Vùng lõi nghèo ở một huyện của Phú Thọ đang "thay da đổi thịt", xuất hiện nơi ví là "phố trong bản"
Vùng lõi nghèo ở một huyện của Phú Thọ đang "thay da đổi thịt", xuất hiện nơi ví là "phố trong bản"
Hoan Nguyễn
Thứ hai, ngày 12/02/2024 06:06 AM (GMT+7)
Trung Sơn là xã thuộc vùng 135 của huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Những năm gần đây, vùng lõi nghèo Trung Sơn đã dần“thay da đổi thịt” khi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, người dân mạnh dạn trồng quế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo…
Trước đây, các hộ dân khu Đâng (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) sống phân tán ở những ngọn đồi, sườn núi quanh khu vực Ngòi Giành, lối dẫn vào nhà chỉ là những đường đất nhỏ hẹp. Năm 2020, khi thực hiện dự án hồ Ngòi Giành, người dân thuộc diện thu hồi đất được di dời về khu tái định cư Đâng khang trang sạch đẹp, đường sá đi lại thuận tiện, ôtô có thể chạy đến tận nơi.
Ngày giữa tháng Chạp, dẫn chúng tôi xem những ngôi nhà được xây mới, kiên cố của người dân, ông Định Văn Nghị - Trưởng khu Đâng cho biết, mùa xuân này là cái tết thứ 4 bà con đón năm mới tại khu tái định cư Đâng, xã Trung Sơn.
Khu tái định rộng tới 8ha với gần 70 hộ dân sinh sống. Người dân trong xã Trung Sơn ví khu tái định cư Đâng như "phố trong bản" bởi những ngôi nhà cao tầng, san sát, đường ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, hiện đại.
Thu nhập bình quân đầu người của xã Trung Sơn đã đạt 33 triệu đồng/năm; xã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong năm 2024, xã Trung Sơn phấn đấu có một khu dân cư nông thôn mới.
Đang tất bật dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, bà Phùng Thị Mơ (khu Đâng, xã Trung Sơn) cho biết, hơn chục năm trước, người dân ở đây khổ lắm, đất nhiều nhưng không có kinh nghiệm canh tác nên thiếu ăn thiếu mặc thường xuyên.
"Từ khi gia đình được hỗ trợ kinh phí đào giếng khoan, đường ống dẫn nước, téc chứa nước, rồi còn được phát cây, con giống và hướng dẫn cách nuôi, trồng, chăm sóc, chúng tôi đã phủ xanh đất trống đồi trọc. Những cánh rừng quế xanh bạt ngàn cho thu hoạch đều mỗi năm, giúp gia đình tôi thoát nghèo, cuộc sống ấm no, sung túc lên rõ rệt" - bà Mơ nói.
Không chỉ khu Đâng đang thay da đổi thịt từng ngày, mà diện mạo nhiều khu miền núi xa xôi, nghèo khó khác của xã Trung Sơn cũng đang từng ngày khởi sắc. Ông Nguyễn Xuân Thành - Bí thư Đảng ủy xã vẫn nhớ như in những ngày tháng không điện, không đường, không trường, không trạm ở Trung Sơn trước kia.
"Trước năm 2000, mỗi lần ra huyện họp, chúng tôi đều phải đi vài ba ngày, có khi cả tuần. Bắt đầu từ năm 2000, tuyến đường đất từ xã Xuân An lên Trung Sơn được khánh thành, xã có một vài người mua được xe máy nhưng đều phải gửi ở trụ sở xã Xuân An vì đường dốc, khó đi. Có thời điểm chúng tôi đi huyện họp về gặp trời mưa, lũ tràn, phải ngủ nhờ nhà dân, chờ nước rút mới tiếp tục trở về được nhà" - ông Thành kể.
Được nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2002, trụ sở xã Trung Sơn được xây dựng khang trang, học sinh được học trong những lớp học kiên cố, trạm y tế được đầu tư đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu của người dân. Năm 2006, xã Trung Sơn đã có điện lưới quốc gia và đến năm 2009 có đường nhựa chạy qua xã.
Có điện, đường sá đi lại thuận lợi, nhiều hộ dân cũng mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, vươn lên thoát nghèo.
Ông Đinh Văn Đoá - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn chia sẻ: "Trung Sơn hôm nay thật sự đã thay đổi. Hai bên đường, xen lẫn màu xanh đồi quế là những ngôi nhà khang trang còn nồng mùi sơn mới. Sống nhờ rừng, bám vào rừng và trông coi rừng, người Dao, Mông ở xã không còn nghĩ đến chuyện du canh nữa. Đến vụ quế, có nhà thu được cả trăm triệu đồng. Trước năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã tới 80% thì hết năm 2023 đã giảm còn 18,7%".
Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết thêm, nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn chương trình 135, xã Trung Sơn đã từng bước hoàn thiện các công trình hạ tầng, góp phần phát triển - kinh tế xã hội của toàn xã.
"Để giúp người dân thoát nghèo, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, những năm qua, Đảng ủy xã Trung Sơn đã ban hành nghị quyết phát triển cây quế. Hiện Trung Sơn có hơn 2.000ha trồng quế, nhà ít có vài ha, nhà nhiều hơn 20ha. Ngoài ra, xã còn động viên, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và tận dụng nguồn nước Ngòi Giành phát triển thủy sản…" - ông Đóa cho biết.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, xã Trung Sơn còn chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc sắc văn hóa các dân tộc Mường, Dao, Mông. Theo đó, xã đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa, thể thao, tận dụng hồ Ngòi Giành để phát triển du lịch sinh thái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.