Vùng đất ở Quảng Nam, dân đổi đời nhờ trồng một loại sâm lạ dưới tán rừng già
Vùng đất này ở Quảng Nam, dân đổi đời nhờ trồng một loại sâm quý dưới tán rừng già
Thứ hai, ngày 23/01/2023 08:06 AM (GMT+7)
Mùa thu hoạch đẳng sâm, Alăng Lơ, xã biên giới Ch’Ơm, huyện Tây Giang, (tỉnh Quảng Nam) gần như không ở nhà. Vài người làng đứng gần đó nói, từ sáng sớm anh đã lên rẫy phụ vợ chăm sóc dược liệu.
Chính xác là đẳng sâm. Sau gần 10 năm trồng xen canh trên đất rẫy, đã cho những củ to hơn nửa bắp tay nên tranh thủ thu hoạch, để kiếm tiền lo Tết.
Alăng Lơ là người Cơ Tu, Trưởng thôn Achoong (xã biên giới Ch’Ơm, huyện Tây Giang, Quảng Nam). Từ bỏ giảng đường đại học vì không đủ tiền theo đuổi ước mơ, trở về quê, anh tập hợp dân làng trồng đẳng sâm dưới tán rừng.
Vài năm trở lại đây, sâm cho thu hoạch sản lượng ổn định nên Alăng Lơ liên kết nhóm hộ sản xuất thành lập nên một hợp tác xã nông nghiệp, trở thành "chủ nhiệm đầu mối", như bây giờ.
Rẫy sâm dưới tán rừng già
Cánh rẫy của Alăng Lơ nằm chung trên phần diện tích rộng hơn 25ha đất trồng đẳng sâm của làng. Phía bên kia sườn núi, những loại dây leo xanh mởn phủ khắp cả lối đi, được trồng xen ghép cùng rẫy ngô dưới tán rừng già. Tất cả như "của để dành" của người làng Achoong sau thời gian nỗ lực tìm kiếm mô hình sinh kế phát triển cộng đồng.
Alăng Lơ, người gieo niềm tin cho cộng đồng Cơ Tu bằng mô hình phát triển kinh tế đẳng sâm tại thôn Achoong (xã biên giới Ch’Ơm, huyện Tây Giang, Quảng Nam).
Có khách, từ chòi duông, Alăng Lơ vội ngắt những đọt dây leo pha nước mời khách. Nâng chén nước mầu vàng nhạt, ông Lơ nói đó là đẳng sâm, một sản vật quý có giá trị kinh tế cao, góp công rất lớn cho sự đổi thay của làng vùng biên Achoong.
Nhấm nháp hương vị của loại thảo mộc vùng Trường Sơn Đông, ông Lơ nói, ở Achoong, gần như nhà nào cũng có vài ha đất rẫy trồng đẳng sâm. Nhưng, đẳng sâm thật sự được mở rộng, cũng chỉ vài năm trở lại đây, khi mặt bằng tái định cư được xây dựng, cuộc sống người dân ổn định hơn trước.
Ẩn sâu trong ký ức ngày cũ của ông Lơ, là khoảng trời lang bạt với cuộc sống "nay đây, mai đó". Chừng mươi năm trước, làng người Cơ Tu này nằm cheo leo trên sườn dốc, tách lập với bên ngoài. Làng cách làng phải mất vài ngày đường băng rừng, lội suối khiến chuyện học hành của trẻ cũng đầy gian nan.
"Cho đến khi chủ trương ổn định đời sống cho người dân vùng cao, xóa bỏ du canh du cư được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở, sự đổi thay mới bắt đầu. Làng Achoong này cũng không nằm ngoài cuộc, từ sự đồng thuận của cộng đồng, một mặt bằng mới được hình thành, tạo không gian sinh sống mới đầy sự ổn định và phát triển" - Alăng Lơ chia sẻ.
Đó là năm 2012, khi Achoong được triển khai dự án sắp xếp, ổn định dân cư miền núi. Nhưng, ổn định thôi chưa đủ. Sau nhiều năm trăn trở, cuối cùng, Alăng Lơ cũng nghĩ ra hướng đi mới, giúp người dân địa phương thoát nghèo. Bắt đầu từ gia đình mình, anh góp hết vốn liếng trồng thử nghiệm gần 5ha đẳng sâm. Chỉ sau vài năm, hiệu quả trông thấy nên mở rộng diện tích hỗ trợ người làng cùng làm ăn để thoát nghèo.
Một góc bình yên làng tái định cư Achoong giáp biên giới Việt Nam-Lào.
Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng sâm mới như một động lực để Alăng Lơ bắt tay thực hiện việc kết nối, hình thành các tổ liên kết, hợp tác trồng sâm trong cộng đồng.
"Mình vừa làm, vừa tuyên truyền người dân hiểu được giá trị của việc liên kết này, bởi đó không chỉ là bước đầu để tạo nên hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng chung, mà còn giúp ích trong việc giữ rừng, mở rộng đất trồng sâm, tạo ra sản phẩm đặc trưng của miền núi, nâng cao thu nhập cho chính cộng đồng Cơ Tu. Nhờ vậy, đến nay đã có 10 hộ tham gia thành viên của hợp tác xã, cung ứng chuỗi giá trị của sâm đến với thị trường" - Alăng Lơ tâm sự.
Ðổi thay, từ… "của để dành"
Cuối năm, làng Achoong trở nên chộn rộn bởi việc thu hoạch đẳng sâm trước Tết. Alăng Lơ nói, kể từ khi mở rộng trồng sâm, gần như thời điểm cuối năm trở thành mùa thu hoạch, đưa sản phẩm đẳng sâm của rừng xuống phố tiêu thụ...
Sau những nỗ lực của cộng đồng, đẳng sâm bây giờ đã trở thành "của để dành" giúp thay đổi tư duy cuộc sống, như một điểm tựa vững chắc trong hành trình thoát nghèo.
Nhưng, mọi thứ không phải tự nhiên mà có. Hành trình Alăng Lơ giúp người dân Achoong và các vùng lân cận thay đổi tập quán canh tác từ truyền thống sang phương thức mới, trong đó xây dựng tổ liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông sản trở thành hợp tác xã sau này cũng lắm những gian truân.
Khi những lứa sâm đầu tiên được triển khai, do thời tiết bất thường, gần như toàn bộ đã bị hư hại khiến gánh nặng cứ thế đè lên đôi vai của Alăng Lơ và các cộng sự. Tuy nhiên, không bỏ cuộc, họ quyết tâm làm lại từ đầu và đổi hướng canh tác mới. Miệt mài với công việc, chẳng bao lâu, vườn sâm cho kết quả như ý muốn. Mọi người vui mừng không biết thế nào tả hết.
Ông Bríu Hồ - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm nói với tôi, nếu không phải Alăng Lơ, khả năng đẳng sâm không thể hiện diện trên cánh rẫy của cộng đồng như bây giờ. Là bởi, sau nhiều lần thất bại, mô hình trồng đẳng sâm trước đây đang dần rơi vào… ngõ cụt, thì may thay, lúc đó Alăng Lơ thông báo mình thành công bằng phương pháp trồng xen canh dưới rẫy ngô.
Vậy là tiếp tục triển khai. Chính quyền địa phương vận động người dân thay đổi tư duy canh tác mới, xem đó như hành trình đứng dậy để thoát nghèo. Từ sự hỗ trợ của chính quyền, doanh nghiệp và đơn vị kết nghĩa, vài năm trở lại đây, đẳng sâm được biết đến như "thương hiệu" riêng có của xã, với hàng trăm ha được trồng dưới tán rừng.
Câu chuyện của Bríu Hồ làm tôi nhớ đến lời nhận xét của Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Giang Trần Văn Ta về nghị lực của Alăng Lơ trong vai trò tiên phong xây dựng mô hình trồng sâm kiểu mẫu, giúp địa phương kết nối, tập hợp các hộ trồng sâm thành tổ liên kết nông sản, tạo nền tảng hình thành hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của xã biên giới.
Sau thời gian đi vào hoạt động, mô hình kinh tế nông nghiệp Ch’Ơm bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nhất là giúp các hộ tham gia trồng sâm theo phương thức mới.
"Trên cơ sở giúp người dân thay đổi nhận thức và tư duy trong phát triển cây dược liệu, Alăng Lơ với vai trò là Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp của xã đã góp phần phát triển kinh tế bằng sản vật địa phương, mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững cho chính bản thân và người dân miền núi", Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Giang nhấn mạnh.
Trong cơn rét của núi, màn sương như phủ xuống từng mái nhà. Tôi theo chân Alăng Lơ di một vòng khu tái định cư và thấy ở đó một cuộc sống mới đang hiện hữu.
Một tốp thanh niên đang hì hục hoàn tất công đoạn làm x’rur (cây nêu), chuẩn bị cho hội làng vùng cao, mừng Tết. Phía gươl - nhà truyền thống cộng đồng, những phụ nữ Cơ Tu vừa trở về sau đợt thu hoạch đẳng sâm, nụ cười lung linh bóng nắng…
Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’ling Mia cho biết: Ở địa phương, ngoài sâm ba kích, đẳng sâm được xem như loại cây dược liệu chủ lực, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Giá đẳng sâm bây giờ được bán tại chỗ khoảng 150-200 nghìn đồng/kg, trong đó sâm hai đến bốn tuổi có giá 250-300 nghìn đồng/kg. Toàn huyện Tây Giang có khoảng 1.475ha diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng; trong đó đẳng sâm hơn 540ha, chủ yếu phát triển tại các xã biên giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.