Vùng nguyên liệu mía hết lo chạy lũ

Thanh Duy Thứ năm, ngày 25/02/2016 15:19 PM (GMT+7)
Để khắc phục tình trạng thu hoạch mía chạy lũ cũng như phát triển cây mía lâu dài, năm 2012, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, Hậu Giang đã triển khai xây dựng Dự án “Tu bổ nâng cấp đê bao vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp”. Qua 3 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành góp phần nâng cao thêm thu nhập cho nông dân trồng mía trong vùng đê bao.
Bình luận 0

Chi 182 tỷ đồng chống lũ

Phụng Hiệp là huyện có vùng mía nguyên liệu lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích sản xuất bình quân hàng năm trên 7.000ha. Tuy nhiên, do là vùng trũng, thấp nên nhiều diện tích mía ở đây thường bị ngập mỗi khi mùa lũ về. Chính vì thế, để tránh tình trạng nông dân thu hoạch mía sớm chạy lũ, năm 2012, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư hơn 182 tỷ đồng xây dựng hệ thống đê bao chống lũ, với tổng diện tích khép kín 6.767ha.

img

Nhờ đê bao chống lũ, giúp bà con trồng mía an tâm sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ảnh: Thanh Duy

Theo tổng đề án quy hoạch thời gian thực hiện trong 3 năm, chia thành 5 tiểu vùng, với 3 xã và 2 thị trấn, tổng chiều dài được nạo vét trên 150km. Thực hiện dự án này, xã Tân Phước Hưng là một trong những địa phương được ưu tiên về diện tích làm đê bao khi có hơn 2.321ha được khép kín, chiếm hơn 30% tổng diện tích làm đê bao của toàn huyện.

Việc xây dựng hệ thống đê bao được xem là giải pháp chiến lược nhằm ổn định cây mía cho các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh. Đê bao sẽ giúp bà con chủ động hơn trong thu hoạch mía, đồng thời ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có thể trồng mía lưu gốc hoặc trồng rải vụ quanh năm”.

Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Những năm trước khi chưa có đê bao, đến vụ thu hoạch mía, người dân vẫn lo canh cánh việc nước lũ sẽ dâng cao bất cứ lúc nào, làm ảnh hưởng đến năng suất mía. Từ khi đê bao hoàn thành, những ruộng mía không còn bị ngập, đã giải quyết được tình trạng thu hoạch mía chạy lũ. Không chỉ nông dân yên tâm sản xuất mía mà chính quyền địa phương cũng phấn khởi không kém. 

Nhớ lại niên vụ mía năm 2011, nước lũ đổ về bất ngờ, làm ngập hàng ngàn ha mía ở những khu vực vùng trũng như: Hiệp Hưng, Hòa Mỹ, Phương Bình, cây mía bị ngập khoảng 5 tấc nước. Năm ấy những diện tích thu hoạch không kịp bị thiệt hại từ 15- 20% năng suất.

Nâng cao hiệu quả kinh tế

Ngoài giúp người dân chủ động bơm thoát nước khi có lũ, dự án kiên cố đê bao còn giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Chính vì thế khi dự án được triển khai, ngoài hệ thống đê bao, dự án còn được Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) hỗ trợ 10 trạm bơm tập trung để giúp người dân chủ động nguồn nước tưới, áp dụng kỹ thuật trồng mía lưu gốc.

Lão nông Nguyễn Văn Hiền, ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng cho biết: “Trồng mía lưu gốc có nhiều cái lợi, như tiết giảm được giống, nhân công lao động, phân thuốc, bên cạnh đó mía cho thu hoạch ở thời điểm nghịch vụ nên giá bán cũng ở mức khá cao”.

Năm đầu tiên áp dụng kỹ thuật trồng mía lưu gốc, nông dân Phụng Hiệp đã lưu gốc được 574ha. Mía lưu gốc được trồng thu hoạch vào thời điểm nghịch vụ nên giá bán khá cao. Hiện nay thương lái đến tận rẫy mía của nông dân thu mua với giá 1.800- 2.000 đồng/kg, với mức giá này cộng với năng suất mía ổn định 15 tấn/công, người trồng mía lưu gốc đạt lợi nhuận 15- 20 triệu đồng/công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem