, dịch bệnh để bảo vệ đàn gia súc.

Bài học từ các trận rét đậm rét hại

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), rét đậm, rét hại xảy ra ở vụ đông xuân hàng năm là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng lớn đến tổng đàn vật nuôi, đặc biệt là ở 18 tỉnh trung du miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ. Gia súc, gia cầm bị chết do bị đói, rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp kèm theo điều kiện về chuồng trại, vệ sinh môi trường không tốt làm phát sinh dịch bệnh. Đối tượng gia súc bị chết rét chủ yếu là trâu, bò già yếu, bê nghé ở các hộ gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện tốt về chuồng trại, dự trữ thức ăn.

Vụ đông xuân năm ngoái, rét đậm rét hại kéo dài đã làm 2.271 con gia súc và 335 con gia cầm bị chết. Nguyên nhân chủ yếu do rét đậm thường vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời gian này, người chăn nuôi chuẩn bị tết, buông lỏng công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc. 

Người chăn nuôi không chuẩn bị đầy đủ điều kiện phòng, chống rét cho đàn gia súc; không che chắn chuồng trại; không dự trữ thức ăn lâu dài; không nhốt đàn gia súc khi mùa đông giá rét đến; chuồng trại không được giữ khô sạch trong mùa đông…

Nhưng nếu so với các năm trước, số lượng gia súc, gia cầm thiệt hại do đói, rét đã giảm rõ rệt. Còn nhớ vụ đông xuân năm 2007-2008, rét đậm, rét hại kéo dài liên tục trong 34 ngày gây thiệt hại trên 200.000 gia súc (chủ yếu là trâu, bò). 

Trước thiệt hại nặng nề đó, bà con nông dân đã chủ động tìm cách bảo vệ "đầu cơ nghiệp", nhờ vậy mà ngay cả vụ đông xuân năm 2013-2014 có thời tiết cực đoan nhất (hơn 30 ngày nhiệt độ dưới 0 độ C ở một số nơi), nhưng chỉ có khoảng 2.800 con trâu, bò bị chết.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT- Phùng Đức Tiến cho biết, đợt rét đậm, rét hại vụ đông xuân 2007-2018 làm chết hơn 200.000 con trâu bò là một bài học. Trong đó, 18 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc và Duyên hải Bắc Trung Bộ là những tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hiện những địa phương này có hơn 1,9 triệu con trâu và hơn 2 triệu con bò, tương đương 47,6% tổng đàn đại gia súc của cả nước, chưa kể 40.000 con ngựa và 1,2 triệu con dê, cừu. Nếu không chủ động làm tốt công tác phòng chống rét thì hậu quả rất nặng nề. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem