Vùng đất này của Thái Bình có vườn cây 20 năm tuổi, cứ mùa hè là trái chín đỏ rực cả một khúc sông

Thứ bảy, ngày 10/06/2023 06:05 AM (GMT+7)
Vườn vải trứng thuộc thôn Thượng Xá, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) được trồng từ những năm 2000 nhưng thời gian gần đây, vườn vải mới được biết đến và dần trở thành một điểm đến lý tưởng đối với nhiều người.
Bình luận 0

Biết đến quê hương Thái Bình với rất nhiều danh lam, thắng cảnh như: chùa Keo, đền Trần, bãi biển Đồng Châu, cồn Vành và gần đây là biển vô cực... nhưng khi đặt chân đến vườn vải ở thôn Thượng Xá, xã Quỳnh Minh chị Lê Khánh Hiền, sống ở thành phố Hà Nội không nghĩ Thái Bình lại có vườn vải trứng đẹp như vậy. 

Chị Hiền chia sẻ: Tôi lấy chồng ở thành phố Thái Bình nhưng thực sự không biết đến vườn vải này, chỉ khi bạn bè giới thiệu ở đây có vườn vải trứng rất đẹp được trồng hai bên bờ sông, nhân chuyến công tác tôi quyết định ghé thăm. Có đến đây tôi mới thấy được vẻ đẹp của vườn vải này. 

Hơn 1.000 cây vải có tuổi đời trên 20 năm được trồng dọc hai bên sông, từng chùm sai trĩu quả, chín đỏ cả một khúc sông. Không gian ở đây cũng rất đẹp, không khí trong lành, mát mẻ, mọi người vừa được chụp hình vừa được cùng người dân thu hoạch vải đầu mùa, thưởng thức hương vị ngọt đượm của những chùm vải trứng, với tôi đó là kỷ niệm khó quên.

Xã Quỳnh Minh hiện có khoảng 22 hộ trồng vải với trên 3.000 gốc, trong đó có trên 1.000 gốc vải trứng trồng ven sông Minh Hồng và 2.000 gốc được trồng trong dân. Giống vải ở đây được mang từ Hải Dương về trồng, vì quả to như quả trứng gà nên được gọi là vải trứng; đặc điểm vải ở đây chín sớm hơn so với các loại vải khác. 

Vùng đất này của Thái Bình có vườn cây 20 năm tuổi, cứ mùa hè là trái chín đỏ rực cả một khúc sông - Ảnh 1.

Người dân xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình thu hoạch vải trứng.

Nhờ kỹ thuật trồng khoa học, kết hợp với kinh nghiệm của người dân, những cây vải trồng trên 20 năm quả to, cùi dày, vị ngọt đượm, bán được giá nên người trồng rất phấn khởi.

Gia đình anh Đào Thế Dương, thôn Thượng Xá, xã Quỳnh Minh trồng 60 gốc vải trứng. Nhờ kinh nghiệm chăm sóc lâu năm nên vải ra đúng dịp, quả to, đầu vụ thương lái đến tận vườn thu mua. Năm nay vải được mùa, được giá nên anh và các hộ gia đình trồng vải rất phấn khởi. 

Anh Dương chia sẻ: Ưu điểm của giống vải trứng là chín sớm, thường cho thu hoạch vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 nên dễ bán. Nếu thời tiết thuận lợi, 60 cây sẽ cho thu hoạch 6 tấn quả, với giá bán tại vườn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, so với mọi năm vải năm nay được mùa lại được giá, người trồng có thu nhập ổn định.

Thời gian gần đây, rất nhiều du khách, nhất là giới trẻ thường xuyên đến tham quan vườn vải ven sông. Cùng với chiêm ngưỡng, lưu lại những khoảnh khắc đẹp họ còn được tham gia vào hoạt động hái vải và thưởng thức những quả vải chín ngay tại vườn. Vì vậy, biết tận dụng thế mạnh của địa phương và có hướng đi cụ thể sẽ giúp người trồng vải làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. 

Vùng đất này của Thái Bình có vườn cây 20 năm tuổi, cứ mùa hè là trái chín đỏ rực cả một khúc sông - Ảnh 2.

Mùa vải chín đỏ một khúc sông ở xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Ảnh: P.V

Ông Đặng Văn Đằng, Giám đốc HTX DVNN xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ cho biết: So với các giống vải khác, vải trứng của xã Quỳnh Minh có nhiều lợi thế: quả to đều, chùm sai quả, vị ngọt đượm, khi chín quả không bị sâu. Vì là trồng lâu năm nên sản lượng vải thu hoạch tương đối lớn. Riêng khu vực trồng tập trung hai bên ven sông Minh Hồng năng suất trung bình từ 80 - 100kg/cây. 

Với mức giá bán bình quân tại vườn khoảng 20.000 đồng/kg cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Song nếu tính giá trị thực tế so với thời gian trồng, những vườn vải này vẫn chưa phát huy đúng giá trị.

Để phát huy giá trị của vườn vải, xã Quỳnh Minh đang nỗ lực tạo thương hiệu cho cây vải trứng. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Với lợi thế sẵn có, địa phương đang hướng tới sản xuất vải trứng theo hướng VietGAP. 

Năm 2023, HTX DVNN xã đã đăng ký với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND huyện đưa cây vải trứng sớm trở thành sản phẩm OCOP. Nếu được huyện chấp thuận, địa phương sẽ tổ chức cho người dân trồng theo đúng quy trình, khi đó giá trị cây vải trứng sẽ tăng gấp 2 - 3 lần so với giá hiện nay và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, bà con sẽ có thu nhập cao hơn. 

Anh Đào Thế Dương, thôn Thượng Xá, xã Quỳnh Minh chia sẻ thêm: Nếu cây vải trứng của địa phương được công nhận sản phẩm OCOP sẽ là tín hiệu rất vui với người trồng. Bởi rất lâu rồi người dân trồng mang tính tự phát, chưa phát huy thế mạnh của giống vải này.

Với sự quyết tâm và định hướng cụ thể, tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương sẽ không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người trồng vải mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn vào mỗi dịp hè, qua đó quảng bá sản phẩm của địa phương, nâng cao giá trị cho cây vải.

Nguyễn Cường (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem