Người đàn ông kể lại khoảnh khắc vượt cơn bão dữ cứu ngư dân

Bùi My Thứ hai, ngày 16/09/2024 14:40 PM (GMT+7)
Thấy giữa biển mịt mờ có thứ gì chới với, ông Nguyễn Sỹ Bính (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) không quản nguy hiểm, chạy xuồng ra để kiểm tra. Nhờ đó, ông Bính cứu được 4 ngư dân khỏi cơn "thập tử nhất sinh".
Bình luận 0

Đã hơn 1 tuần sau trận bão lịch sử quét qua Quảng Ninh, chúng tôi tiếp tục quay trở lại Vân Đồn - một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề do siêu bão Yagi gây ra, nhất là thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản. Vân Đồn hôm nay đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại, từng đoàn thuyền ra vào bến cảng, mang theo những mẻ tôm cá sau bão vào bờ.

Vượt bão dữ cứu người

Sau nhiều cuộc điện thoại chập chờn, chúng tôi cũng gặp được ông Nguyễn Sỹ Bính ở bến tàu, rồi theo ông lên xuồng ra đảo Phất Cờ. Mưa gió đã ngừng từ lâu, những tia nắng vàng rực nhảy nhót trên mặt biển Vân Đồn trong xanh. Thế nhưng biển Vân Đồn giờ đây chẳng còn những "cánh đồng" nuôi hàu, nuôi cá lồng bè thẳng cánh cò bay, mà chỉ còn những mảnh bè vỡ, những quả phao nhựa trôi dạt trên biển. Tài sản có khi lên tới hàng tỷ đồng của người nuôi biển giờ chỉ còn lại vài phao nhựa, có những người thậm chí còn chẳng thể tìm lại bè của mình.

Vượt bão dữ cứu ngư dân - Ảnh 9.

Ông Nguyễn Sỹ Bính (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) rẽ sóng, đưa mọi người ra đảo Phất Cờ. Ảnh: Bùi My

Tôi đã từng một vài lần theo chân các đoàn tham quan của Bộ, ban, ngành thăm khu nuôi trồng thủy sản của HTX nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (thôn 5, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) do ông Nguyễn Sỹ Bính làm Chủ tịch HĐQT. Ông Bính không chỉ là một trong những người tiên phong nuôi hàu treo dây, nuôi cá lồng bè ở vùng biển Phất Cờ, mà còn là một trong những người tiên phong thay thế vật liệu nổi từ phao xốp sang phao nhựa đầu tiên trong tỉnh.

Người đàn ông dong dỏng cao, gương mặt sương gió, da ngăm đen, cháy nắng, lái xuồng đưa chúng tôi ra khu vực đảo Phất Cờ. Chiếc áo công nhân trên người ông ướt đầm, gió biển không thể hong khô, không biết là mồ hôi hay nước biển.

Cũng giống như những người nuôi biển Vân Đồn khác, ông Nguyễn Sỹ Bính thiệt hại rất nhiều tài sản chỉ sau vài tiếng siêu bão Yagi quần thảo. Vậy nhưng suốt cuộc trò chuyện, ông Bính chẳng nói gì mấy đến những thiệt hại của bản thân, mà chỉ hào hứng kể về chuyện ông cứu được 4 người gặp nạn trong cơn siêu bão vừa rồi.

Ông Bính kể, sau khi chằng chống, gia cố lồng bè, ông cùng một vài người vào khu tránh trú bão sát vách núi. Gió ngày một mạnh, cơn bão càn quét qua vùng biển Vân Đồn với sức gió cấp 13-14 giật cấp 17. Rõ ràng giữa ban ngày, nhưng không gian tối đen như ban đêm.

Vượt bão dữ cứu ngư dân - Ảnh 2.

Anh Đặng Xuân Tiến (quản lý trang trại STP Group) bày tỏ cảm phục lòng dũng cảm của ông Bính. Ảnh: Bùi My

Mọi người cố thủ trong nhà tránh trú bão, chứng kiến cuồng phong quật gãy mọi thứ trên biển, từ nhà bè, lồng bè cá, đến dây nuôi hàu trên biển. Sau đó lại là những đợt sóng cao 5 - 7m, đục ngầu chồm lên như muốn dìm mọi thứ vừa bị bẻ gãy xuống đáy biển.

Khi những đợt gió giật mạnh nhất của cơn bão số 3 đang tàn phá vùng biển Vân Đồn, ông Bính nhìn thấy có thứ gì đó chới với giữa mịt mù cuồng phong. Lòng ông nóng như lửa đốt, bởi có thể đó là ngư dân gặp nạn.

Khoảng 2 giờ chiều, lựa lúc gió hơi giảm giữa những đợt rít gào, ông Bính nhận định tình hình rồi xuống xuồng. Với nhiều năm kinh nghiệm trên biển, ông Bính ghì chặt tay lái, vượt sóng, nương theo hướng gió để đến gần những dây phao nhựa nuôi hàu. Và trực giác của ông Bính đã đúng. Đó là 4 người gồm 3 nam và 1 nữ đắm tàu xi măng, đang bám víu vào đám phao nhựa nuôi hàu đang trôi dạt, chuẩn bị phó mặc cho số phận.

Cứu người là phản xạ tự nhiên

"Không phải tôi liều đâu, tôi cũng phải đảm bảo trong tầm kiểm soát thì mới đi, chứ không mạo hiểm tính mạng của mình. Thấy người gặp nạn, dù bất cứ ai cũng cứu thôi, giống như phản xạ tự nhiên vậy. Việc này nói ra không phải để lấy thành tích. Quan điểm của tôi là giúp người hoạn nạn là mình hạnh phúc rồi", ông Bính nói.

Sau hàng giờ vật lộn trên biển giữa cuồng phong, 4 người gần như đã không còn sức lực. Ông Bính nhiều lần quăng dây để kéo người lên xuồng không thành, ông Bính phải lôi thốc họ lên xuồng. Chiếc xuống mấy lần chao đảo, nhưng vẫn vững vàng trước sóng gió, rồi mang theo 5 người về bờ an toàn.

"Lúc đó chắc cũng chia tay, nói lời trăng trối với nhau rồi. Trong 4 người có một đôi vợ chồng, họ còn buộc tay nhau vào, nếu không qua được cơn thiên tai thì cũng không sợ lạc mất thi thể", ông Bính kể lại.

Anh Đặng Xuân Tiến (quản lý trang trại STP Group) là một trong những người chứng kiến ông Bính cứu người trong bão số 3. Nhớ lại ngày cơn bão quần thảo biển Vân Đồn, anh Tiến cảm thấy chưa bao giờ sợ hãi thiên nhiên đến như vậy.

"Khi đang trong nhà tránh trú, tôi thấy chú Bính phi xuồng vào trong bờ. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng ở nhà chú Bính có việc nên mới vội vàng xuống xuồng. Thế nhưng chú ấy đi đến giữa chừng rồi dừng xuồng lại. Trên biển lúc đó trôi nổi rất nhiều vật thể nguy hiểm, chỉ cần bị cuốn vào chân vịt là xuồng sẽ chết máy. Tôi cứ nghĩ xuồng của chú Bính xảy ra sự cố. Khi mưa gió tan một chút, tôi mới nhìn rõ chú Bính đang vớt người lên xuồng. Lúc đấy mọi người cũng tình trạng cũng ngắc ngoải rồi. Nếu không có chú Bính kịp thời cứu vớt, có lẽ bốn người đã bỏ xác ngoài biển", anh Tiến kể.

Vượt bão dữ cứu ngư dân - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Quyết – thành viên HTX nuôi trồng thủy sản Phất Cờ kể chuyện ông Bính cứu 4 ngư dân. Ảnh: Bùi My

Ông Nguyễn Văn Quyết – thành viên HTX nuôi trồng thủy sản Phất Cờ cũng là một người tình cờ chứng kiến cảnh tượng ông Bính vượt bão dữ cứu người. Ông Quyết tránh bão trên hang động trong núi, nhìn ra mặt biển chỉ thấy nước tung mù mịt. Khoảng 2 giờ chiều, ông thấy một chiếc xuồng rẽ sóng dữ mà ra giữa biển, không rõ ai điều khiển.

"Chỉ thấy một cái xuồng dừng ở đó, lúi húi một lúc rồi chạy vào. Lúc đó tôi mới biết là ông Bính chạy ra cứu người. Ông N.V.Q, D.V.S, V.V.Th và bà C.T.Ch lúc ấy đều đuối sức rồi, chỉ còn cầm hơi nữa thôi. Nếu chậm chút nữa chắc mấy người đó chết rồi, vì sau đấy sóng gió lại bắt đầu gào thét", ông Quyết kể lại.

Vượt bão dữ cứu ngư dân - Ảnh 3.

Ông Bính không cầm được nước mắt khi những quả phao nhựa mới tìm lại được bị người lạ đến "hôi của". Ảnh: Bùi My

Mong sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thiệt hại do bão số 3

Thiên tai chẳng thể hạ gục người đàn ông gắn bó cả đời với biển, vậy nhưng người đàn ông ấy cũng có khi bật khóc. Ông Bính không rơi nước mắt vì thiệt hại hàng tỷ đồng, ông rơi nước mắt chua xót vì đạo đức.

"Mất của thì đã đành, nhưng không gì chua xót bằng lúc này người ta lại đi cạnh tranh nhau từng quả phao. Nhiều người không nuôi trồng nhưng cũng đi thu gom phao. Chính tôi đây, hôm qua mới tìm lại được một giàn bè nuôi hàu, qua đêm đến sáng đã mất, không thấy đâu nữa", nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm sương gió của ông Bính.

Vượt bão dữ cứu ngư dân - Ảnh 10.

Khu lồng bè của gia đình ông Nguyễn Sỹ Bính bị siêu bão Yagi tàn phá. Ảnh: Bùi My

Ông mong rằng các cấp chính quyền có các biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng "hôi của", bảo vệ tài sản của người dân; có những cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ người dân tái sản xuất trong thời gian sớm nhất; các ngân hàng khoanh nợ và tạo điều kiện vay vốn mới để tái sản xuất ở mức lãi suất thấp nhất cho người dân...

Chúng tôi tạm biệt đảo Phất Cờ, lên xuồng trở về bờ. Trước khi chia tay, ông Bính bảo chúng tôi rằng sẽ nhanh chóng trục vớt và sửa sang lại hai con tàu bị đắm. Sau đó, ông sẽ vay mượn vốn từ anh em bạn bè để bắt đầu nuôi hàu lại từ đầu.

Nhìn đôi mắt hoe đỏ ánh lên quyết tâm, chúng tôi mong ông Bính cũng như bà con sớm khắc phục thiệt hại sau bão, sớm đưa vùng biển Vân Đồn trở lại là vùng biển trù phú như ngày trước.

Cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vân Đồn.

Theo thống kê, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn, trong đó: Hàu 25.638 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn. Ngoài ra, còn gây thiệt hại cho 2.000 ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống. Tổng thiệt hại dự kiến đối với hàu là 1.353 tỷ đồng; cá 533 tỷ đồng; hải sản khác 395 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem