Vườn lan của ông Nguyễn Chí Toàn (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) hiện đang có gần 200 giống lan các loại, trong đó chủ yếu là lan rừng Tây Nguyên và một số ít giống lan ngoại nhập khác. Để có được số lượng lan rừng đồ sộ như trên ông Toàn đã mất nhiều năm cất công tìm kiếm khắp các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Ông Toàn cho hay: "Tôi năm nay tuổi cũng đã lục tuần nhưng thú chơi lan chỉ mới ''chớm nở'' trong khoảng 10 năm trở lại đây. Chuyện là thuở trước, tôi đi đặt ong trong rừng, bắt gặp được nhiều giống lan quý, đẹp nên cảm thấy thích và đem về nhà chơi. Lâu dần cảm thấy ''nghiền'' lan rừng nên cất công sưu tầm, mua những loài quý về chơi và tìm cách nhân giống chúng.".
Chơi lan rừng không phải là thú vui xa xỉ, nhưng để chơi được lan rừng thì phải có cái ''duyên" với nó. Nói như vậy vì một lẽ, trước khi chơi lan rừng phải hiểu, nắm được đặc tính của loài thực vật này. Mua được một gốc lan rừng thì dễ nhưng để chăm sóc, gìn giữ giúp nó đơm hoa đúng thời điểm thì không phải chuyện giản đơn.
Hiện trong vườn của ông Toàn đang có nhiều loại lan rừng quý như lan nghinh xuân, lan hạt đỉnh nâu, lan hạt đỉnh vàng, lan long tu... giá thành lan rừng vườn ông cũng chỉ dao động khoảng từ 200.000 đến 5 triệu đồng. Cá biệt một số loài lan rừng đột biến như giã hạc, thủy tiên thì giá lên đến 50 đến 100 triệu đồng. Đối với giống lan đột biến, đến mùa ra hoa có màu sắc rất bắt mắt, mùi hương dễ chịu...
Hiện, ông Toàn cũng là một trong số ít người chơi lan rừng ở Tây Nguyên chịu khó tìm tòi, nhân giống lan rừng với số lượng lớn. ''Đến khoảng tháng 3,4 trong năm, tôi bắt đầu nhân giống lan rừng. Nhân giống loài này không khó như nhiều người vẫn nghĩ, điều quan trọng phải nắm vững kỹ thuật, đặc tính của lan. Mỗi năm, tôi nhân giống được khoảng 300 đến 500 gốc lan. Quá trình này mất nhiều thời gian, công sức...'', ông Toàn cho hay.
Vườn lan của ông Toàn có giá trị không dưới 1 tỉ đồng. Tuy vậy, khi được hỏi tại sao không kinh doanh lan rừng với số lượng lớn, ông Toàn cười nói: "Tôi đã già rồi, chơi lan rừng vì sở nguyện chứ không đặt nặng vấn đề kinh tế. Những ai hiểu, quý lan rừng thì có thể tìm đến nhà mua. Nhiều năm nay, lan của tôi cũng chỉ chủ yếu bán cho những người quen, cùng chung niềm đam mê.".
Bảo Trung (Báo Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.