Quá nhiều vướng mắc, Chủ tịch HĐQT Thái Bình Seed Trần Mạnh Báo đề xuất sửa Luật Trồng trọt

Bình Minh Thứ sáu, ngày 26/05/2023 06:00 AM (GMT+7)
Theo Chủ tịch HĐQT Thái Bình Seed Trần Mạnh Báo, trong một số quy định của Luật Trồng trọt 2018 có nhiều điều vướng mắc, do vậy, ông Báo đề xuất sửa Luật Trồng trọt.
Bình luận 0

Công nhận lại giống cây trồng gay nhiều bức xúc

Mới đây các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phía Bắc có đơn đề nghị gửi Bộ trưởng Bộ NNPTNT và Cục Trồng trọt đề xuất xem xét, tháo gỡ một số nội dung liên quan tới khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan tới việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Trồng trọt.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chiều nay, 25/5, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, một số doanh nghiệp về vấn đề giống cây trồng. 

Tại buổi làm việc đã có 9 ý kiến của Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước để tháo gỡ cũng như giải đáp những vướng mắc trong việc thực hiện Luật Trồng trọt.

Thay mặt cho các doanh nghiệp, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đã gửi 8 kiến nghị. 

Quá nhiều vướng mắc, Chủ tịch HĐQT Thái Bình Seed Trần Mạnh Báo đề xuất sửa Luật Trồng trọt  - Ảnh 1.

Chiều 25/5, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, một số doanh nghiệp về vấn đề giống cây trồng. Ảnh: Lâm Hùng.

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho biết, sau hơn 3 năm kể từ khi Luật Trồng trọt bắt đầu có hiệu lực (từ ngày 01 tháng 1 năm 2020), hiện nay, nhiều đơn vị đang như "ngồi trên đống lửa", không biết sẽ sản xuất kinh doanh kiểu gì, khi mà những giống trước đây được sản xuất và bán bình thường thì giờ “đã quá 10 năm”, nếu sản xuất, kinh doanh sẽ vi phạm luật.

Việc công nhận lại theo quy định của Luật Trồng trọt năm 2018 đối với các giống đã được công nhận lần đầu cách đây 20 năm theo Quyết định 1659 ngày 13/5/1999 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, chúng tôi cho rằng, giống này đã được xã hội hóa bằng nguồn lực của doanh nghiệp nên diện tích sản xuất được mở rộng; việc công nhận lại đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất giống, đẩy giá giống tăng cao.

Quy định về thời gian công nhận giống cây trồng theo Luật Trồng trọt (10 năm với giống cây hằng năm, 20 năm với giống cây lâu năm) và bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ cũng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong trường hợp còn thời gian bảo hộ những vẫn phải thực hiện công nhận lại.

Ông Định đưa ra ví dụ như việc gia hạn quyết định công nhận lưu hành giống lúa, giống ngô không được bảo hộ nằm trong danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh bao gồm các giống: Xi21, Xi23, CR203, Q5, Khang dân, Hương thơm, Bắc thơm 7, Nếp 97, Ải 32, ĐV-108…; các giống lúa lai Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Sán ưu…, giống ngô LVN-10…

Những giống này đã được đưa vào sản xuất, kinh doanh một thời gian dài, ngắn nhất cũng đã có thời gian 20 năm, được đông đảo các doanh nghiệp ngành giống khuyến cáo sản xuất, kinh doanh nhiều năm trên hầu hết các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện tại, đây vẫn là các loại giống chủ lực của sản xuất và có thể nói đây là những giống đã được xã hội hóa.

Quá nhiều vướng mắc, Chủ tịch HĐQT Thái Bình Seed Trần Mạnh Báo đề xuất sửa Luật Trồng trọt  - Ảnh 2.

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho rằng việc công nhận lại giống cây trồng tại Luật Trồng trọt gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Bình Minh.

Nếu chiếu theo Luật Trồng trọt, tất cả những giống xã hội hóa không được bảo hộ này đều phải gia hạn quyết định công nhận lưu hành mới được tiếp tục sản xuất kinh doanh. Điều này đi ngược lại với các quy định về bảo hộ giống trong Luật Sở hữu trí tuệ, làm mất đi quyền được tự do sản xuất kinh doanh, mất đi công ăn việc làm của nhiều doanh nghiệp và bà con nông dân, gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp.

Đề xuất sửa Luật Trồng trọt

Đồng quan điểm, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Thái Bình Seed, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho biết, các nước trên thế giới xây dựng Luật Giống cây trồng, chúng ta từ Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004, hiện là Luật Trồng trọt.

Quá nhiều vướng mắc, Chủ tịch HĐQT Thái Bình Seed Trần Mạnh Báo đề xuất sửa Luật Trồng trọt  - Ảnh 3.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Thái Bình Seed, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đề nghị sửa đổi Luật Trồng trọt năm 2018. Ảnh: Bình Minh.

Ông Báo cho rằng, chỉ nên công nhận lại giống cây trồng sau khi Luật Trồng trọt ra đời. "Luật Trồng trọt chỉ nêu công nhận theo quyết định của Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004, nhưng có những cây trồng ra đời trước năm 2004 vẫn bắt công nhận lại, điều này gây nhiều bức xúc trong khi đó các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, nông dân đang sử dụng bình thường", ông Báo nêu vấn đề, đồng thời đề nghị nên sửa Luật Trồng trọt để phù hợp với thực tiễn.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đề xuất lãnh đạo Bộ NNPTNT đối với tất cả các giống cây trồng của các viện, trường đã hết hạn mà cần gia hạn lưu hành đề xuất giao cho địa phương công nhận "đặc cách" hoặc giao cho một đơn vị có thẩm quyền tiến hành gia hạn lại và tuyên bố được sử dụng tự do.

Quá nhiều vướng mắc, Chủ tịch HĐQT Thái Bình Seed Trần Mạnh Báo đề xuất sửa Luật Trồng trọt  - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đề xuất giống cây trồng của các viện, trường đã hết hạn mà cần gia hạn lưu hành đề xuất giao cho địa phương công nhận "đặc cách". Ảnh: Bình Minh

Trước những kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp, phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, giống cây trồng quyết định tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Do đó, quan điểm của Bộ NNPTNT là không ngại chỉnh sửa các thủ tục hành chính để những quy định của pháp luật sát với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất ra những bộ giống mới có chất lượng phục vụ sản xuất.

"Quy định nào, điều nào trong Luật Trồng trọt, nghị định, thông tư cần thiết phải sửa thì nhất định phải nghiên cứu để sửa", ông nói.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu Cục Trồng trọt tham khảo ý kiến của Vụ Pháp chế và Vụ Khoa học, công nghệ (Bộ NNPTNT), đồng thời Thứ trưởng đề nghị "giống nào chưa được công nhận nhưng vẫn có tỷ trọng lớn trong sản xuất phải xử lý, tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp". 






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem