Vùng tứ giác kinh tế Đông Nam bộ, vươn mình “hút” vốn FDI
Vùng tứ giác kinh tế Đông Nam bộ, vươn mình “hút” vốn FDI
Nha Mẫn
Thứ năm, ngày 24/11/2022 16:10 PM (GMT+7)
Vùng tứ giác kinh tế Đông Nam bộ là khu vực phát triển kinh tế năng động, sáng tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước. Thời gian qua các tỉnh thành trong tứ giá kinh tế liên tục là những địa phương xếp tốp đầu cả nước về thu hút nguồn vốn FDI.
Vùng tứ giác kinh tế Đông Nam bộ gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là khu vực phát triển kinh tế năng động, sáng tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước. Đây là nơi tập trung nhiều KCN, cụm công nghiệp và là một trong những tỉnh thành thuộc tốp về thu hút vốn FDI.
Vào những năm thập niên 80, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ bắt đầu mở cửa đón dòng vốn FDI. Dần dần nhờ phát triển kinh tế, dòng vốn đổ vào ngày càng nhiều và những năm gần đây đã hình thành tứ giác kinh tế. Các tỉnh thành trong tứ giác kinh tế, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo ra liên kết vùng, liên kết khu vực.
Cụ thể, tại Đồng Nai, sau hơn 30 năm thu hút FDI, Đồng Nai đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào với 1.551 dự án và tổng vốn đăng ký còn hiệu lực gần 33 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản là những quốc gia, vùng lãnh thổ đứng đầu trong đầu tư vốn vào Đồng Nai.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, dòng vốn FDI rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động tại địa phương và các tỉnh thành khác.
Trong thu hút đầu tư FDI, tỉnh ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động. Hiện Đồng Nai gặp khó khăn trong thu hút FDI là diện tích đất công nghiệp còn rất ít, trong khi các khu công nghiệp mới đã được Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được cấp chủ trương đầu tư.
Mục tiêu của Đồng Nai là đến năm 2030 sẽ đứng thứ 3 cả nước về độ lớn của nền kinh tế, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ thu hút vốn FDI thêm khoảng 12 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết: “Năm nay, thu hút vốn FDI vào các KCN trên địa bàn tỉnh không được thuận lợi, vì diện tích đất công nghiệp cho thuê còn rất ít. Do đó, những dự án FDI cần diện tích đất lớn, từ 5-10ha trở lên rất khó tìm KCN để thuê đất. Cũng vì không còn đất công nghiệp diện tích lớn để cho thuê nên tỉnh đã bỏ lỡ một số dự án lớn với tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD”.
Còn tại Bình Dương, năm 2022, các chỉ tiêu quan trọng đều giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 269.440 tỷ đồng, tăng 16,8%.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 9%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 25,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 1%.
Riêng trong 10 tháng năm 2022 tỉnh đã thu hút 2,84 tỷ đô la Mỹ gồm 61 dự án mới, 20 dự án điều chỉnh tăng vốn và 158 dự án góp vốn mua cổ phần. Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó đứng đầu là Đài Loan với 862 dự án và tổng số vốn đầu tư là 6,2 tỷ đô la Mỹ; thứ hai là Nhật Bản với 339 dự án và tổng số vốn đầu tư là 5,8 tỷ đô la Mỹ; thứ ba là Singapore với 277 dự án và tổng số vốn là 5,4 tỷ triệu đô la Mỹ...
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói rằng giai đoạn này Bình Dương ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thông tin và viễn thông, điện - điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Tỉnh tiếp tục đổi mới và phát triển đa dạng các loại hình khu công nghiệp khoa học - công nghệ, cụm công nghiệp công nghệ cao. Nghiên cứu phương án dịch chuyển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lên phía Bắc của tỉnh.
Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ tính 10 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 38 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 705,73 triệu USD; cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư 52 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký tăng thêm 21.765,5 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2022, trên địa bàn tỉnh thu hút được nguồn vốn đầu tư khoảng 1.455 triệu USD. Hiện nay, với tổng vốn đầu tư đạt 33 tỷ USD, Bà Rịa-Vũng Tàu đang đứng thứ 5 về thu hút đầu tư nước ngoài và đứng thứ 5 về tổng sản phẩm quốc nội GDP (PIB).
Bà Rịa - Vũng Tàu đang ngày càng có vị thế, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn làm điểm dừng chân.
Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói rằng tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu được định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, là trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam bộ.
Khi nói về việc lựa chọn đầu tư tại các tỉnh thành trong tứ giác kinh tế, nhiều nhà đầu tư đều bày tỏ sự hài lòng cũng như chia sẻ về việc được địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (nếu có).
Doanh nghiệp FDI tỏ rõ sự tin tưởng
Theo ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 5, Đồng Nai, vốn đầu tư trên 1,8 tỷ USD), năm 2007, Tập đoàn Hyosung đã chính thức có mặt ở Đồng Nai và thành lập Công ty TNHH Hyosung Việt Nam để đầu tư nhà máy sản xuất các loại sợi xuất khẩu và tiêu thụ ở thị trường nội địa.
“Từ khi đầu tư vào Đồng Nai, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, mọi khó khăn vướng mắc được kịp thời tháo gỡ nên hoạt động của công ty luôn thuận lợi. VớI góc độ của nhà đầu tư, tôi thấy tỉnh có lợi thế rất lớn từ vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật, tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất các ngành nghề khác nhau, có công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Vì vậy các doanh nghiệp đặt nhà máy sản xuất ở Đồng Nai rất dễ dàng trong liên kết cung ứng sản phẩm đầu vào, đầu ra cho nhau”, ông Kim Chi Hyung nói.
Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam Chien Chih Ming cho biết: “Các doanh nghiệp Đài Loan rất quan tâm và muốn mở rộng đầu tư vào Đồng Nai ở nhiều lĩnh vực như: bất động sản, thương mại dịch vụ, logistics. Tỉnh muốn thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào những lĩnh vực trên phải tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đầu tư, đất đai”.
Tương tự ông Chang Bok Sang – Phó Chủ tịch Kotra Hàn Quốc đang đầu tư tại Đồng Nai cho hay: “Tôi được biết đã có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến Đồng Nai đầu tư và con số ngày càng tăng. Về vị trí địa lý Đồng Nai sát bên TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đang được đầu tư hoàn thiện nên thuận lợi cả giao thông lẫn giao thương”.
Ông Pattaphong Iamsuro, đại diện Công ty TNHH Thủy tinh BJC Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2) nói rằng trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp đã được Ban Quản lý KCN Mỹ Xuân A2 cũng như chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều về thủ tục pháp lý.
Đặc biệt ở đây có lợi thế về giao thông, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao nên giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc sản xuất và vận chuyển nguyên vật liệu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.