Vùng đất “mẹ chết phải chôn con”: Vượt cạn ngoài lều

Thứ sáu, ngày 18/05/2012 06:07 AM (GMT+7)
Dân Việt - Khi trở dạ, người Mày làm lều ở ngoài bìa rừng để một mình vượt cạn. Không có người trợ giúp nên phong tục lạ lùng đó đã cướp đi mạng sống của nhiều hài nhi cũng như sản phụ…
Bình luận 0

Khi trở dạ, người Mày làm lều ở ngoài bìa rừng để một mình vượt cạn. Không có người trợ giúp nên phong tục lạ lùng đó đã cướp đi mạng sống của nhiều hài nhi cũng như sản phụ…

img
Bé Hồ Dưỡng trong vòng tay của chị và cũng là mẹ nuôi.

Thay mẹ nuôi em

Trời mưa tầm tã đã mấy ngày nên đường vào bản Kai lầy lội, nhão nhoét. Những ngôi nhà gỗ đen nhẻm xiêu vẹo của người Mày dưới trời thâm u, ủ dột càng khiến chiều rừng thêm phần buồn bã. Nhà sàn của Hồ Thị Lê, người đang nuôi thằng bé suýt bị chôn theo mẹ Hồ Dưỡng ở giữa bản.

Nhà không có cửa, gió lùa thông thốc. Trước khi vào đây, thông tin từ trạm biên phòng ở gần đó cho chúng tôi biết rằng, dân bản đang bị dịch… ghẻ hoàng hành. Phải gọi là dịch bởi ở đây nhiều người bị, nhất là trẻ con. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt theo kiểu cộng đồng khiến bệnh tình lây lan rất nhanh, cứ một người bị thì cả bản sẽ bị lây chỉ sau đó có vài ngày.

Ngồi một lúc thì Hồ Thị Lê về, địu sau lưng là thằng bé Hồ Dưỡng. Nó nằm nghẹo cổ, liu diu ngủ. Hồ Dưỡng cũng bị ghẻ, mẹ nuôi của nó cũng bị ghẻ. Nhìn bọn ruồi bu theo những cái nhún vai gầy gò của Lê, chúng tôi đoán biết điều này. Đúng thế thật. Những nốt ghẻ đã bu kín người thằng bé tội nghiệp. Thằng bé không mặc quần, chân tay nhăn nhúm, bủng beo. Nó bị suy dinh dưỡng nặng. Ở đây trẻ con có mẹ cũng thế huống chi nó mất mẹ từ khi mới lọt lòng.

Lê là mẹ nuôi của Hồ Dưỡng và cũng là chị ruột của thằng bé này. Mẹ mất, chị phải nuôi em, chuyện đó là lẽ đương nhiên với người ở nơi khác. Tuy nhiên, ở vùng đất ngó lên thấy núi, ngó xuống thấy rừng này thì không phải thế và không ai được phép làm thế. Lê chấp nhận nuôi em là một kỳ tích, là chuyện không thể tưởng tượng ở đây. Có được việc làm tưởng như đương nhiên này có công rất lớn của bộ đội biên phòng bởi nếu không có họ, thì giờ này, Hồ Dưỡng đã chẳng còn sống trên đời nữa.

Một mình vượt cạn

Ông Hồ Hùng - Trưởng bản Kai kể về chuyện hãi hùng xảy ra ở nhà chị Hồ Thị Lon (sinh năm 1971 - mẹ của Hồ Thị Lê và Hồ Dưỡng) hơn một năm về trước. Hôm ấy, trời cũng nặng trĩu như hôm nay. Chị Lon thấy đau bụng quằn quại. Nghĩ đứa con trong bụng đã cựa mình đòi ra, chị dọn đồ chuẩn bị ra chòi để đẻ. Người Mày với người Khùa ở đây đều có “thói quen” lạ lùng này.

Theo phong tục từ lâu đời của người Mày thì việc để phụ nữ đẻ ở trong nhà là điều cấm kỵ. Mọi người quan niệm, khi sinh nở, người phụ nữ không được sạch sẽ, bởi thế, nếu ở trong nhà, ma nhà nó sợ, nó bỏ đi thì mọi người sẽ gặp phải chuyện chẳng lành hay chí ít là ốm đau bệnh tật. Bởi thế, cứ khi thấy “cái bụng nó xuống thấp” thì người phụ nữ phải chuẩn bị hành lý để “dạt vòm”.

Họ chuyển ra ở hẳn chiếc chòi mà bất cứ gia đình nào khi có người chuẩn bị sinh nở đều phải làm sẵn để chờ. Ra đó, nếu ông chồng nào tâm lý thì còn lại qua giúp vợ, còn không thì chị em cứ vượt cạn một mình. Cơm nước tự lo, tự ăn tự ngủ, tự chăm sóc con khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời. Sau khi sinh chừng một tuần thì người chồng mới dọn dẹp nhà cửa, làm lễ báo cáo với ma mút (ma nhà) và đón vợ con vào.

Theo phong tục từ lâu đời của người Mày, khi sinh nở, người phụ nữ không được sạch sẽ, bởi thế, nếu ở trong nhà, ma nhà nó sợ, nó bỏ đi thì mọi người sẽ gặp phải chuyện chẳng lành hay chí ít là ốm đau bệnh tật.

Đây là lần thứ 5 chị Lon phải ra chòi ở. Những lần sinh trước, mấy ngày cữ, chị Lon cứ ở biệt trong chòi, không cho bất cứ ai thấy mặt. Người trong nhà cũng chẳng dám lai vãng, lại qua.

Mọi người biết sự tồn tại của chị qua những tiếng động sột soạt, rồi nhận biết sự xuất hiện của một sinh linh mới qua tiếng khóc khi thì khọt khẹt, khi thì oe oe chói tai trong đêm thanh vắng.

Lần sinh này cũng vậy. Tuy nhiên, đã hơn một giờ trôi qua mà đứa bé vẫn khóc, giọng lạc đi. Sao lần này nó khóc nhiều thế nhỉ, mẹ nó đâu, hay mẹ nó có chuyện gì? Những câu hỏi ấy, cùng tiếng khóc thảm thiết của đứa bé khiến những người trong nhà nằm nghe và ruột gan như lửa đốt.

Không thể nằm yên được nữa, anh Hồ Hoàng - chồng chị Lon vùng dậy cầm đèn chạy bổ ra chòi. Lật tấm bạt chắn ở cửa chòi lên, anh rụng rời chân tay khi thấy vợ mình nằm bất động, toàn thân lạnh ngắt.

Lay mấy lần nhưng chị vẫn nằm im, biết có chuyện chẳng lành, anh hô hoán mọi người đến giúp. Thế nhưng, việc đó cũng chẳng ích gì bởi chị Lon đã không thở nữa.

Bài cuối: Hủ tục rùng rợn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem