Thu hoạch kép từ trồng mía dự án

Thu Hà Thứ sáu, ngày 04/12/2015 09:11 AM (GMT+7)
Tham gia dự án “Mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp”, được hỗ trợ giống mía, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) thay đổi tư duy canh tác cũ, tăng thu nhập cho gia đình...
Bình luận 0

Phát huy lợi thế sẵn có

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trung Kiên – Phó Chủ tịch Hội nông dân (ND) tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc có lợi thế về đất, điều kiện sinh thái thuận lợi cho phát triển cây mía đường, nông dân ở đây lại có kinh nghiệm trồng mía. Bên cạnh đó, Nhà máy Mía đường Tuyên Quang (thuộc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương) đóng trên địa bàn có nhu cầu 300.000 tấn mía/vụ, tương đương với diện tích 5.000ha.

img

Anh Lâm Văn Cận, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) phấn khởi trước 1 vụ mía bội thu.  Ảnh: Thu Hà

“Xuất phát từ những lý do trên, cùng với sự giúp đỡ của Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (thuộc T.Ư Hội NDVN), Hội ND tỉnh Tuyên Quang đã triển khai dự án “Mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp” ở 2 xã Thắng Quân và Xuân Vân (huyện Yên Sơn). Tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ dự án có 25 hộ với tổng diện tích 10,5ha”- ông Kiên cho hay.

Theo ông Vũ Thanh Tùng – Chủ tịch Hội ND xã Thắng Quân, địa phương có gần 300 hộ trồng mía với tổng diện tích hơn 180ha. Tham gia dự án, các hộ được hỗ trợ không hoàn lại giống mía và vật tư, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và được Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cam kết bao tiêu sản phẩm. Để tránh gây so bì, Hội ND xã đã tổ chức họp bình xét công khai từng chi hội; lựa chọn các hộ có nhu cầu và phù hợp với các tiêu chí về diện tích, kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc mía, có khả năng tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật… Kết quả Hội ND xã Thắng Quân đã chọn được 14 hộ tham gia dự án với tổng diện tích trồng mía là 5ha.

Thu nhập tăng

 Tham gia dự án có 25 hộ nông dân của 2 xã Xuân Vân và Thắng Quân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) với tổng diện tích 10,5ha. Các hộ được dự án hỗ trợ cấp không thu tiền mía giống ROC 22 và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Gia đình anh Lâm Văn Cận, dân tộc Cao Lan, ở xã Thắng Quân có 0,8ha đất đồi. Trước đây anh Cận trồng sắn. Khoảng 5 năm trở lại đây thấy các hộ dân trong xã trồng mía cho thu nhập khá, anh Cận bèn chuyển 0,3ha sang trồng mía. Theo anh Cận, mía là cây có khả năng chịu hạn tốt nên rất thích hợp với đất đồi khô cằn vùng trung du miền núi. Ngoài ra, mía có khả năng lưu gốc đến năm sau nên đỡ công và giống trồng vụ sau. Hiện gia đình anh đã chuyển hết 0,8ha đất đồi sang trồng mía.

Tháng 2.2015, được chọn tham gia dự án trồng mía với diện tích 0,5ha, gia đình anh được hỗ trợ 5 tấn mía giống ROC 22, 100kg đạm, 150kg lân, 100kg kali, vôi bột và thuốc bảo vệ thực vật nên mừng lắm. “Tham gia dự án chúng tôi còn được cán bộ nông vụ của công ty tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng bệnh cho cây mía nên năng suất mía cao hơn hẳn. Dự tính vụ mía này tôi thu được hơn 60 tấn mía, với giá công ty ký thu mua là 900.000 đồng/tấn, tôi sẽ có khoản tiền kha khá”.

Cách vạt mía của anh Cận không xa là vạt mía của chị Phan Thị Bình, dân tộc Tày. Chị Bình hồ hởi nói: “Làm nông nghiệp vất vả, quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Gia đình tôi có 0,7ha mía tham gia dự án, xuống giống từ tháng 3. Khoảng cuối tháng 12 này gia đình tôi sẽ thu hoạch. Năm nay mía tốt, đều cây nên chắc sẽ để ra được khoản tiền ăn tết và nuôi con cái ăn học”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem